Ngày 27/5, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với phe đối lập Syria trong khi vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt khác đối với chế độ Tổng thống Bashar al-Assad sau ngày 1/6 tới.Cuộc họp kéo dài một ngày cho thấy sự do dự của EU về vấn đề cung cấp vũ khí cho một cuộc xung đột ở bên ngoài trong bối cảnh chỉ vài tháng sau khi EU nhận được giải Nobel Hòa bình. Phát biểu sau cuộc họp, ông Hague nói quyết định này "đã gửi một thông điệp mạnh mẽ của châu Âu tới chế độ Assad".
Phiến quân Syria. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, không quốc gia nào trong số 27 thành viên EU cho biết họ có ý định trang bị vũ khí cho phe đối lập Syria trong những tháng tới vì lo ngại việc làm này sẽ cản trở sáng kiến hòa bình cho Syria của Nga và Mỹ. Một quan chức Pháp ở Paris nhấn mạnh rằng "đây chỉ là sự dỡ bỏ cấm vận về mặt lý thuyết. Từ nay cho tới trước ngày 1/8 sẽ không có bất cứ quyết định nào về việc cung cấp vũ khí cho Syria". Việc tạm hoãn này sẽ tạo thuận lợi cho hội nghị hòa bình quốc tế về vấn đề Syria do Nga và Mỹ chủ trì - với hi vọng sẽ có sự tham dự của cả chính quyền Assad và phe đối lập - được tổ chức ở Geneva (Thụy Sỹ) vào tháng 6.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt kéo dài suốt hai năm qua đối với chế độ của Tổng thống Assad - bao gồm việc đóng băng tài sản của ông Assad và những người thân cận, hạn chế buôn bán dầu và các giao dịch tài chính, sẽ hết hiệu lực vào đêm 31/5 - vẫn tiếp tục được duy trì.
Anh và Pháp - hai cường quốc quân sự lớn nhất của EU - đã thúc đẩy khối này dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển vũ khí cho Syria để hậu thuẫn phe đối lập đang chiến đấu. 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí mọi khả năng cần được thực hiện để kiểm soát việc xuất khẩu vũ khí và đảm bảo rằng chúng không rơi vào tay các phần tử cực đoan hay khủng bố. Biên bản chung của EU có đoạn: "Các quốc gia thành viên cần có các biện pháp phòng ngừa thích hợp chống lại hành vi lạm dụng sự cho phép (xuất khẩu vũ khí)".
Áo đã cố ngăn chặn quyết định chung của EU, nước này nhấn mạnh rằng không nên chuyển vũ khí ra bên ngoài. Ngoại trưởng Áo Michael Spindelegger nói: "EU vẫn nên tiếp tục chờ đợi. Chúng ta là phong trào hòa bình chứ không phải là phong trào chiến tranh". Cuối cùng, Áo cũng đồng ý với biên bản "ghi lại" cam kết của các quốc gia thành viên xem xét việc vận chuyển vũ khí cho phe đối lập Syria ở cấp độ quốc gia.
Ngoại trưởng Hague cho rằng dỡ bỏ cấm vận là một quyết định khó khăn đối với các thành viên EU coi việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria sẽ chỉ là hành động "đổ thêm dầu vào lửa". Ông nói: "Tôi cho rằng đây là một hành động đúng đắn. Quyết định này sẽ hỗ trợ cho tiến trình chính trị ở Syria và nỗ lực của chúng tôi là cùng nhau hướng tới hội nghị hòa bình ở Geneva". Ông Hague cũng cho biết Anh coi trọng giải pháp chính trị và ủng hộ về ngoại giao đối với Syria, song quyết định mang tính đột phá hôm 27/5 đã "gửi một thông điệp cứng rắn từ châu Âu tới chính quyền của ông Assad rằng chúng tôi rất quan tâm tới tội ác giết người tàn bạo của chế độ này".
Theo một văn bản mà AFP có được, bản cam kết được hầu hết các quốc gia ủng hộ sẽ chính thức hoãn việc chuyển vũ khí cho phe đối lập Syria cho tới khi tất cả các thành viên EU đưa ra quyết định chính trị mới trước ngày 1/8, việc này tùy thuộc vào tiến trình thực hiện sáng kiến của Nga và Mỹ. Ngoại trưởng Hà Lan Timmermans cho biết: "Rất nhiều vũ khí đã được chuyển sai địa chỉ. Thẳng thắn mà nói, các bên tham gia xung đột đều thiếu vũ khí". Một quan chức ngoại giao EU nói rằng Anh không nhất trí với việc EU phải ra quyết định lần thứ hai vào ngày 1/8. Nước này muốn có một thỏa thuận mà theo đó sẽ được tự động thực thi sau một giai đoạn đã được ấn định trước.
Các cuộc đàm phán của EU được cho là cơ hội then chốt cho khối này giải quyết các bất đồng về việc liệu có nới lỏng cấm vận với Syria hay không để cho phép vận chuyển vũ khí cho phe nổi dậy. Tính cấp bách của cuộc tranh luận cũng tăng lên, với việc Ngoại trưởng Pháp Fabius cho biết ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy vũ khí hóa học đang được sử dụng trong cuộc xung đột ở Syria.
Chính quyền Assad đã đồng ý về cơ bản sẽ tham gia đàm phán hòa bình ở Geneva vào tháng 6/2013. Mỹ và Nga hy vọng sẽ đưa được cả chính quyền Syria và phe đối lập vào bàn đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, thời gian họp cụ thể, chương trình nghị sự và các thành viên tham dự vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Ngoại trưởng Anh Hague cho rằng kết quả cuộc họp ngày 27/5 về cho phép vận chuyển vũ khí cho phe nổi dậy "sẽ hậu thuẫn tiến trình chính trị ở Syria và nỗ lực để cùng nhau nhóm họp ở hội nghị Geneva". Washington vẫn đang do dự, chưa muốn cung cấp các vũ khí tối tân cho phe nổi dậy bởi lo sợ rằng chúng sẽ rơi vào tay các phe phái Hồi giáo cực đoan, trong đó có Jabhat al-Nusra - một nhánh của tổ chức al-Qaeda hiện đang là lực lượng chiến đấu có ảnh hưởng nhất trong phe đối lập. Một số Bộ trưởng EU cho rằng việc vũ trang phe đối lập sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng có thể buộc Assad chấp nhận giải pháp thông qua thương lượng.
TTXVN/Tin tức