Người dân mua trái cây Thổ Nhĩ Kỳ tại một siêu thị ở Omsk, Nga. Ảnh: Sputnik |
Đây là bình luận của ông Kadri Gursel, chuyên gia phân tích về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, các vấn đề của khu vực Caucasus, Trung Đông và châu Âu.
Theo ông Gursel, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, chính Nga mới là “cầu thủ kiến tạo” trong cuộc khủng hoảng này. Tốc độ và phạm vi của các biện pháp trừng phạt mà Nga nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rằng, một loạt các động thái này có thể đã được lên kế hoạch từ trước cho một cuộc khủng hoảng tiềm tàng liên quan đến Syria. Việc đưa các tên lửa phòng không S-400 tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria chỉ hai ngày sau khi vụ việc xảy ra cũng cho thấy việc triển khai đã được lên kế hoạch trước.
Một biểu hiện khác cho thấy Nga chuẩn bị trước cho khủng hoảng là việc các phương tiện truyền thông Nga đã tấn công trực diện, nhanh chóng Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể là báo chí Nga đã vạch trần hoạt động buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp giữa nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc trực tiếp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và gia đình ông. Các phương tiện truyền thông Nga có vẻ hướng vào công chúng phương Tây, làm xấu thêm hình ảnh vốn đã không tốt đẹp của ông Erdogan và do đó khiến cho các đồng minh NATO gặp khó khăn hơn trong việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Tóm lại, người Nga đã tìm cách cô lập Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng này.
Mỹ hưởng lợiNhư vậy, chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy nước này vào một cuộc đối đầu với Nga, và không ai biết làm thế nào và khi nào điều này sẽ kết thúc. Nghịch lý thay, cho đến nay Mỹ đã và đang là bên hưởng lợi chính trong cuộc khủng hoảng này. Sự rạn nứt quan hệ gần gũi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể là điều khiến Mỹ vui lòng. Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây sẽ cảm thấy buộc phải hành động như một đối tác gần gũi hơn với phương Tây về vấn đề an ninh, khi mối đe dọa quân sự của Nga đang buộc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần hơn với NATO. Việc Tổng thống Putin tức giận sau khi một thành viên của NATO bắn rơi máy bay của Nga có lẽ không hề gây lo ngại cho Mỹ. Ngược lại, điều này chỉ có thể khiến Mỹ hài lòng.
Ngoài ra, trong bối cảnh diễn ra sự cố bắn rơi máy bay Su-24 và việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị mất đòn bẩy mà nước này đã sử dụng để gây áp lực với Mỹ nhằm lập một vùng cấm bay ở Syria – điều mà Ankara đang muốn để tạo ra một vùng đệm biên giới dài khoảng 100 km nhằm ngăn chặn vùng lãnh thổ phía bắc Syria bị rơi vào tay các lực lượng người Kurd.
Trên thực tế, cả Mỹ và NATO đều không mấy hứng thú với kế hoạch tạo ra vùng cấm bay ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ. Một điều rõ ràng là các bên không có kế hoạch gửi binh lính của mình tới đó, trong khi vùng cấm bay ở Syria có thể tiêu tốn của phương Tây hàng tỷ USD mỗi tháng. Mặt khác, hiện các lực lượng Nga đồn trú ở Syria là theo yêu cầu của chính phủ hợp hiến, họ hoàn toàn có quyền theo luật pháp quốc tế.