Mặc dù Thủ tướng Nuri al-Maliki phải đối mặt với thực tế rằng các tay súng đã tràn qua một vùng rộng lớn lãnh thổ của Iraq và sự ủng hộ ở trong nước cũng như quốc tế đối với ông sụt giảm, song ông vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân Iraq trên cương vị lãnh đạo đất nước.
Một số tay súng chỉ huy của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo IS. |
Các chuyên gia đã nghi ngờ về khả năng ông Maliki có thể duy trì vị trí trong bối cảnh các phe phái đang đấu tranh để thành lập một chính phủ sau cuộc bầu cử hồi tháng 4/2014, song sự trung thành giáo phái có thể cứu nguy cho nhà lãnh đạo theo dòng Hồi giáo Shi'ite này và cuộc công kích dữ dội của các tay súng Sunni có thể đã củng cố quyết tâm của những người ủng hộ ông.
Tuyên bố hôm 13/6 của Đại giáo chủ dòng Shi'ite Ayatollah Ali al-Sistani kêu gọi người dân Iraq gia nhập lực lượng quốc gia để chiến đấu chống lại các phần tử thánh chiến đã giúp tập hợp những người Shi'ite vốn chiếm đa số ở Iraq để ủng hộ ông Maliki và củng cố hình ảnh của ông như là một "bức tường thành" chống lại sự tấn công của người Sunni. Bình luận về việc này, một sinh viên tên là Abbas Saadeq nói: "Tôi cho rằng sự ủng hộ dành cho ông Maliki đang tăng lên. Mọi người thấy rằng vị Đại giáo chủ đang ủng hộ chính phủ, bởi vậy người dân cũng sẽ ủng hộ ông ta (Maliki)".
Các tấm áp phích in hình nhà lãnh đạo Iraq vẫn được treo ở khắp Baghdad và các trạm kiểm soát sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4/2014, mà ở đó liên minh Nhà nước Pháp quyền của ông Maliki đã giành được số phiếu áp đảo. Hiện tại, các phần tử nổi dậy dưới sự lãnh đạo của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) - vốn khét tiếng với các vụ hành hình người chống đối - chỉ cách biên giới phía bắc của thủ đô Baghdad 2 giờ lái xe.
Trong khi đó, quân đội Iraq lại suy yếu ngay từ giai đoạn đầu của cuộc tấn công do IS lãnh đạo. Giới chuyên gia đã chỉ trích ông Maliki vì quản lý quân đội yếu kém, chỉ ưu tiên những người có lòng trung thành và cùng giáo phái, thay vì có khả năng chiến đấu. Điều này đã làm cho lực lượng vũ trang mất tính đoàn kết và tinh thần chủ nghĩa dân tộc. Lực lượng quân đội quốc gia kể từ đó đã khôi phục phần nào mặc dù kết quả không hoàn toàn tích cực.
Việc các tay súng giành lợi thế quá nhanh khiến Đại giáo chủ Sistani phải đưa ra lời kêu gọi gia nhập quân đội, huy động một lực lượng lớn các tình nguyện viên và các tay súng Shi'ite. Điều đặc biệt quan trọng là vị Đại giáo chủ này đã cẩn trọng nói rằng bất kỳ cuộc phản công nào cũng phải thực hiện dưới sự hậu thuẫn của các cơ quan an ninh, điều này giúp cho lực lượng của ông Maliki có được tính hợp pháp cùng các tay súng có tinh thần giáo phái nhiệt huyết.
Một số người Iraq cũng không muốn nhìn thấy Thủ tướng Maliki phải ra đi trong thời điểm quyết định này. Nhiều người trong số đó đã không chỉ trích ông Maliki vì những tai họa đang xảy ra ở Iraq. Nhưng hiện không có một ứng cử viên rõ ràng nào có thể thay thế ông, hay có bất kỳ sự bảo đảm nào rằng người kế nhiệm sẽ không phải đối mặt với sức ép tương tự đang gây ra thế bế tắc chính trị hiện nay.
Các nước phương Tây đã kêu gọi Thủ tướng Iraq từ chức. Cụ thể Washington công khai nói rằng ông Maliki đã bỏ lỡ cơ hội tái thiết đất nước sau khi quân đội Mỹ rút khỏi đây hồi cuối năm 2011. Tuy nhiên, ông Maliki - 64 tuổi, người đã nhiều năm sống lưu vong ở Iran và Syria - đã bác bỏ kêu gọi này. Ngày 4/6, ông nói rằng ông sẽ "không bao giờ" từ bỏ nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, viện dẫn đến sự ủy quyền mà người dân đã trao cho ông sau "chiến thắng lớn" trong cuộc bầu cử hồi tháng 4/2014. Không chỉ giành được lợi thế với việc liên minh của ông có được số ghế nhiều gấp ba lần liên minh đứng thứ hai, mà ông Maliki còn giành được nhiều phiếu ủng hộ hơn các chính khách khác.
TTK