Những bất ổn sau cuộc đảo chính tối 15/7 sẽ còn rất lâu mới chấm dứt. Nó đã hủy hoại đất nước này và gây ra tổn thất không thể bù đắp đối với một lực lượng quân đội vốn được xem là nền tảng để duy trì ổn định ở một quốc gia đang phải chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cuộc nổi dậy của người Kurd.
Ông Hugh Pope và Nigar Goksel, hai nhà phân tích trong Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nhận định: “Cuối cùng, ông Erdogan và những người ủng hộ ông đã chiến thắng trong ngày hôm đó, nhưng không một ai ở Thổ Nhĩ Kỳ giành chiến thắng nếu xét trong dài hạn”. Hai nhà nghiên cứu này dự đoán rằng “tổn thất với quân đội - một lực lượng đang có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hỗn loạn ở các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ vô cùng lớn”. Hành động vừa qua của một nhóm nhỏ trong quân đội đã khiến tư tưởng chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo trỗi dậy, đồng thời càng góp phần tạo thêm sự ủng hộ đối với ông Erdogan, và khuyến khích chính phủ tiến hành trấn áp. Hàng nghìn nhân vật đối lập đã bị khai trừ khỏi quân đội và các tòa án, các trường đại học và các cơ quan dân sự.
Các vụ bắt bớ vẫn tiếp tục diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành ngày 15/7. |
Ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, vốn có gốc rễ Hồi giáo, đang cáo buộc Giáo sĩ Fethullah Gulen, từng là đồng minh thân cận trước khi trở thành kẻ thù của ông Erdogan, đã dàn xếp âm mưu đảo chính và yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 35.000 thành viên trong quân đội, cảnh sát, tòa án và các cơ quan dân sự đã bị bắt giữ hoặc bị đình chỉ công tác vì bị nghi ngờ có liên hệ với “hệ tư tưởng” Gulen sau cuộc đảo chính thất bại và khiến hơn 230 người thiệt mạng vừa qua.
Tốc độ và quy mô của cuộc trấn áp, cùng những lời kêu gọi khôi phục án tử hình đối với các kẻ chủ mưu, đang khiến các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ hết sức lo ngại. Họ nhấn mạnh Ankara phải tôn trọng luật pháp, với tư cách là một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đang nộp đơn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là đồng minh Hồi giáo hùng mạnh nhất của Washington. Giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không lưu tâm tới những lời kêu gọi này. Có thể nói, cuộc đảo chính bất thành đã làm lung lay tới tận "trung tâm" giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà bình luận Mustafa Akyol, tác giả cuốn sách “Hồi giáo không cực đoan: Một nhánh Hồi giáo vì Tự do”, nói: “Cuộc đảo chính này làm thay đổi mọi thứ. Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng rất căng thẳng. Sự tàn bạo trong cuộc trấn áp là điều cực kỳ đáng lo ngại. Quân đội và lực lượng an ninh đã có sự xáo trộn lớn, và nhiều quan chức sẽ bị thanh trừng. Vấn đề lớn ở đây là các nhân vật này sẽ bị thay thế và xử lý thế nào. Đây là một cuộc khủng hoảng rất, rất lớn”.
Cuộc đảo chính bất thành này đã bộc lộ sự yếu ớt của quân đội và các cơ quan tình báo, vốn không thể phát hiện sớm âm mưu lớn liên quan đến các chỉ huy cấp cao trong lục quân và không quân. Trong khi đó, trên các đường phố Thổ Nhĩ Kỳ, những người Hồi giáo theo đảng AKP của ông Erdogan đã tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ chính quyền, và điều này càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ diễn ra một cuộc đàn áp nhằm vào những người được cho là ủng hộ tư tưởng của Giáo sĩ Gulen và các nhà đối lập khác.
Các sự kiện gần đây đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang “quay cuồng” bởi ảnh hưởng của cuộc tấn công do người Kurd và những kẻ đánh bom liều chết trong IS gây ra, càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Marc Pierini, cựu Đại sứ của EU tại Ankara và là một học giả tại Trung tâm Carnegie châu Âu, nói: “Nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây rốt cuộc có thể trở thành các nạn nhân đầu tiên của cuộc đảo chính này”.