Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 11/3 đã họp theo yêu cầu của Nga để thảo luận về tuyên bố của Moskva rằng Mỹ đang tài trợ cho "các hoạt động sinh học quân sự" ở Ukraine - nói cách khác là bí mật phát triển vũ khí sinh học trong các phòng thí nghiệm ở Ukraine.
Cuộc họp đã chứng kiến những thảo luận sôi nổi. Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, cảnh báo một “sự lây lan không kiểm soát của các tác nhân sinh học từ Ukraine” trên khắp châu Âu. Người đồng cấp Mỹ Linda Thomas-Greenfield bác bỏ cáo buộc của Nga.
Vậy tất cả đang tranh cãi về điều gì, và chuyện gì đang thực sự xảy ra bên trong Ukraine? Dưới đây là những giải đáp mà tờ Guardian đưa ra.
"Phòng thí nghiệm sinh học" trở thành mặt trận mới nhất trong cuộc chiến thông tin Nga- Ukraine như thế nào?
Theo hãng tin RT, ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Nga đăng dòng tweet trên Twitter cáo buộc chính phủ Mỹ và Ukraine đang điều hành một "chương trình quân sự - sinh học" bí mật tại Ukraine. Moskva tuyên bố rằng các lực lượng của Nga đã phát hiện ra bằng chứng về việc "dọn dẹp khẩn cấp" để che giấu chương trình.
Tiếp đó, ngày 9/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga có các tài liệu cho thấy Bộ Y tế Ukraine đã ra lệnh tiêu hủy các mẫu bệnh dịch, tả, bệnh than và các mầm bệnh khác trước ngày 24/2, khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine. Bà Zakharova khẳng định các tài liệu mà lực lượng Nga tìm được ở Ukraine cho thấy "nỗ lực khẩn cấp nhằm xóa bằng chứng về các chương trình sinh học quân sự" do Lầu Năm Góc tài trợ. Người phát ngôn này không cung cấp thêm chi tiết về các tài liệu.
Nga sau đó tiếp tục tuyên bố rằng họ tìm thấy các tài liệu liên quan đến "hoạt động bí mật" của Mỹ trong các phòng thí nghiệm ở các thành phố Kharkiv và Poltava của Ukraine.
Ngày 10/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu một cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc của Nga. “Chiến dịch quân sự của Nga đã phát hiện bí mật về các phòng thí nghiệm của Mỹ ở Ukraine, và đây không phải là chuyện chỉ được giải quyết một cách chiếu lệ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.
Cáo buộc của Nga cũng lan đi trên các phương tiện truyền thông xã hội với hashtag #usbiolabs.
Chính phủ Mỹ và Ukraine đã phản ứng như thế nào?
Cả Mỹ và Ukraine đều phủ nhận thẳng thừng việc họ đang phát triển bất kỳ vũ khí sinh học nào ở Ukraine. Tại cuộc họp hôm 11/3, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói: “Tôi sẽ nói điều này một lần: “Ukraine không có chương trình vũ khí sinh học”. Bà quay lại cáo buộc Moskva: Chính Nga từ lâu đã duy trì chương trình vũ khí sinh học vi phạm luật pháp quốc tế”.
Phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby ngày 9/3 tuyên bố: "Những lời cáo buộc của Nga là vô lý”.
Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya cũng bác bỏ cáo buộc từ Nga. Theo Reuters, một người phát ngôn của Tổng thống Ukraine cho biết: "Ukraine hoàn toàn phủ nhận mọi cáo buộc như vậy".
Các thể chế độc lập quốc tế nói gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói họ không hay biết bất cứ hoạt động nào của Ukraine vi phạm các hiệp ước quốc tế, bao gồm lệnh cấm vũ khí sinh học.
Cao ủy Liên hợp quốc về giải giáp vũ khí Izumi Nakamitsu xác nhận rằng Liên hợp quốc không biết về bất kỳ chương trình vũ khí sinh học nào ở Ukraine. Ông Nakamitsu chỉ ra Công ước Vũ khí sinh học đã cấm phát triển và sử dụng vũ khí sinh học kể từ năm 1975.
Có các phòng thí nghiệm sinh học tồn tại bên trong Ukraine và Mỹ có hỗ trợ chúng không?
Câu trả lời cho cả hai là có. Ukraine vận hành các phòng thí nghiệm sinh học nhận tài trợ của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã xác nhận những sự thật đó trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào tuần này, trong đó thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã hỏi trực tiếp bà rằng liệu Ukraine có vũ khí sinh học hay không.
Bà Nuland đã không trả lời thẳng câu hỏi. Bà đáp: “Ukraine có các cơ sở nghiên cứu sinh học”. “Chúng tôi đang làm việc với người Ukraine về cách họ có thể ngăn chặn Nga có được bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào trong số này”.
Trên thực tế, sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã tài trợ cho các phòng thí nghiệm tại Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ khác để giúp họ chuyển giao các kỹ năng khoa học từ chương trình vũ khí sang các sáng kiến sức khỏe cộng đồng.
Ban đầu, chương trình này được gọi là Chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe doạ (CTR), nhưng hiện nay thường được gọi là chương trình tương tác sinh học. Nó đã thành công trong việc hỗ trợ các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước khác thực hiện nghĩa vụ y tế công cộng.
“Đây là một trong những điều tốt nhất mà chúng tôi làm”, Tiến sĩ Gigi Gronvall, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói với tờ Guardian.
Tiến sĩ Gronvall cho biết, hầu hết công việc của các phòng thí nghiệm Ukraine hiện nay đều liên quan đến việc giám sát dịch bệnh ở động vật và người, như hệ thống cảnh báo sớm dịch tả lợn châu Phi, một bệnh dịch đặc hữu trong khu vực. Bà nói: “Chúng tôi biết các mầm bệnh không tuân thủ biên giới, vì vậy việc giúp dập các 'đám cháy' sức khỏe cộng đồng trước khi chúng trở nên quá lớn là một lợi thế với tất cả chúng tôi”.
Các phòng thí nghiệm Ukraine có lưu trữ các tác nhân sinh học nguy hiểm không?
Với chức năng nghiên cứu về các loại bệnh, các phòng thí nghiệm sinh học tại Ukraine có thể lưu trữ các mầm bệnh nguy hiểm. Chúng ta biết điều này vì WHO đang thúc giục Ukraine tiêu huỷ bất kỳ tác nhân nào nguy hiểm trong các phòng thí nghiệm của họ để tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh nếu một trong các phòng thí nghiệm bị tấn công.
“WHO đã khuyến nghị mạnh mẽ đến Bộ Y tế Ukraine và các cơ quan có trách nhiệm khác về tiêu huỷ những mầm bệnh có mối đe doạ cao nhằm ngăn ngừa bất cứ sự cố rò rỉ tiềm tàng nào”, WHO cho biết hôm 10/3.