Thông điệp của Mỹ khi đưa B-52 vào vùng ADIZ của Trung Quốc

Sáng 26/11, hai chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam, tiến vào Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc mới thiết lập ở biển Hoa Đông. Điều đáng nói là trước khi tiến vào ADIZ, phía Mỹ đã không thông báo trước cho phía Trung Quốc theo đúng yêu cầu của phía Trung Quốc.

Máy bay B52 của Mỹ đã bay vào vùng ADIZ mới thiết lập của Trung Quốc mà không thông báo trước. Ảnh minh họa - nguồn: Washingtontimes


Thông tin này đã được hàng loạt trang mạng lớn ở Trung Quốc đăng tải, nhưng Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng. Trong khi đó, theo hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), khi trả lời phỏng vấn của “Kinh Hoa Thời báo”, Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Thiếu tướng không quân Kiều Lương, nhấn mạnh nếu phương tiện bay không nghe theo cảnh cáo, tiến vào ADIZ, không quân có thể bắn hạ.

Báo “Đa chiều” ngày 27/11, sau khi Trung Quốc đưa ra ADIZ, quân đội Mỹ liên tục biểu thị một cách rõ ràng là ADIZ mà Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông sẽ không làm thay đổi hoạt động quân sự của họ ở khu vực này. Từ nay về sau, máy bay của quân đội Mỹ vẫn sẽ ra vào khu vực này như bình thường và không thông báo trước cho phía Trung Quốc. Thực tế cũng cho thấy một ngày sau lần khiêu khích trực diện đầu tiên của quân Mỹ đối với Trung Quốc, Mỹ còn cử một cụm tàu chiến đấu sân bay tới vùng biển Hoa Đông để tiến hành diễn tập liên hợp với hải quân Nhật Bản.

Có phân tích cho rằng máy bay B-52 của Mỹ không trang bị vũ khí, cũng không có máy bay chiến đấu hộ tống. Theo quy định về ADIZ mà Trung Quốc công bố, tất cả các loại máy bay đi vào ADIZ đều phải thông báo trước. Tuy nhiên, máy bay ném bom của Mỹ không có ý định tiến vào không phận của Trung Quốc. Sau khi khởi động ADIZ, phán đoán đối phương không có ý đối địch, cho nên, phía Trung Quốc có thể chỉ áp dụng biện pháp theo dõi giám sát. Vì thế, khả năng hai bên “cướp cò nổ súng” là không lớn.

Ở một khía cạnh khác, dù không muốn bị Nhật Bản “kéo xuống nước” trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), nhưng Mỹ cũng không muốn bị Trung Quốc coi thường sự tồn tại của mình. Lần hành động tích cực chủ động này của Mỹ trên thực tế là bắn đi tín hiệu đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản rằng có Mỹ ở đây thì phải thận trọng, đừng có làm liều. Dẫu vậy, vẫn có phân tích nói rằng hành động của Mỹ là “tự chuốc lấy rắc rối”.


Trong một diễn biến liên quan, khi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Vệ tinh Phượng Hoàng (Hong Kong), bình luận viên quân sự Trung Quốc, ông Lý Vĩ, cho rằng hành động đưa máy bay tiến vào ADIZ mà không thông báo trước cho Trung Quốc của Mỹ nhằm hai mục đích. Thứ nhất là muốn nói rằng: “Tôi vẫn là anh cả của khu vực này. Quy tắc trò chơi quốc tế không phải cứ Trung Quốc nói là được, mà phải do tôi nói mới được”. Thứ hai là Mỹ muốn nhắn nhủ các đồng minh của mình, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc rằng “mọi người không phải lo lắng, ở đây, tôi nói là được”. Theo bình luận viên này, đây mới là hàm ý thực sự của Mỹ khi đưa máy bay B-52 tiến vào ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.


TTK
Tàu sân bay Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông
Tàu sân bay Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông

Ngày 27/11, Philippines cho rằng việc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc - Liêu Ninh - lần đầu tiên sắp xuất hiện trên biển Đông có tranh chấp để tiến hành huấn luyện sẽ làm gia tăng căng thẳng.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN