Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/9, bên lề hội nghị G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Thực chất nhà lãnh đạo Nga muốn tuyên bố rằng ông không nhất trí với cách thức Tòa đưa ra phán quyết trong một vụ kiện khi bên bị vắng mặt. Đó là giải thích của chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ, Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, ông Pavel Gudev.
Chuyên gia Gudev đưa ra phân tích trên với phóng viên TTXVN tại LB Nga sau Hội nghị bàn tròn do Hiệp hội quốc tế Các Quỹ Hòa bình tại Moskva tổ chức ngày 8/9 với chủ đề: “Biển Đông - Con đường pháp lý đến hòa bình và ổn định”.
Theo ông, tuyên bố của Tổng thống Putin không có nghĩa một sự thay đổi trong quan điểm của Nga về vấn đề tranh cãi lãnh thổ trên Biển Đông. Nga đã và sẽ không đánh giá về ai đúng ai sai, hay ai đúng hơn, cho dù đó là Philippines, Việt Nam hay Trung Quốc, thêm vào đó Việt Nam và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược của Nga tại châu Á. Còn về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Nga luôn nhất quán với quan điểm không quốc tế hóa tranh chấp, cũng như sẽ không tham gia vào các tranh chấp quốc tế như vậy.
Ông Gudev trả lời phóng viên TXTVN. |
Từ góc độ luật quốc tế, chuyên gia chỉ ra rằng, một trong ba điều kiện cần thiết để một nước có thể đưa ra yêu sách chủ quyền đối với vùng lãnh hải trên cơ sở nguồn gốc lịch sử đó là phải có sự “đồng ý im lặng” của các quốc gia khác. Trong khi đó, tranh chấp tại biển Đông đã xảy ra từ lâu nên những yêu sách của Trung Quốc không có tính hợp pháp. Ông Gudev khẳng định, đa số các chuyên gia, quan sát viên tại Nga đều đồng ý với đánh giá ở góc độ pháp lý này.
Chuyên gia Nga cũng đánh giá cao trình độ pháp lý của phán quyết của Tòa Trọng tài, đã xem xét vấn đề trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như xác định rõ các đảo và các bãi cạn, từ đó một lần nữa khẳng định yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng đặc quyền kinh tế xung quanh bãi cạn là không có cơ sở.
Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo một tiền lệ pháp lý đầu tiên, khi chỉ ra rằng bất kỳ một thực thể nào trên biển nếu được cung cấp các điều kiện đảm bảo sự sống từ đất liền thì đều không thể có quy chế đảo. Tiền lệ này sẽ luôn được trích dẫn về sau, và nó hạ thấp đáng kể vị thế pháp lý của Trung Quốc trong các tranh cãi trên biển Đông.
Trên cơ sở đó ông Gudev tin tưởng rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ tạo một điểm xuất phát pháp lý cho các nước có tranh chấp, đưa các bên vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp giải quyết xung đột trong hòa bình.