Từ đầu thập niên này, các quốc gia Mỹ Latinh là Argentina, Brazil, Costa Rica và Chile đã nổi lên xu hướng các “bóng hồng” đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cao nhất.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá rằng sự kiện ngày 18/12 với ông Sebastian Pinera chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Chile là dấu mốc cho thời kỳ của các lãnh đạo nữ tại Mỹ Latinh đi đến hồi kết.
Tổng thống Chile Michelle Bachelet (giữa) cùng cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez (trái) và cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trong một sự kiện năm 2014. Ảnh: Reuters |
Trong “làn sóng” nữ lãnh đạo tại Mỹ Latinh, Tổng thống Chile Bachelet được coi là người tiên phong. Bà Bachelet đã giữ vai trò tổng thống từ năm 2006-2010 và đến năm 2013 bà đã đắc cử nhiệm kỳ 2.
Cùng với cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez, bà Bachelet đã ghi dấu ấn về những nữ lãnh đạo ban hành luật ngăn chặn bạo hành phụ nữ đồng thời đặt “hạn ngạch” để tạo điều kiện cho nữ giới có thêm ghế trong quốc hội các nước Mỹ Latinh. Tỉ lệ chính khách nữ trong quốc hội một số quốc gia Mỹ Latinh được đánh giá còn cao hơn cả châu Âu.
Theo Reuters, khoảng 40% dân số tại Mỹ Latinh là nữ giới. Và hiện nay các quốc gia Mỹ Latinh có chiều hướng nghiêng sang chính trị trường phái cánh hữu |
Tuy nhiên, hiện nay, khi các nhóm bảo thủ giành thêm được nhiều lợi thế trên chính trường Mỹ Latinh và những nữ lãnh đạo lần lượt rời nhiệm sở, công chúng bắt đầu tỏ ra lo ngại về bình đẳng giới trong khu vực.
Đơn cử là trong cuộc vận động tranh cử vừa qua tại Chile, ông Pinera lo ngại về tỉ lệ sinh thuyên giảm tại quốc gia này, do vậy bày tỏ quan điểm muốn thay đổi luật phá thai dưới thời chính quyền bà Bachelet. Tổng thống Bachelet đã ủng hộ nới lỏng luật phá thai, cho phép những trường hợp ngoại lệ gồm phụ nữ bị cưỡng hiếp, có nguy cơ tử vong khi sinh và thai phôi chết lưu được phá thai.
Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho thấy chênh lệch giữa nữ lãnh đạo và các đồng nghiệp nam đối với công cuộc bảo vệ quyền lợi phụ nữ nhưng nhà khoa học chính trị Farida Jalalzai tại Đại học Oklahoma (Mỹ) đánh giá rằng tình hình tại Mỹ Latinh lại có thể là mẫu điển hình.
Đơn cử là cựu Tổng thống Cristina Fernandez, người lãnh đạo Argentina từ năm 2007-2015, đã góp công trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa hai giới qua việc tích cực hỗ trợ ngân sách cho các chương trình xã hội giúp đỡ phụ nữ.
Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Chile Stella Zervoudaki đã ca ngợi đóng góp của Tổng thống Chile Bachelet trong vấn đề bình đẳng hôn nhân cũng như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ thành lập.
Mặc dù trong năm 2018, sẽ có 6 cuộc bầu cử lớn ở Mỹ Latinh (tại Costa Rica, Paraguay, Colombia, Venezuela, Mexico và Brazil) nhưng khả năng có một nữ lãnh đạo mới được Reuters đánh giá là không lớn.
Một số gương mặt nổi tiếng như ứng cử viên Margarita Zavala tại Mexico chỉ nhận được ủng hộ của khoảng 10% cử tri. Trong khi đó, ứng cử viên Marina Silva tại Brazil đang đứng thứ 3 trong các cuộc khảo sát tại quốc gia này.
Một số nữ ứng cử viên dự kiến tham dự cuộc bầu cử tổng thống Colombia năm 2018 nhưng chưa có nhân vật nào thực sự nổi trội.