Từ làng chài trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu
Khi ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), một cựu sĩ quan trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, thành lập Huawei tại Đặc khu kinh tế Thâm Quyến vào năm 1987, thị trấn này vẫn đang nỗ lực để giành được một vị trí có ý nghĩa trong nền kinh tế Trung Quốc. Nơi đây không chỉ bị lấn át bởi trung tâm tài chính Hong Kong mà còn các thành phố khác của Trung Quốc đại lục.
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng 4 thập kỷ sau, làng chài một thời đã nổi lên như hình mẫu tiêu biểu cho sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc. Cũng ít người có thể dự đoán rằng Huawei, nay là một phần quan trọng của nền kinh tế Thâm Quyến, sẽ trở thành một gã khổng lồ về thiết bị viễn thông toàn cầu mà Washington coi là một mối đe dọa an ninh, là kẻ thách thức tiềm tàng đối với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, vào thời điểm Thâm Quyến kỷ niệm 40 năm trở thành một trong bốn đặc khu kinh tế của Trung Quốc, hiện vẫn chưa rõ liệu thành phố 13 triệu dân này có thể tiếp tục tỏa sáng khi đất nước bước vào một kỷ nguyên mới đầy biến động hay không.
Khi Mỹ áp dụng cách tiếp cận đối đầu hơn chống lại Trung Quốc, khả năng tiếp cận dễ dàng của Thâm Quyến với vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài – những yếu tố rất quan trọng với sự trỗi dậy của nó - đang sụp đổ.
Với Huawei, vận may của họ cũng giảm sút khi Washington không ngừng tìm cách ngăn chặn sự tham gia của “người khổng lồ” Trung Quốc vào hệ thống mạng 5G trên toàn cầu, đồng thời hạn chế quyền tiếp cận của công ty vào các thành phần công nghệ quan trọng của Mỹ.
Một sắc lệnh mới của chính phủ Mỹ sẽ cấm Huawei và các công ty con của họ mua chất bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ kể từ tháng 9/2020. Lệnh cấm này thậm chí được một số nhà phân tích coi là “bản án tử hình” đối với công ty. Họ cho rằng một sự giảm sút trong hoạt động kinh doanh của Huawei hoặc sự sụp đổ hoàn toàn sẽ không chỉ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến mà còn làm suy giảm niềm tin vào sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy thông qua lễ kỷ niệm 40 năm thành lập thành phố.
Ông Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến, chuyên theo dõi tình trạng của các nhà sản xuất Trung Quốc, cho biết các lệnh trừng phạt làm suy yếu Huawei sẽ gây ra một hiệu ứng lạnh với toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc. “Không có công ty nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế Huawei dẫn đầu công nghệ và công cuộc toàn cầu hóa của đất nước. Nếu Huawei không thể chịu được các lệnh trừng phạt của Mỹ, thì ai có thể?" - ông Liu nói.
"Viên ngọc sáng" Huawei
Đối với nền kinh tế của Thâm Quyến - năm ngoái đã vượt qua quy mô của Hong Kong, tổn thất của Huawei sẽ rất nặng nề, vì công ty là một trong những viên ngọc sáng nhất trên vương miện của trung tâm công nghệ này.
Huawei là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm của Thâm Quyến trong năm 2016, với khoảng 7% sản lượng kinh tế - theo dữ liệu mới nhất từ văn phòng thống kê của Thâm Quyến. Năm đó, Huawei là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,4 tỷ USD) cho nền kinh tế địa phương.
Con số này cũng chỉ tính đến tác động trực tiếp của công ty đối với nền kinh tế của thành phố. Còn nếu tính đến các nhà cung cấp và công ty trong lĩnh vực dịch vụ hợp tác với họ - từ nhà hàng đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe – thì dấu ấn của Huawei còn mở rộng lên nhiều lần.
Huawei đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến từ năm 2014-16 nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, kể cả gã khổng lồ viễn thông và game Tencent Technologies, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI hay nhà sản xuất xe điện BYD.
Tầm quan trọng của công ty đối với Thâm Quyến càng được nhấn mạnh vào năm 2018, khi Huawei quyết định xây dựng cơ sở hoạt động mới ở thành phố Đông Quản lân cận. Sự kiện này thậm chí đã gây ra một cuộc tìm kiếm tâm linh ở Thâm Quyến nhằm tìm ra điều gì đã khiến thành phố này trở nên “khó ưa” đối với công ty ngôi sao của họ. Các bài báo chạy tiêu đề kiểu như “Xin đừng để Huawei ra đi” lan truyền trên mạng xã hội.
Huawei đã giúp Thâm Quyến trở thành điểm đến hàng đầu cho các tài năng lập trình và kỹ thuật của Trung Quốc. Họ tạo dựng danh tiếng về sự hào phóng đối với những bộ óc sáng suốt và những người lao động chăm chỉ nhất.
Zhang Ji, 27 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, đã được Huawei thuê với mức lương khởi điểm 2,01 triệu nhân dân tệ (291.000 USD) mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 200.000 nhân dân tệ hàng năm cho sinh viên mới tốt nghiệp tiến sĩ khác.
Thời cuộc đã thay đổi
Ông Peng Peng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông, một tổ chức tư vấn trực thuộc chính quyền tỉnh Quảng Đông, cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ được cảm nhận trên toàn quốc và cảnh báo rằng doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn cầu sẽ không còn được chào đón như trước.
“Vẫn khó dự đoán mức độ của ảnh hưởng, nhưng thị trường toàn cầu đang có thái độ khác đối với sản xuất của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Trung Quốc so với trước”, ông Peng nói. Nhà nghiên cứu Liu Kaiming ở Thâm Quyến cũng đồng ý với đánh giá cho rằng những rắc rối với Huawei sẽ có ảnh hưởng lớn với nền kinh tế quốc gia và nhấn mạnh sự chấm dứt của kỷ nguyên các công ty Trung Quốc được chấp nhận như một thành tố then chốt trong các chuỗi cung cấp công nghệ toàn cầu.
Ông Liu nhận xét, những hợp tác như vậy đã bị gián đoạn và quá trình phân tách đang bắt đầu. Ông dự đoán một số công ty Trung Quốc có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều công ty đặt tại Thâm Quyến, giờ sẽ thu xếp rời đi.
Tuy vậy, tương lai của Thâm Quyến và Huawei không hoàn toàn ảm đạm, vì thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn là một nguồn tăng trưởng lớn. Ông Li Daokui, Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho biết, thị trường 1,4 tỉ người tiêu dùng của Trung Quốc, cùng với các thị trường tại các nước “Vành đai và con đường” sẽ đủ để hỗ trợ những công ty Trung Quốc như Huawei.
“Cứ để thị trường châu Âu và châu Mỹ ra đi. Rất khó để hòa giải trong tương lai nếu họ không tin tưởng chúng tôi. Đây sẽ là kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa”, Giáo sư Li Daokui nói.