Lễ ký diễn ra tại thời điểm nước Mỹ dưới thời ông Biden đang tìm cách tái định hình quan hệ với Trung Quốc và Iran. Với bước đi này, dường như cả Bắc Kinh và Tehran đã bước qua kỉ nguyên lo sợ đòn cấm vận, trừng phạt của Mỹ sau sự ra đi của ông Donald Trump.
Thỏa thuận chiến lược đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến hợp tác quốc phòng. Trung Quốc cũng đồng ý tham gia các cuộc tập trận chung với Iran, phát triển các biển cùng với khoản đầu tư trị giá 450 tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng, hóa dầu và nhiều ngành kinh tế khác của Iran. Đó là thỏa thuận có tác động đến cả khu vực.
Nga và Trung Quốc đang có bước điều phối ngoại giao chặt chẽ. Cả hai cường quốc này đều lo ngại chính quyền Tổng thống Joe Biden và đều có quan hệ hữu hảo với Iran. Về phần mình, Tehran đang có xu hướng cứng rắn với Mỹ, có thể là vì lý do kĩ thuật, muốn tạo thế trước đàm phán tới đây ở Vienna bàn về thỏa thuận hạt nhân, hoặc do đây một phần trong quyết định chiến lược của Tehran muốn tăng cường quan hệ đối tác với Bắc Kinh và Moskva.
Thế nhưng, ngay cả khi ưu tiên quan hệ với Iran, Nga và Trung Quốc cũng đang tìm cách làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh. Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đều lần lượt có các chuyến công du tới nhiều nước trong khu vực.
Hai ngoại trưởng sau đó còn gặp gỡ tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây để bàn về hợp tác chiến lược Nga-Trung, trong đó có điều phối song phương trong quan hệ với Mỹ, các nước Vùng Vịnh, Trung Đông trong thời điểm Mỹ dần coi nhẹ khu vực này trong danh sách ưu tiên đối ngoại.
Các nước A-rập sẽ tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, ở cấp độ mà Nga và Trung Quốc không thể vươn đến ở thời điểm hiện nay, ngoại trừ xuất hiện dịch chuyển đột phá trong cán cân quan hệ tay ba Mỹ-Nga-Trung.
Nhưng bước phát triển trong hợp tác giữa khối A-rập với Bắc Kinh và Moskva, dù chỉ ở mức tập trung vào kinh tế, cũng gây ra những tác động, khiến Mỹ phải xem lại vai trò và can dự tại khu vực. Nga và Trung Quốc đều đang tung ra nhiều sáng kiến ở Trung Đông – một khu vực trước đây từng được coi là thuộc vòng cung ảnh hưởng của riêng Mỹ.
Sau khi ký thỏa thuận, Iran nhiều khả năng sẽ nhận được khoản đầu tư trung bình 20 tỉ USD mỗi năm. Nguồn lực này cho phép Tehran theo đuổi các dự án, sáng kiến trong nước và khu vực, với bước đi mạnh mẽ hơn, trong đó có các kế hoạch chiến lược ở Syria, Iraq, Lebanon và Yemen. Về phần mình, lợi ích hàng đầu mà Trung Quốc thu được là tạo dựng thế đứng chiến lược ở Trung Đông. Thông qua vị trí địa chiến lược của Iran, Bắc Kinh có điều kiện thuận lợi đẩy nhanh sáng kiến "Vành đai và Con đường" tại Trung Đông, mở ra liên kết với các khu vực khác.
Ở thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc đều có quan hệ căng thẳng với Mỹ. Hai cường quốc này coi Iran là một nhân tố quan trọng để tạo đối trọng trước chính quyền Tổng thống Joe Biden. Moskva vì thế coi thỏa thuận Trung Quốc - Iran là thành tố bổ sung cho quan hệ song phương với Tehran. Yếu tố Iran kết hợp với nỗ lực của Moskva trong việc làm trung gian hòa giải một số cuộc xung đột ở khu vực sẽ giúp Nga tăng cường hiện diện và ưu thế trên bàn đàm phán, đủ để cạnh tranh với Mỹ.
Tại cuộc hội thảo thường niên được tổ chức tại Câu lạc bộ Valdai cuối năm ngoái, ông Lavrov đã nêu ra nhiều đề xuất chính sách của Nga với Trung Đông. Moskva đang nhìn nhận chính quyền Joe Biden không sẵn sàng đóng vai trò nổi bật ở Trung Đông, hoặc Washington sẽ phải mất nhiều thời gian để định ra một chính sách rõ ràng đối với khu vực. Đó là cơ hội để Nga nhảy vào lấp khoảng trống quyền lực, bằng những hành động mau lẹ và dứt khoát.