Thổ Nhĩ Kỳ - Điểm "trung chuyển" khủng bố?

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vừa được các cơ quan tình báo phương Tây cung cấp một danh sách gồm 5.000 đối tượng bị Liên minh châu Âu (EU) tình nghi là đang tìm cách lọt vào Syria thông qua con đường du lịch từ châu Âu và Mỹ. Các đối tượng này khi đến Syria chắc chắn sẽ gia nhập các đội quân của lực lượng khủng bố "al-Qaeda".

 

Rất có thể chiến binh nổi loạn này đến từ phương Tây thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.


Báo “Độc lập” (Nga) ngày 10/6 cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chính là một trong những "điểm trung chuyển chính" của các chiến binh nước ngoài và đây chính là một yếu tố quan trọng cản trở Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên đầy đủ của EU.


Trong danh sách nói trên, có 450 người được cho là "đội quân thánh chiến cây nhà lá vườn", vốn là những người trước đó đã rời bỏ Syria và nay quay trở lại. Khoảng 700 người khác đến từ Đức, và gần 300 công dân Pháp bị nghi ngờ có liên kết với các đơn vị al-Qaeda ở Syria. Số còn lại là những chiến binh thánh chiến từ châu Âu đang tìm cách trở lại Syria.


EU coi Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm trung chuyển chính của các chiến binh chiến đấu chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al - Assad. Giới chức EU luôn khẳng định: "Đây là một vấn đề lớn trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ". Mỗi thành viên EU đều có một danh sách những đối tượng khủng bố tiềm năng. Các danh sách này đều đã được cung cấp cho Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ.


Theo các quan chức an ninh, việc "di cư" dễ dàng đến Syria của nhóm người khổng lồ này có thể dẫn đến một loạt cuộc tấn công khủng bố ở các nước phương Tây và trên một quy mô chưa từng thấy kể từ thời điểm 11/9/2001. Điều phối viên của Liên minh châu Âu chống khủng bố Gilles de Kerchove cho rằng châu Âu cần sẵn sàng đối phó với số lượng lớn các cuộc tấn công khủng bố và Mỹ cần phải tham gia chiến dịch này. Trong danh sách những kẻ bị cáo buộc đang tìm cách dồn về Syria, tuy chỉ có 70 công dân Mỹ, song với chính sách miễn thị thực, Mỹ sẽ là mảnh đất dễ thâm nhập và nước này đặc biệt dễ trở thành "con mồi" của các nhóm khủng bố.


Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với các lực lượng an ninh đó là việc "cập nhật" kịp thời và chính xác danh sách các chiến binh thánh chiến (kể cả những kẻ có tiềm năng gia nhập đội quân này). Ông Gilles de Kerchove lưu ý rằng một số quốc gia châu Âu đang "hợp tác cực kỳ chặt chẽ" trong việc trao đổi thông tin về những kẻ khủng bố, những người di chuyển từ châu Âu đến Syria và ngược lại. Trong những ngày này, 9 quốc gia châu Âu có nguy cơ cao nhất bởi hoạt động của các tổ chức cực đoan, đã hội đàm tại Brussels, với sự tham dự của đại diện của các đơn vị chống khủng bố và bộ trưởng Nội vụ.


Vấn đề chính và hết sức nan giải là các đơn vị đặc nhiệm của EU, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải làm cách nào để có thể đối phó hiệu quả với hàng nghìn kẻ khủng bố trà trộn trong dòng người du lịch bất tận. Thậm chí có thể nói chúng là những kẻ khủng bố "tàng hình". Ông Richard Barrett, một cựu mật vụ tình báo Anh (MI6), cho biết: "Nhiều chiến binh đã đến Syria, những kẻ chưa hề có tên trong sổ đen. Họ không có tiền án tiền sự. Đối với chúng tôi (lực lượng an ninh), sẽ thật khó để có thể phát hiện và theo dõi".

 

TTK

Phiến quân Hồi giáo Iraq bắt cóc lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ
Phiến quân Hồi giáo Iraq bắt cóc lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ

Các phiến quân Hồi giáo đã chiếm tòa lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ phủ Mosul thuộc tỉnh Nineveh, miền Bắc Iraq và bắt cóc lãnh sự cùng 24 nhân viên của cơ quan ngoại giao này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN