Thỏa thuận hạt nhân Iran: Hồi kết hay còn bê bết?

Nếu Iran trong tuần này đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi với phương Tây, đó sẽ là một bước tiến lịch sử hướng đến việc chấm dứt sự cô lập quốc tế đối với quốc gia Trung Đông này. 

Nhưng trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, các nhà phân tích vẫn còn phân làm hai luồng tranh cãi xoay quanh việc liệu thỏa thuận này có thể góp phần làm ổn định khu vực Trung Đông bất ổn, hoặc thậm chí là có thể ngăn chặn được một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực hay không.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái), nguyên Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh đối ngoại Catherine Ashton (giữa) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (phải) trong cuộc đàm phán ngày 10/11. Ảnh: AFP/ TTXVN


Dành ra nhiều năm ròng rã thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân với Iran bằng biện pháp nới lỏng các lệnh cấm vận kinh tế nhằm đổi lấy cam kết Iran sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân, phương Tây hy vọng các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) cuối tuần này sẽ tạo ra một hình mẫu cho cả thế giới.

Mark Fitzpatrick, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giờ đây làm việc tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược tại London nhận định: “Thỏa thuận này… sẽ chứng minh hệ thống không phổ biến (vũ khí hạt nhân) có hiệu quả. Sự kết hợp của luật cùng với áp lực sẽ ngăn ngừa sự mở rộng số lượng các quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân, và đó không hề là một thành tựu nhỏ”.

Dẫu vậy, trong lúc này vẫn còn đó nhiều chuyên gia cho rằng điều ngược lại sẽ là chiều hướng của câu chuyện. Trung Đông là vùng đất thấm đẫm những chuỗi xung đột đẫm máu vẫn đang tiếp tục gia tăng trên phạm vi toàn khu vực, với những cuộc đụng độ của người Shiite và người Sunni.

Theo các chuyên gia này, bất kì bước tiến nào giữa phương Tây và một Iran của người Shiite cũng sẽ bị các quốc gia do người hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất quan ngại sâu sắc. Họ là những đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực, và là những nước không tin rằng Tehran sẽ giữ lời hứa.

Mark Dubowitz, giám đốc điều hành của cơ quan tư vấn FDD có trụ sở tại Washington, DC (Mỹ) nói: “Trừ phi đây thật sự là một thỏa thuận tốt hơn thỏa thuận đã được dự đoán, nếu không nó sẽ dẫn đến" việc người Sunni phản ứng lại bằng cách theo đuổi các chương trình hạt nhân của riêng mình.

“Người Saudi Arabia có thể mua một tên lửa hạt nhân đã được phát triển từ người Pakistan ngay ngày mai. Hoặc khả dĩ hơn, họ có thể tiến tới việc phát triển (hạt nhân) dưới lớp vỏ chương trình dân sự. Người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ai Cập cũng có thể làm điều tương tự”, ông nói.

Cho rằng Washington ý thức rõ những quan ngại của các đồng minh, các chuyên gia khác lại nhận định Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để xoa dịu không chỉ người Sunni, mà còn là cả Israel, quốc gia lo ngại một Iran sở hữu hạt nhân là mối đe dọa tới sự tồn vong của nước này.

Cựu cố vấn đặc biệt từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và giờ đây là tại Viện Brookings, Robert Einhorn, đánh giá: “Bất kì sự hòa giải nào giữa Mỹ và Iran cũng sẽ diễn ra rất cẩn trọng và dựa trên cơ sở của những lợi ích cao nhất của Mỹ cũng của các đồng minh truyền thống trong khu vực”.

Chi tiết của thỏa thuận sẽ là những điểm vô cùng quan trọng. Và các chính phủ trong khu vực hẳn sẽ không bỏ sót một câu từ nào nhằm loại bỏ những kẽ hở cho phép Iran lợi dụng để theo đuổi vũ khí hạt nhân mà không bị sờ gáy.

Trong khi đó, với Iran, tương lai tươi sáng hơn đang hiện ra trước mắt. Một thỏa thuận với phương Tây sẽ là một dấu chấm hết quan trọng cho quãng thời gian 35 năm bị cô lập ngoại giao, giúp tái xây dựng một nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng vì các lệnh trừng phạt, cũng như có thể củng cố thêm sức mạnh của phe ôn hòa, trong đó có Tổng thống Hassan Rouhani.

Bernard Hourcade, một chuyên gia về Iran tại cơ quan tư vấn của Pháp CNRS cho hay, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ kéo theo “những khoản đầu tư khổng lồ vào khu vực dầu mỏ”. Các bản hợp đồng đã được chuẩn bị sẵn nhằm thu hút các tập đoàn lớn như Total và Shell. “Các ngân hàng sẽ có thể tái khởi động các cuộc đàm phán quốc tế cũng như các dòng tín dụng. Một thị trường rộng lớn sẽ mở ra”.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani (phải) gặp Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin đang trong chuyến thăm Iran ngày 17/11. Ảnh: AFP-TTXVN


Về phần mình, Nga theo dõi tiến trình đàm phán với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Mặc dù quan ngại sự trở lại của dầu mỏ Iran trên thị trường toàn cầu sẽ làm cho giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm, Moskva lại thích ý tưởng bán thêm nhiều công nghệ hạt nhân dân sự cho Iran.

Nhà nghiên cứu cấp cao Shashank Joshi tại viện nghiên cứu RUSI (Anh) nói: “Một thỏa thuận (hạt nhân) sẽ bảo đảm vị trí nhân tố chính trong khu vực của Nga trong bối cảnh nước này sẽ đóng một vai trò trung tâm trong việc triển khai thỏa thuận trên, việc sẽ kéo dài trong nhiều năm. Điều này khẳng định Mỹ vẫn lệ thuộc vào Nga”.

Tuy nhiên, khi thời khắc lịch sử đã cận kề, các nhà phân tích vẫn cảnh báo chưa thể chắc chắn Iran và phương Tây sẽ đạt được một thỏa thuận trước ngày 24/11, đồng thời cho rằng hạn chót này sẽ tiếp tục bị đẩy lùi.

“Điều có khả năng đạt được nhất là sự đồng thuận về một số giới hạn quan trọng như khả năng làm giàu (urani) và các giai đoạn nới lỏng lệnh trừng phạt”, ông Einhorn nói. Còn theo ông Ali Vaez, nhà phân tích cấp cao người Iran tại cơ quan ICG, ngay cả một thỏa thuận hoàn chỉnh cũng sẽ không tạo ra tác động mạnh như nhiều người đang kỳ vọng.

“Một thỏa thuận hạt nhân có thể là một cánh cửa cho phép Iran làm mới sự hợp tác với phương Tây với các vấn đề liên quan đến lợi ích chung như sự ổn định tại Afghanistan và Iraq, chủ nghĩa cực đoan ở Syria và an ninh năng lượng châu Âu”, ông Ali Vaez nói. Dẫu vậy theo ông, “điều này không được bảo đảm" vì lịch sử các mối quan hệ của Iran với phương Tây cho thấy hai phía rất có kinh nghiệm trong việc "không hiểu nhau" cũng như bỏ lỡ "nhiều cơ hội".


Anh Tiếu (Theo ASI/AFP)

'Bài toán' nan giải trong vấn đề hạt nhân Iran
'Bài toán' nan giải trong vấn đề hạt nhân Iran

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời hạn chót để Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký thỏa thuận hạt nhân cuối cùng (ngày 24/11). Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trở ngại mà hai bên chưa thể giải quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN