Thủ tướng Abe thăm Trung Quốc: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, cải thiện quan hệ chính trị

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuần này có chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh, một sự kiện được chờ đợi sẽ hàn gắn quan hệ chính trị giữa hai nước, đồng thời là cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với cuộc chiến thương mại từ Mỹ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok, Nga ngày 12/9. Ảnh: Kyodo 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nhậm chức vào cùng khoảng thời gian trong năm 2012, nhưng hai ông chưa từng có chuyến thăm chính thức nào, cũng chưa từng có cuộc gặp thượng đỉnh song phương chính thức nào. Tất cả các cuộc gặp trước đây của hai nhà lãnh đạo Nhật Bản – Trung Quốc đều diễn ra bên lề các hội nghị quốc tế.

Nhưng sau 6 năm, Thủ tướng Abe đã quyết định là người đi trước. “Chúng tôi muốn dùng cơ hội này để tạo ra động lực xác lập và thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác nhau, nâng quan hệ Nhật – Trung lên một tầm cao mới”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga phát biểu khi thông báo về chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Bắc Kinh, dự kiến diễn ra từ ngày 25-27/10.

Chuyến thăm được sắp xếp diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Nhật Bản và Trung Quốc ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị. Tháng 10/1978, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tới Tokyo ký bản hiệp ước gác lại những ký ức chiến tranh. Bốn thập niên sau, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/10 này sẽ đón tiếp Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nhật – Trung. Dự kiến lễ đón phái đoàn của Thủ tướng Abe, có sự tham gia của khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, sẽ diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào tối 25/10. Sau đó hai bên dự kiến có một ngày tiến hành các cuộc gặp và ký kết vào ngày 26/10. Dự kiến hai nước sẽ đạt thỏa thuận hợp tác kinh tế đối với trên 30 dự án cơ sở hạ tầng.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhật – Trung tại Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh quan hệ khá lạnh giá giữa hai quốc gia đang có chiều hướng ấm lên. Căng thẳng trong quan hệ Nhật - Trung từng lên tới đỉnh điểm do tranh chấp lãnh thổ vào năm 2012 (liên quan tới quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), cũng như một loạt vấn đề lịch sử từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, trong bối cảnh đang lâm vào cuộc chiến thương mại với Washington, Trung Quốc đã coi Nhật Bản là một đối tác ngày càng quan trọng trong nỗ lực đối phó với chính sách bảo hộ “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

“Lần đầu tiên sau một thời gian rất dài, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm kiếm một mối quan hệ tích cực với Nhật Bản”, bà Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington D.C nhận xét - “Trong lúc Tổng thống Trump đang nắm quyền, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang cảm thấy sức nóng từ Mỹ. Điều đó đã thay đổi những tính toán của họ”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duyệt đội danh dự tại Tokyo ngày 9/5. Ảnh: Bloomberg

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội tăng cường quan hệ với Nhật Bản nhằm thúc đẩy các hướng phát triển kinh tế khác để hạn chế ảnh hưởng của các đòn trừng phạt thuế quan từ Mỹ. Giáo sư Noriyuki Kawamura, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Nhật – Trung tại Đại học Nagoya (Nhật Bản), nhận định rằng trước quan điểm quá cứng rắn từ Tổng thống Trump, Bắc Kinh đã nhấn mạnh hơn việc xây dựng quan hệ đối tác bạn bè với Nhật Bản, nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với nước láng giềng quan trọng nhất châu Á. “Trong bối cảnh leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ, việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nhật Bản đã trở thành một ưu tiên cấp bách với Trung Quốc”, ông Kawamura nói.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang tìm kiếm sự ủng hộ và tham gia của Nhật Bản vào sáng kiến “Vành đai, Con đường”, vốn đang vấp phải nhiều chỉ trích của nước này.

Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành chung bởi hãng tư vấn Nhật Bản Genron NPO và Tập đoàn Xuất bản Quốc tế Trung Quốc (CIPG) cho thấy tỉ lệ người Trung Quốc có ấn tượng yêu thích với Nhật Bản đã lên tới mức kỷ lục 42,2%. Trung khi đó, tỉ lệ người Trung Quốc cho rằng mối quan hệ giữa hai nước là quan trọng tăng lên 74%, so với ,7% hồi năm ngoái. Đây cũng là một chỉ dấu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong thúc đẩy quan hệ kinh tế với Tokyo giữa lúc phải đối phó với cuộc chiến thương mại từ Mỹ.

Về phần mình, tháp tùng Thủ tướng Abe tới Trung Quốc lần này, 500 lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang nóng lòng tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc, cũng như cơ hội hợp tác trong các dự án tại những quốc gia thứ ba. Sự tham gia của Nhật Bản vào dự án "Vành đai, Con đường” của Trung Quốc sẽ cho phép Thủ tướng Abe đáp ứng lại sự trông đợi của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, vốn từ lâu đã thúc giục ông phải tận dụng những cơ hội béo bở cho các công ty nội địa Nhật mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nhật Bản vẫn thận trọng với "Vành đai, Con đường" và muốn tiếp cận dự án này qua con đường hợp tác tại các nước thứ ba, nhằm tránh phải trực tiếp chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc. Dự kiến trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Lý Khắc Cường sẽ nhất trí những bước đi vững chắc hướng tới tổ chức các dự án cơ sở hạ tầng chung giữa hai nước tại các nước thứ ba, trong đó có dự án phát triển hệ thống đường cao tốc tại Thái Lan mà Nhật - Trung cùng rót vốn.

Những vấn đề tồn tại giữa hai nước, như tranh chấp lãnh thổ hay những tranh cãi từ Thế chiến thứ hai vẫn còn đó, nhưng vì lợi ích chung, cách xử lý của hai bên đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới Trung Quốc lần này vì thế được trông đợi sẽ là cơ hội để hai nước cải thiện quan hệ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, qua đó cải thiện quan hệ chính trị, hướng tới một khu vực Đông Bắc Á hòa bình và thịnh vượng.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Các lệnh trừng phạt là một công cụ đã "cùn". Dưới đây mới là những gì Mỹ có thể làm để buộc những kẻ đứng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi phải trả giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN