Tuần trước, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận hàng hải với một trong hai chính quyền ở Libya nhằm củng cố vị thế trong khu vực. Bất chấp sự mơ hồ về pháp lý và thách thức về mặt hậu cần, thỏa thuận này thể hiện nỗ lực mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khẳng định sự thống trị của mình ở Đông Địa Trung Hải, qua đó tận dụng nguồn năng lượng và khôi phục ảnh hưởng tại một khu vực mà họ đã mất kiểm soát trong hơn một thế kỷ sau khi Đế chế Ottoman sụp đổ.
Cuộc đua năng lượng
Anakara đã cố gắng thiết lập một vùng đệm ở biên giới phía Nam với chiến dịch Mùa xuân Hòa bình ở Đông Bắc Syria. Những nỗ lực của họ ở vùng biển phía Tây đất nước cũng có một số động lực liên quan, nhưng quan trọng hơn là nhằm tìm kiếm lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Đông Địa Trung Hải.
Trong nhiều thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi việc hưởng lợi từ sự bùng nổ dầu khí ở vùng biển này, nơi ước tính có khoảng 3,5 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 1,7 tỷ thùng dầu thô.
Hy Lạp, CH Síp (Cyprus), Ai Cập và Israel đều đã nhanh chóng và thành công hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xác định các mỏ dầu và khí đốt dọc theo bờ biển của họ. Sau khi Israel phát hiện hai mỏ khí đốt vào năm 1999, chính phủ nước này, cùng với các nước Hy Lạp, Síp và Ai Cập, đã nhanh chóng đạt được các thỏa thuận nhằm phân định vùng đặc quyền kinh tế và triển khai thăm dò dầu khí với các công ty đa quốc gia. Điều đó cho phép các quốc gia này không chỉ hưởng lợi tài chính từ nguồn tài nguyên dưới biển mà còn cải thiện sự độc lập của họ về năng lượng.
Nhận ra điều đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư mạnh mẽ cho tìm kiếm tài nguyên ở Địa Trung Hải. Các tàu khảo sát địa chất và những cuộc thăm dò dưới biển sâu đã tiêu tốn của họ hơn 1 tỷ USD trong thập kỷ qua, nhưng vẫn chưa mang lại bất kỳ phát hiện nào về dầu khí.
Rõ ràng là không có các nguồn tài nguyên như vậy dọc theo bờ biển Địa Trung Hải dài 1.600km của Thổ Nhĩ Kỳ, và trước nhu cầu ngày càng tăng, cùng với sự lệ thuộc vào dầu khí nhập khẩu, Ankara đã buộc phải đặt mũi khoan vào cả những vùng biển mà Hy Lạp và Síp đã tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Xem video tàu khoan thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại vùng EEZ của CH Síp (Nguồn: Euronews). Vì hoạt động này, Ankara đã bị Liên minh châu Âu trừng phạt:
Tất nhiên, đây không chỉ là vấn đề nhiên liệu hóa thạch. Các cuộc cạnh tranh trong khu vực này vốn kéo dài trong lịch sử và các quốc gia như Hy Lạp không hào hứng gì với viễn cảnh một kẻ thù cũ trỗi dậy. Những tuyên bố dựa trên cơ sở lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ tại biển Aegean, đảo Síp và các đảo khác của Hy Lạp đã gióng hồi chuông báo động với các nước láng giềng Địa Trung Hải.
Hy Lạp và các nước Địa Trung Hải khác đã xây dựng một chiến lược khu vực nhằm loại bỏ Thổ Nhĩ kỳ khỏi các dự án kinh tế và khuôn khổ hợp tác khu vực của họ. Chẳng hạn, EastMed Pipeline, một đường ống khí đốt tự nhiên dưới nước trị giá 7,36 tỷ USD, sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ của Israel và Síp ra khắp đảo Síp và Hy Lạp rồi đến các trạm trung chuyển ở Italy trước khi vào thị trường châu Âu béo bở.
Ngoài ra, Israel, Ai Cập, Palestine, Jordan, Hy Lạp và Síp đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Diễn đàn Khí đốt Địa Trung Hải, một nền tảng hợp tác để đối thoại về tài nguyên thiên nhiên. Do đó, Ankara đã nghĩ ra một chiến lược đối kháng để đạt được cấp độ một cường quốc Địa Trung Hải như các đối thủ và ngày càng trở nên quyết đoán đối với những gì họ coi là lãnh thổ lịch sử và hợp pháp của mình.
Hiệp ước Thổ Nhĩ Kỳ-Libya
Ngày 27/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp hai giờ đồng hồ với người đứng đầu Chính phủ Libya do Liên hợp quốc hậu thuẫn (GNA), ông Fayez Sarraj. Họ xuất hiện với hai biên bản ghi nhớ, một về an ninh - hợp tác quân sự và một gọi là “Giới hạn Khu vực pháp lý hàng hải”. Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ GNA trong nhiều năm qua, một phần là do sự quan tâm tới trữ lượng dầu của Libya - ước tính là lớn nhất ở châu Phi và lớn thứ 10 toàn cầu - và một phần nhằm chống lại các nước Arab và các đối thủ khác (bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Nga), vốn ủng hộ phe đối lập trong cuộc xung đột Libya (tức Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya – LNA).
Về mặt này, thỏa thuận quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ-GNA không có gì bất ngờ: Ankara có lịch sử cung cấp cho lực lượng của ông Sarraj các máy bay, thiết bị quân sự và nguồn lực tài chính để đối phó với LNA dưới quyền ông Khalifa Haftar ở miền Đông Libya.
Tuy nhiên, thỏa thuận hàng hải này lại đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Nó đã vạch ra các vùng biển mới “công bằng”, trên đó cả hai bên thực hiện chủ quyền. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ rằng các thỏa thuận hàng hải sẽ dẫn đến hợp đồng dầu khí béo bở ngoài khơi bờ biển Libya, công cuộc tái thiết kinh tế Libya sau khi kết thúc nội chiến, thậm chí dẫn đến một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Tây Libya.
Theo trang Geopolitical Futures, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải dựa trên hai cách tiếp cận. Trước hết, Ankara biết rằng họ không thể đối đầu với những kẻ thù của mình và tự thoát khỏi sự cô lập, vì vậy họ đã tìm kiếm và tìm thấy hai đối tác trong khu vực: gồm Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC) và GNA của Libya. Đây là những đồng minh yếu, nhưng chính điều đó khiến họ dễ bị khai thác. TRNC hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để tồn tại. Trong khi kẻ thù của GNA có sự hỗ trợ của Saudi Arabia, Nga và Ai Cập - một số đối thủ lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cách tiếp cận thứ hai trong chiến lược Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ là dựa trên những lý giải lịch sử để khẳng định chủ quyền trong khu vực. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đề cập đến khái niệm “Tổ quốc Xanh” (Blue Homeland), quan niệm rằng bờ biển phía Đông của đảo Crete và một nửa biển Aegean – rộng gần 18.000 dặm vuông - thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. “Tổ quốc Xanh” là tư tưởng phổ biến ở những người theo chủ nghĩa Ottoman mới trong Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan, khi nó nhấn mạnh thời kỳ đỉnh cao quyền lực địa chính trị của Đế chế Ottoman.
Ông Erdogan thậm chí còn tạo dáng trước bản đồ “Tổ quốc Xanh” khi phát biểu tại trường Đại học Quốc phòng. Tất nhiên, Ankara nhận thức được rằng những khái niệm như vậy sẽ vi phạm chủ quyền của Hy Lạp và rằng bất kỳ nỗ lực củng cố quân sự nào cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế. Nhưng mục tiêu cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ là tâm lý: áp đặt ảnh hưởng vĩnh viễn của Ankara trong khu vực và thông báo cho các hàng xóm Địa Trung Hải rằng họ vẫn hiện diện mạnh mẽ ở đây.
Video Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tập trận hàng hải lớn nhất trong lịch sử có tên "Blue Homeland" vào tháng 2/2019 (Nguồn: Hãng thông tấn Anadolu)
Geopolitical Futures cho rằng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải là nhằm thay đổi cán cân quyền lực với các cường quốc khu vực và khẳng định một thực tế tâm lý mới liên quan đến ảnh hưởng và quyền chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó phù hợp với tham vọng rộng lớn hơn của Ankara nhằm phát triển một chính sách đối ngoại táo bạo hơn, rõ ràng hơn, tự chủ hơn.
Chính sách này đã được Ankara thăm dò ở Balkans, Trung Á, vùng Levant và Caucasus (Kavkaz), nhưng Đông Địa Trung Hải sẽ tiếp tục là nơi Thổ Nhĩ Kỳ "chơi ván bài" quyết liệt nhất của mình.