Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16/11/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thổ Nhĩ Kỳ đã có một loạt các động thái nhằm cải thiện quan hệ với Nga, bắt đầu bằng việc ngày 26/6 Tổng thống Tayyip Erdoğan gửi thư cho Tổng thống Vladimir Putin xin lỗi về vụ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga hồi tháng 11/2015.
Tiếp đó, ông Erdoğan cũng đã có cuộc điện đàm với Tông thống Nga, đề nghị nối lại đối thoại chính trị, gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và tổ chức gặp gỡ giữa Tổng thống hai nước.
Chuyên gia Krzysztof Strachota, Trung tâm nghiên cứu phương Đông (OSW), Ba Lan phân tích về vấn đề này trên trang web của OSW:
Thứ nhất, việc cải thiện quan hệ song phương có ý nghĩa chiến lược đối với cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thay đổi trong cách tiếp cận với Moskva là một phần trong việc điều chỉnh chính sách của Ankara.
Các nỗ lực của Tổng thống Erdogan hiện đang tập trung vào các vấn đề đối nội: hoàn thành quá trình sửa đổi Hiến pháp nhằm củng cố quyền lực và đánh bại các hoạt động phản kháng của lực lượng Đảng công nhân người Kurd (PKK).
Động thái điều chỉnh chính sách đầu tiên của Ankara là việc cựu Thủ tướng Ahmet Davutoğlu, người đóng vai trò chính trong việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong các giai đoạn trước đó từ chức.
Việc “bình thường hóa” quan hệ với Nga sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tập trung giải quyết các vấn đề đối nội và làm suy yếu lực lượng PKK. Xét trên khía cạnh rộng hơn, hợp tác với Nga sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo những lợi ích của mình ở Syria, chẳng hạn như việc bảo vệ cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và tăng cường vị thế của Ankara trong quan hệ với các nước phương Tây.
Điều này đóng vai trò quan trọng đối với Ankara, nhất là trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và EU gia tăng căng thẳng liên quan đến các hoạt động hỗ trợ lực lượng người Kurd và hợp tác trong việc giải quyết vấn đề nhập cư.
Đối với Nga, hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ngoài các lợi ích trong lĩnh vực kinh tế còn tạo thuận lợi cho Moskva tăng cường triển khai chiến lược của mình ở khu vực Trung Đông, chẳng hạn như cân bằng quan hệ với Tehran, gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ NATO và căng thẳng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Rõ ràng, đối với cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, việc điều chỉnh chính sách này mang ý nghĩa chiến lược.
Thứ hai, tương lai của quan hệ giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là câu hỏi mở. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong thời gian tới, chẳng hạn như thỏa thuận về việc bồi thường và quá trình điều tra, xử lý của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ bắn hạ máy bay Nga tháng 11/2015.
Các thỏa thuận cụ thể liên quan đến việc giải quyết xung đột ở Syria sẽ là một thách thức, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia Strachota nhận định, với việc Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy sự sẵn sàng nhượng bộ cũng như thiện chí của hai nước trong việc cải thiện quan hệ song phương, khả năng quan hệ giữa Ankara và Moscow sẽ có bước phát triển đáng kể trong thời gian tới.