Tỷ lệ thuận với sự gia tăng số ca nhiễm, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bị tác động nặng nề do các biện pháp chống dịch mới. Các chính phủ đang phải đau đầu để tìm cách “cân bằng phương trình” giữa một bên là bảo vệ sức khỏe người dân với bên kia là bảo vệ sức khỏe nền kinh tế.
Thực tế thì sau hơn 8 tháng, tốc độ lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vẫn chưa được kiềm chế. Khoảng thời gian để số ca mắc COVID-19 tăng thêm 1 triệu hiện chưa đến 4 ngày. Sáng 26/8, thế giới ghi nhận hơn 24 triệu ca mắc COVID-19 thì chưa tới 0 h ngày 30/8, con số này đã là hơn 25 triệu. Ngược dòng thời gian, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới lên 20 triệu vào ngày 10/8. Như vậy, chỉ trong 20 ngày có 5 triệu ca nhiễm mới.
Để so sánh, từ con số 10.000 ca nhiễm vào ngày 30/1, sau 2 tháng con số này tăng lên 100.000 ca vào ngày 4/3. Nhưng chỉ gần 1 tháng sau đã tăng 10 lần, vượt 1 triệu ca vào ngày 1/4. Từ mức 10 triệu ca vào ngày 27/6, sau gần 1 tháng tăng lên 15 triệu ca vào ngày 21/7, và kể từ đó cứ 20 ngày có thêm 5 triệu người nhiễm mới. Với tốc độ này, Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) dự báo đến cuối năm nay, số người mắc bệnh có thể lên 50-60 triệu.
Thay đổi đáng kể nhất trong 20 ngày qua là một số điểm nóng dịch có phần hạ nhiệt, trong khi những nơi tưởng chừng đã “thoát dịch” lại chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy tốc độ lây lan COVID-19 có dấu hiệu chậm lại tại một số khu vực, đặc biệt tại các nước châu Mỹ, điển hình tại Mỹ và Brazil - hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới.
Dù vẫn là khu vực tâm dịch với số ca mắc và tử vong mới trong tuần qua chiếm lần lượt 50% và 62% tổng số ca mắc và tử vong trên thế giới, nhưng châu Mỹ cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất về số ca nhiễm và tử vong mới, lần lượt 11% và 17% so với tuần trước đó. WHO cũng cho rằng châu Phi có thể đã vượt qua đỉnh dịch, song vẫn cảnh báo việc nới lỏng, lơ là trong phòng chống dịch sẽ tạo điều kiện cho làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại khu vực này.
Tuy nhiên, diễn biến dịch ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á vẫn khá phức tạp. Tại Ấn Độ, đường cong thể hiện số ca nhiễm tiếp tục đi lên, số ca nhiễm mới trong ngày luôn là một trong những mức cao nhất thế giới, có ngày trên 76.000 ca. Philippines và Indonesia, hai quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề, liên tiếp ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.
Đáng chú ý, sau một thời gian được đánh giá là khống chế hiệu quả COVID-19, làn sóng dịch mới đã quay lại nhiều nước châu Âu khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. Pháp tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh, ngày 28/8 là 7.379 ca, lần đầu tiên lên tới con số cao như vậy kể từ ngày 31/3. Biểu đồ số ca nhiễm của Tây Ban Nha cũng đi theo hình chữ U sau 3 tháng tưởng như đã kiểm soát được dịch, với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày trong vòng 1 tuần qua, đỉnh điểm ngày 21/8 có 7.565 ca.
Tình hình dịch ở Italy đang nóng trở lại khi ghi nhận trên 1.400 ca nhiễm mới mỗi ngày, Anh cũng trong tình trạng tương tự. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu, từ Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đều nhận định cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở châu Âu sẽ khó khăn hơn khi mùa Thu và mùa Đông tới cũng là mùa cúm hằng năm bắt đầu. Trong khi đó, WHO cảnh báo châu Âu đang bước vào "giai đoạn thử thách" khi các trường bắt đầu năm học mới.
Một điểm khác cần lưu tâm là xu hướng lây lan dịch từ những người trong độ tuổi thanh và trung niên. Giám đốc WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho biết: "Dịch bệnh đang thay đổi. Những người trong độ tuổi 20, 30 và 40 đang ngày càng làm gia tăng tốc độ lây lan dịch”. WHO lo ngại rằng phần lớn đối tượng này không có triệu chứng bệnh và không biết mình mắc bệnh, do vậy gây nguy hiểm cho những nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người già và những người ốm yếu tại những khu vực đông dân cư có hệ thống y tế hoạt động yếu kém.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cũng cảnh báo những người trẻ tuổi đang trở một trong những nguồn phát tán chính của dịch bệnh này ở châu Mỹ. Các số liệu ghi nhận trong thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người trong độ tuổi từ 20 - 59 tuổi tăng cao bất thường. Nhiều người này mắc bệnh với những biểu hiện rất nhẹ và không phải điều trị tại các phòng chăm sóc tích cực nhưng lại là nguồn lây nhiễm cho những người khác cần phải điều trị tại các cơ sở y tế.
Theo dự báo của WHO, dịch COVID-19 có thể chấm dứt trong vòng 2 năm, giống như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Điều này có nghĩa thế giới vẫn phải “sống chung với COVID-19” ít nhất cho đến hết năm 2021. Mặc dù cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19 đã đạt được tiến triển với những kết quả đáng ghi nhận ở Nga hay Trung Quốc, giới chuyên gia y tế vẫn cảnh báo dịch COVID-19 sẽ không thể sớm chấm dứt sau khi bào chế được vaccine, bởi "chưa có gì đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của các loại vaccine", hơn nữa virus corona chủng mới thường tấn công hệ hô hấp trên, vốn là mục tiêu mà vaccine khó nhắm tới.
Đặc biệt, việc phát hiện trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên mắc trở lại căn bệnh này sau 4 tháng khỏi bệnh tại Hong Kong (Trung Quốc), với chủng virus khác với chủng trong lần mắc bệnh đầu tiên, hay Bỉ và Hà Lan ghi nhận thêm các ca tái nhiễm sau 3 tháng khỏi bệnh, khiến giới chuyên gia cho rằng vaccine ít khả năng có thể phòng các chủng virus mới cả đời.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nước đã siết chặt các biện pháp phòng chống, như tái áp đặt phong tỏa, đóng cửa biên giới, gia hạn khuyến cáo về đi lại…. Nhiều nơi, đặc biệt là ở châu Âu, đã bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi nhiều nước khác siết chặt các quy định phòng dịch ở biên giới...
Tuy nhiên, dịch bệnh gia tăng đang tiếp tục tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, phản ánh qua những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp, nợ công, lạm phát đều tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế ngày càng giảm, nhiều nước đã hoặc sắp chính thức bước vào suy thoái sâu. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo 100 triệu người có thể trở lại cảnh nghèo cùng cực do tác động của dịch, thậm chí số người nghèo đói có thể còn tăng cao hơn nếu đại dịch diễn biến xấu đi hoặc kéo dài.
Bên cạnh đó, một trong những hậu quả nghiêm trọng của COVID-19 là việc thế giới đối mặt với "thảm họa thế hệ" do các trường học phải đóng cửa trong đại dịch, như cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Tính đến giữa tháng 7, khoảng 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ trẻ em và ít nhất 40 triệu trẻ em bị nhỡ khóa học mầm non. Hình thức giáo dục trực tuyến cũng chưa thể phát huy hiệu quả khi có khoảng 463 triệu học sinh thiếu dụng cụ hoặc trang thiết bị điện tử để theo học từ xa.
Các chuyên gia lo ngại đại dịch kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ hình thành "một thế hệ COVID" bị thất học, với hàng triệu trẻ em không thể tới trường và buộc phải kết hôn hoặc đi làm. Mặt khác, tình trạng khẩn cấp về giáo dục do tác động của đại dịch có thể khiến thế giới không thể hoàn thành các mục tiêu chấm dứt nghèo đói và bất bình đẳng vào năm 2030 và cũng có thể sẽ đẩy lùi những tiến bộ về bình đẳng giới đạt được trong nhiều năm qua.
Trước thực tế dịch COVID-19 chưa có chiều hướng thuyên giảm và nền kinh tế tiếp tục đi xuống, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt trong xã hội, thế giới bắt đầu nói đến khái niệm “trạng thái bình thường mới” khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng với bảo vệ sức khỏe nền kinh tế.
“Sống chung với dịch” đang là cách tiếp cận được ưu tiên hiện nay, theo đó, nhiều chính phủ chủ trương nơi nào bùng phát dịch thì cách ly nơi đó, tránh làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung và hệ thống giáo dục. WHO cho rằng các nước đã có sự chuẩn bị ứng phó tốt hơn, cũng như kiến thức về biện pháp phòng chống dịch, nên có thể phòng chống dịch mà không cần phải tiến hành phong tỏa toàn diện. Tiếp tục chống dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng cũng đang được các nước triển khai.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh chính phủ cần thúc đẩy các biện pháp chính sách khẩn cấp về kinh tế "hài hòa" với các nỗ lực ngăn chặn dịch, coi chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19 và phục hồi nền kinh tế là hai mục tiêu phải đồng thời đạt được, bởi chiến thắng dịch sẽ tạo ra động lực phục hồi nền kinh tế.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump chủ trương đưa học sinh trở lại trường học và mở cửa trở lại nền kinh tế ở những nơi dịch đã bớt nghiêm trọng. Canada dành 1,5 tỷ USD hỗ trợ các trường mở cửa trở lại, đồng thời cũng công bố kế hoạch hỗ trợ các tỉnh bang/vùng lãnh thổ khoảng 18 tỷ USD để khởi động lại nền kinh tế một cách an toàn. Tại châu Âu, nhiều nước đã đưa ra một loạt giải pháp phòng chống dịch như giữ gìn vệ sinh dịch tễ, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang để chuẩn bị mở cửa lại trường học trong tháng 9 này.
Tại Việt Nam, vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội là mục tiêu kép được chính phủ và các địa phương triển khai thực hiện trong trạng thái bình thường mới hiện nay. Với phương châm chủ động, bình tĩnh, sau khi đợt dịch mới bùng phát từ cuối tháng 7, một lần nữa, toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam lại vào cuộc nhằm thiết lập cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế.
Nhờ các biện pháp kịp thời, kiên quyết, bài bản và đồng bộ, đến nay Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Quảng Nam, Đắk Lắk... kịp thời khống chế sự lây lan chủng virus đáng sợ này… Mỗi địa phương xác định chiến lược chống dịch hiệu quả cả về kinh tế và y tế, chủ động ứng phó với từng cấp độ dịch, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm để có thể thích ứng với trạng thái bình thường mới.
WHO đã nhận định rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp và khó lường như hiện nay, “thế giới phải học cách sống chung với COVID-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có”. Rõ ràng số ca lây nhiễm COVID-19 toàn cầu vẫn tiếp tục tăng nhanh, mà theo dự báo của WHO “những kết quả nghiên cứu ban đầu về huyết thanh đang vẽ nên một bức tranh nhất quán về việc hầu hết mọi người trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm COVID-19, ngay cả ở các khu vực đã trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng”.
Thực tế này buộc thế giới phải xác định sống chung một cách an toàn với đại dịch COVID-19 và chủ động thích nghi với trạng thái bình thường mới trong cuộc sống và trong hoạt động kinh tế-xã hội, đây có thể coi như giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng “trăm năm có một lần” này.