Thủ tướng Merkel sẽ thay đổi chính sách với châu Âu?

Trong suốt chiến dịch tranh cử, những người ủng hộ nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn gọi bà với cái tên thân mật “Angie” hay “Mutti” (Người mẹ). Giành được tình cảm của phần lớn người dân Đức, song nhiều con mắt hoài nghi ở thế giới bên ngoài đang dõi theo nữ Thủ tướng Đức, đặc biệt là quá trình thành lập chính phủ tới đây.


Mở ra khả năng cải cách EU


Quả thực, khi đối tác liên minh của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) là đảng Dân chủ Tự do (FDP) bị loại khỏi Quốc hội, khiến đảng bảo thủ của bà Merkel không thể giành đa số tuyệt đối tại cơ quan lập pháp Đức, nhiều đối tác châu Âu của Berlin đã thở phào. Họ lo sợ nếu CDU/CSU chỉ giành thêm 5 ghế nghị sĩ nữa, đó sẽ là một mối đe dọa lớn cho các nỗ lực cứu các nước đang gặp khủng hoảng tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Giờ đây, khi Đức đang phải tìm kiếm một đối tác thiên tả, có thể là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) hoặc đảng Xanh, để liên minh nhằm thành lập một chính phủ, giới quan sát hy vọng Đức sẽ đi theo một chính sách mềm mỏng hơn, thay vì các chính sách khắc khổ như hiện nay, với Eurozone.


Thủ tướng Đức Merkel phát biểu trước Quốc hội.

 

Từ Athens tới Paris, một niềm tin vững chắc đang bao trùm về khả năng Đức sẽ có những chính sách dễ thở hơn trong việc cứu khu vực đồng euro. Trước cuộc bầu cử, bà Merkel cũng đã đánh đi tín hiệu sẵn sàng có một số nhượng bộ với các đối tác châu Âu. Và nếu SPD tham gia liên minh, một chính phủ mới ở Đức sẽ có thể giải quyết được những vấn đề tồn đọng từng bị FDP phản đối, như vấn đề thuế giao dịch tài chính được SPD ủng hộ.


Ngoài vấn đề trên, kết quả cuộc bầu cử ở Đức cũng mở ra khả năng về một cuộc cải cách cấu trúc ở EU. Bà Merkel luôn chủ trương phản đối việc mở rộng quyền lực của Ủy ban châu Âu (EC), thay vào đó chính phủ các nước thành viên phải đóng vai trò chủ đạo. Trái lại, SPD lại ủng hộ một vai trò lớn hơn cho EC, mở rộng EC trở thành một “chính phủ” do Nghị viện châu Âu bầu ra và giám sát hoạt động. Khi mà cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới gần (5/2014), bà Merkel sẽ phải nhanh chóng đưa ra các quyết sách của mình trong chính sách với lục địa già.


Đối ngoại không có nhiều thay đổi


Một điều khá ngạc nhiên là trong suốt quá trình tranh cử vừa qua, chính sách đối ngoại hầu như rất ít được đề cập trong các phát biểu của nữ Thủ tướng Đức.


Theo các nhà phân tích, chính sách đối ngoại tới đây của bà có lẽ sẽ không có nhiều thay đổi. Với Pháp, một đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD sẽ là điều tốt lành bởi hiện Điện Elysee rất kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của SPD trong các vấn đề như thành lập liên minh ngân hàng hay cơ quan giám sát tài chính riêng.


Trong khi đó, với Anh, thắng lợi của phe bảo thủ sẽ có lợi cho Thủ tướng David Cameron, đặc biệt trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 hay cuộc trưng cầu ý dân về quy chế của Anh trong EU vào năm 2017. Như đã nói ở trên, bà Merkel phản đối việc mở rộng quyền lực cho Brussels và trên quan điểm: EU là một tập hợp các nước, thay vì một “Liên bang châu Âu”. Chủ trương này có lợi cho ông Cameron trong cuộc đấu tranh đòi quyền lực nhiều hơn từ Brussels.


Với Nga, quan hệ tương đối lạnh nhạt giữa hai nước những năm qua không có dấu hiệu cải thiện. Mặc dù cương lĩnh tranh cử của bà Merkel kêu gọi xây dựng một quan hệ đối tác mới với Moscow, cũng như tăng cường hợp tác hơn nữa giữa nhân dân hai nước, song khẳng định sự hợp tác đó hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của Điện Kremlin với vấn đề “dân chủ, nhân quyền” ở nước này.


Với Thổ Nhĩ Kỳ, thắng lợi của CDU và việc bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng có nghĩa quy chế thành viên EU của nước này còn xa vời. Các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng bà Merkel sẽ thay đổi chính sách sau khi tái cử để có thể nối lại các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.


Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN