Các đại biểu tham dự Đại hội ở Sochi ngày 30/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước hết, Đại hội đối thoại dân tộc Syria đã diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn cho tất cả các bên tham gia. Ngay trước thềm sự kiện, đã xuất hiện không ít những lo ngại rằng Đại hội đối thoại dân tộc Syria một lần nữa lại phải hủy bỏ như cách đây mấy năm, bởi vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên liên quan, đặc biệt là các hoạt động chống phá từ phía các lực lượng không chia sẻ quan điểm và lợi ích chung với các nhà tổ chức. Đã xuất hiện những hoạt động gây sức ép, tung tin giả, âm mưu xuyên tạc tình hình… hòng ngăn cản sự kiện diễn ra hoặc hạ thấp uy tín của đại hội, song đã sớm bị các cơ quan chức năng Nga vạch trần. Có thể thấy nguyện vọng hòa giải thực sự của những người dân có chung một Tổ quốc đã giúp các phe phái Syria vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để cùng ngồi lại với nhau trao đổi, thảo luận, bàn bạc về tương lai đất nước mình. Chính người phát ngôn của phe đối Syria Yahya al-Aridi cũng phải thừa nhận: “Hội nghị Sochi là thông điệp gửi tới thế giới rằng người dân Syria đang hòa giải”.
Thành công thứ hai, dù không trọn vẹn, song cũng là điểm tích cực của đại hội lần này, đó là thành phần tham gia “khá hùng hậu”. Theo Ban tổ chức, đã có gần 1.400 đại biểu đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội, các nhóm sắc tộc, tôn giáo Syria, gồm cả các phe phái đối lập bên trong và bên ngoài Syria đã tham dự đại hội. Về phía lực lượng đối lập Syria trong nước, mặc dù không thể cử ra một đoàn đại biểu chính thức, song một số người thuộc phe đối lập ôn hòa cũng như cộng đồng người Kurd đã quyết định tham gia đại hội “với tư cách cá nhân” để có cơ hội được gặp mặt, tham vấn trực tiếp với nhau trong bầu không khí cởi mở và thẳng thắn.
Nhiều tổ chức quốc tế và khu vực cũng được mời tham dự, trong khi một số nước lớn, nước láng giềng của Syria đã cử đại biểu tham dự với tư cách quan sát viên, như Trung Quốc, Kazakhstan, Ai Cập, Liban, Iraq, Jordan… Việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres quyết định cử đại diện của mình, đặc phái viên về Syria Staffan de Mistura, tham dự đã giúp nâng cao uy tín và tính hợp pháp cho đại hội. Về phía nước chủ nhà, ngoài Đặc phái viên của Tổng thống Nga về giải quyết cuộc xung đột tại Syria, ông Alexander Lavrentiev, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng tham dự và đã có bài phát biểu truyền đạt lại thông điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tới đại hội “về mục đích đoàn kết toàn thể nhân dân Syria”.
Thành công thứ ba liên quan đến hình thức đối thoại giữa các bên, cũng chính là điểm tạo nên sự khác biệt của Đại hội Sochi so với hội nghị Astana hay đàm phán Geneva. Lần đầu tiên kể từ năm 2011, thời điểm trước khi cuộc xung đột bùng nổ tại Syria, các cuộc đàm phán giữa những người Syria đã không còn phải tiến hành một cách gián tiếp thông qua đặc phái viên LHQ về Syria nữa.
Rõ ràng, việc đối thoại trực tiếp với nhau sẽ giúp các bên xây dựng lòng tin, một yếu tố then chốt để đạt được sự nhất trí và đồng thuận cao. Hơn nữa, đây không đơn thuần là cuộc đối thoại và đàm phán giữa chính quyền Syria và phe đối lập, mà đây là “tiếng nói của người dân”, nơi mà các lực lượng chính trị, các nhóm sắc tộc, tôn giáo Syria được tự do thể hiện tiếng nói và nguyện vọng của mình, cùng nhìn nhận về tương lai đất nước mình thời hậu xung đột. Như đánh giá từ Đại diện đặc biệt của Nga tại Geneva Alexey Borodavkin, đại hội đã tập hợp được “những người Syria yêu nước thực sự”.
Điểm nổi bật nhất, là sau một ngày làm việc khẩn trương và khá hiệu quả, đại hội đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố chung, lời kêu gọi của các đại biểu và danh sách Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Đây cũng được đánh giá là thành công đáng kể của đại hội. Tuyên bố chung nêu rõ “Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái… không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính”, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, tiến hành quá trình chính trị mà theo đó, người dân Syria tự quyết định vận mệnh của mình, không có sự can thiệp từ bên ngoài và xác định tương lai của đất nước thông qua bầu cử. Đây là nội dung thể hiện quan điểm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria phải mang lại lợi ích thực chất cho người dân Syria.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Đặc phái viên LHQ de Mistura cũng đã xác nhận tuyên bố này. Ông cho biết, Ủy ban Hiến pháp sẽ bao gồm cả đại diện của Chính phủ Syria cũng như phe đối lập để soạn thảo một hiến pháp cải tổ. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Đại hội đối thoại dân tộc Syria nhìn chung đã thành công và là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này. Ông khẳng định Ủy ban Hiến pháp (gồm 150 thành viên là đại diện của chính quyền và phe đối lập) sẽ hoạt động tại Geneva theo tinh thần Nghị quyết 2254 của LHQ.
Đại hội đối thoại dân tộc Syria đã kết thúc, song đây chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến hòa bình thực sự cho người dân Syria, như khẩu hiệu của Đại hội Sochi nêu ra. Dù đã đạt bước tiến đáng kể, song chưa thể lạc quan về một đất nước Syria sớm có được sự yên bình trong khoảng thời gian trước mắt. Thực tế cho thấy xung đột vẫn chưa thực sự chấm dứt trên mảnh đất Syria đã chịu nhiều đau thương trong hơn 7 năm qua, vẫn còn đó vô vàn những điểm gây tranh cãi giữa các bên tham gia đàm phán. Thời gian tới, trên cơ sở kết quả đạt được tại hội nghị Sochi, Astana và Geneva, các bên liên quan sẽ tiếp tục phải đàm phán, thỏa hiệp và nhượng bộ.
Với thông điệp hòa giải mạnh mẽ được truyền đi từ Sochi, hy vọng những người Syria yêu nước và những nhà trung gian, đối tác bên ngoài có thiện chí sẽ tiếp tục tìm kiếm điểm tương đồng, hài hòa lợi ích, sẵn sàng hợp tác để chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của Syria được đảm bảo, vai trò của Syria trên các diễn đàn quốc tế và khu vực được khôi phục đầy đủ, và nhất là người dân Syria được hưởng một cuộc sống thực sự yên bình.