Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara ngày 24/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với vị trí địa lý nằm ở khu vực giao cắt giữa một châu Âu đang bị chia rẽ và một Trung Đông hỗn loạn, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị kẹt trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các lực lượng từng là đồng minh Hồi giáo của nhau, vốn làm lung lay các thể chế dân chủ và làm dấy lên câu hỏi về định hướng tương lai.
Kể từ sau cuộc đảo chính thất bại hôm 15/7, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền do Tổng thống Tayyip Erdogan sáng lập đã có thêm lợi thế trong cuộc đấu với mạng lưới bí mật trong quân đội, tòa án và giới công chức trung thành với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ. Cuộc chiến đấu tới cùng này đã khiến phương Tây lo sợ và làm đảo lộn quốc gia 80 triệu dân này, vốn nằm tiếp giáp với các cuộc bạo động ở Iraq và Syria, và là một đồng minh của phương Tây chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Erdogan cáo buộc ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành do một nhóm nhỏ trong quân đội thực hiện này và đã tập hợp được hơn 60.000 người trong một chiến dịch mà ông hy vọng sẽ “thanh lọc” Thổ Nhĩ Kỳ khỏi cái gọi là “virus” Gulen.
Các cuộc thanh trừng này, được thực hiện trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các cuộc tấn công của IS và cuộc xung đột trở lại với các tay súng người Kurd, truy bắt tới hơn 100 tướng lĩnh và 6.000 binh sĩ, và gần 3.000 thẩm phán. Chiến dịch thanh trừng cũng vây bắt 21.000 giáo viên và rất nhiều học giả, cũng như các mục tiêu mới trong giới truyền thông. Phát biểu với hãng tin Reuters hôm 21/7, ông Erdogan nói: “Họ là những kẻ phản bội”. Ông đã miêu tả mạng lưới của ông Gulen “giống như bệnh ung thư” và nói rằng ông sẽ coi họ như “tổ chức khủng bố ly khai” và sẽ diệt trừ tận gốc cho dù họ ở đâu.
Các đảng phái tập hợp sau cuộc đảo chínhNgày 24/7, hàng chục nghìn người ủng hộ đảng AKP cầm quyền và các đảng đối lập chính khác, vốn là các đối thủ của nhau, đã tập hợp để ủng hộ nền dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành trong bối cảnh ông Erdogan thắt chặt kiểm soát đất nước. Những người tham gia biểu tình đã tổ chức cuộc tuần hành liên đảng vì “Nền Cộng hòa và Dân chủ” ở quảng trường Taksim, trung tâm Istanbul trên tinh thần đoàn kết sau cuộc đảo chính thất bại khiến ít nhất 246 người chết và hơn 2.000 người bị thương.
Trong một động thái hiếm thấy, các kênh truyền hình thân chính phủ đã phát sóng trực tiếp bài phát biểu của Kemal Kilicdaroglu, một nhà lãnh đạo phe đối lập chính. Tại buổi tập hợp được tổ chức bởi đảng đối lập CHP có quan điểm thế tục, và cũng được sự ủng hộ của đảng AKP có gốc rễ Hồi giáo và các nhóm đối lập khác, ông Kemal Kilicdaroglu nói: “Hôm nay (24/7) là ngày để đoàn kết, ngày để đứng lên chống lại các cuộc đảo chính và các chế độ độc tài, ngày để tiếng nói người dân được lắng nghe… Hôm nay là ngày chúng ta cùng nhau làm nên lịch sử”.
Ông Erdogan có thể sẽ lợi dụng đám đông tập hợp từ mọi đảng phái chính trị này để cố gắng tái áp đặt kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống IS do Mỹ dẫn đầu. Ông Erdogan, người suýt bị bắt giữ và ám sát trong cuộc đảo chính vừa qua, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép ông được ban hành luật mà không cần sự phê chuẩn trước của Quốc hội nhằm diệt trừ tận gốc những người ủng hộ cuộc đảo chính.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tuần hành tại Quảng trường Taksim ở Istanbul. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mây đen bao trùm nền kinh tế
Chỉ riêng tuần qua đã cho thấy mọi việc sẽ không hề dễ dàng với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông Erdogan. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng hiệu suất kinh tế sụt giảm đáng kể, bao gồm cuộc suy thoái kinh tế, chưa chắc sẽ xảy ra và việc tránh khỏi các kịch bản tồi tệ này phụ thuộc phần lớn vào các lựa chọn của ông Erdogan và chính quyền của ông.
Kể từ sau cuộc đảo chính cách đây hơn một tuần, giá trị đồng lira đã sụt giảm hơn 6% so với đồng USD. Thị trường chứng khoán của nước này cũng giảm 10%. Chiến lược gia Michael Harris, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Renaissance Capital, nói: “Sự yếu ớt của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này không thể kiểm soát đồng nội tệ của họ sẽ trôi nổi về đâu… Nếu đồng nội tệ tụt dốc quá mức, điều này sẽ gây nguy hại tới các tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ. Và sau đó nó sẽ dẫn tới kịch bản suy thoái”.
Trong một đòn giáng mạnh vào các tuyên bố của chính phủ rằng hoạt động của các doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường sau cuộc đảo chính, Standard and Poor's đã hạ mức đánh giá khả năng trả nợ bằng ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ từ BB+ xuống BB. Hiện các chuyên gia cảnh báo hãng xếp hạng Moody’s cũng làm vậy trong lần tuyên bố xếp hạng tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới.