Các thành phố và các tỉnh trên khắp Trung Quốc đã tổ chức một loạt hoạt động để kỷ niệm ngày này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trên khắp Trung Quốc, các hoạt động và chiến dịch IDB đã được tổ chức cho cả người lớn và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những “tài nguyên thiên nhiên" của Trung Quốc.
Nhiều hoạt động IDB đã diễn ra tại thành phố Lũng Nam, tỉnh Cam Túc. Để có cái nhìn sâu sắc hơn về bảo tồn đa dạng sinh học, những người tham gia sự kiện đã đến thăm Vườn quốc gia Gấu trúc khổng lồ và tham quan hệ thống giám sát môi trường tích hợp, bảo tàng…
Ngày 21/5, tại thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, trẻ mẫu giáo được tham gia các hoạt động theo chủ đề đa dạng sinh học. Những hoạt động này giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên, cũng như những nỗ lực tập thể cần thiết để bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, người dân được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động triển lãm động vật hoang dã, triển lãm tranh khoa học đa dạng sinh học và các bài giảng về đa dạng sinh học.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những năm hoạt động tích cực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu thông qua một loạt chính sách và hành động thiết thực.
Năm 2021, một đàn voi di cư đã thu hút sự quan tâm của thế giới. “Hành trình về nhà” của đàn voi hoang dã này ở Vân Nam, Trung Quốc chính là hình ảnh thu nhỏ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Trung Quốc trong những năm qua. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng việc bảo vệ đa dạng sinh học và coi đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn minh sinh thái. Trung Quốc đã xây dựng và thực hiện một loạt chính sách và biện pháp bảo vệ, đồng thời không ngừng tăng cường bảo vệ. Ví dụ, ban hành “Luật Bảo vệ đa dạng sinh học”, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và đưa ra lằn ranh đỏ bảo vệ sinh thái, xây dựng mạng lưới bảo vệ sinh thái khá hoàn chỉnh. Những biện pháp này bảo vệ hiệu quả môi trường sống của các giống loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng và duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái.
Trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, Trung Quốc đã tận dụng tối đa các phương tiện khoa học công nghệ và đổi mới phương pháp bảo vệ. Ví dụ, thông qua công nghệ viễn thám vệ tinh, giám sát bằng máy bay không người lái và phân tích dữ liệu lớn, giám sát theo thời gian thực sự thay đổi của môi trường sinh thái và xu hướng di chuyển của động vật hoang dã, đã cải thiện tính khoa học và độ chính xác của công tác bảo tồn. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và ngân hàng gen cũng cung cấp cơ sở khoa học và hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho việc bảo vệ và phục hồi các giống loài.
Bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của chính phủ mà còn cần sự tham gia của toàn xã hội. Trung Quốc đã triển khai tuyên truyền giáo dục rộng rãi về đa dạng sinh học để nâng cao ý thức bảo vệ sinh thái của người dân và thúc đẩy mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học. Ví dụ, các trường học và cộng đồng dân cư các địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, các phương tiện truyền thông phổ biến kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học đã nâng cao đáng kể nhận thức và sự tham gia của người dân về bảo vệ môi trường của. Ngày càng nhiều người dân bình thường tự nguyện tham gia vào hàng ngũ bảo vệ sinh thái và chung tay góp sức xây dựng ngôi nhà xanh.
Hiện nay, Trung Quốc đã có 2.750 khu bảo tồn thiên nhiên các cấp và các loại, trong đó có 474 khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia. Diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên lục địa đã lên tới hơn 1,7 triệu km2, đóng vai trò tích cực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng môi trường sinh thái.