Phản ánh những diễn
biến phức tạp và một số nhân tố bất đồng có khả năng dẫn đến một cuộc chiến
tranh mới ở khu vực Trung Đông trong thời gian tới, "Tạp chí Âu-Á"
ngày 22/6 khẳng định khu vực Trung Đông được ví như một thùng thuốc súng có thể
dễ dàng bùng phát thành một cuộc xung đột khu vực hoặc quốc tế bất cứ lúc nào.
Xung đột giữa người Arập và
Ixraen là trung tâm của thù địch. Libăng và Dải Gada là chiến trường thuận lợi
nhất để các bên phát động các cuộc tiến công tàn sát lẫn nhau. Thực trạng đó vẫn
đang tồn tại đến nay.
Nhưng từ sau cuộc xâm lược
Côoét của Irắc năm 1990, trọng tâm căng thẳng và những hành động hung hăng thường
xảy ra ở khu vực giữa Vùng Vịnh và miền cận Đông.
Kể từ khi Mùa Xuân Arập bùng
phát và chế độ Ai Cập sụp đổ sau cuộc nổi dậy đồng loạt của dân chúng, tình
hình địa chính trị của khu vực Trung Đông đang chứng kiến những thay đổi đáng kể.
Ixraen mất đi một đồng minh Arập
quan trọng là Chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak thống trị Ai Cập hơn 3
thập kỷ. Tổng thống Mubarak ủng hộ tiến trình hòa bình, trong khi đó phái Fatah
kiểm soát Chính quyền Quốc gia Palextin (PNA) và duy trì quan hệ với Hamas ở
Gada.
Ông Mubarak cũng khẳng định
bán đảo Sinai vẫn là khu đệm không thể xảy ra chiến tranh giữa Ai Cập và
Ixraen.
Nay tình hình đó đã thay đổi.
Thắng lợi của ứng cử viên Muhammad Mursi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo trong cuộc
bầu cử Tổng thống Ai Cập vừa qua sẽ làm phức tạp hơn nữa các mối quan hệ giữa
người Arập và Ixraen. Hamas, một phái thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo, sẽ thực sự
hưởng lợi nhờ các mối quan hệ chặt chẽ của họ với những người Hồi giáo của Ai Cập.
Bán đảo Sinai đang chứng kiến
tình trạng luật pháp rối loạn kể từ khi xảy ra cuộc cách mạng ngày 25/1.
Các cơ quan tình báo tin rằng,
hiện nay lực lượng Hamas đã và đang thâm nhập các đường biên giới giữa Dải Gada
với Ai Cập để buôn lậu vũ khí đưa vào Gada vốn bị Ixraen bao vây phong tỏa.
Nhiều dấu hiệu cho thấy al-Qaeda cũng đang
tăng cường hoạt động trên bán đảo sa mạc. Trước khi diễn ra vòng bầu cử tổng thống
lần hai, một quả tên lửa được bắn từ bán đảo Sinai vào lãnh thổ Ixraen. Ixraen
tố cáo Hamas đã ra lệnh mở cuộc tấn công theo yêu cầu của tổ chức Anh em Hồi
giáo của Ai Cập.
Mặc dù những người Hồi giáo của
Ai Cập, kể cả Mursi, bảo đảm với Mỹ rằng họ sẽ tôn trọng Hiệp ước Hòa bình Trại
David với Ixraen, nhưng quan điểm của tổ chức Anh em Hồi giáo về cuộc xung đột
Arập-Ixraen khá rõ. Họ không công nhận Ixraen và ủng hộ cuộc thánh chiến nhằm
giải phóng Giêruxalem và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, kể cả các khu vực
lãnh thổ của Palextin đang bị Ixraen chiếm đóng trái phép.
Bán đảo Sinai sẽ tiếp tục là điểm nóng của cuộc
xung đột giữa Ixraen và Ai Cập. Kể từ khi chế độ Libi sụp đổ, quân đội nước này
phát hiện nhiều loại vũ khí được vận chuyển từ Libi đến bán đảo Sinai.
Đối với Ixraen, việc Hamas đang sở hữu các loại
vũ khí trang bị quân sự mới là một thách thức an ninh lớn. Do đó, Ixraen có thể
quyết định phát động một cuộc tiến công phủ đầu chống Hamas và các chi nhánh
trung thành của Hamas trên bán đảo Sinai. Hành động đơn phương đó của Chính quyền
Ixraen có thể dễ dàng phát triển thành một cuộc xung đột khu vực.
Một ngòi nổ khác đang cháy âm
ỉ trong khu vực là cuộc khủng hoảng hiện nay tại Xyri. Cho đến nay cộng đồng quốc
tế vẫn không thống nhất một giải pháp mạnh để chấm dứt cuộc xung đột nội bộ giữa
chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và dân chúng Xyri.
Một ngòi nổ khác đang cháy âm ỉ trong khu vực là cuộc khủng hoảng hiện nay tại Xyri. Ảnh AFP/TTXVN |
Nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc
khủng hoảng đang trở thành một cuộc nội chiến giữa những người trung thành với
chế độ và phe đối lập vốn được phương Tây và nhiều nước khu vực trang bị các loại
vũ khí khác nhau. Hiện nay các cường quốc nước ngoài đã can dự vào cuộc xung đột
Xyri và Quân đội Tự do Xyri đang tăng cường vũ trang để biến cuộc nổi dậy hòa
bình thành cuộc đối đầu quân sự.
Tình hình Xyri chưa bao giờ
nguy hiểm như hiện nay. Nó trực tiếp tác động đến Libăng và Gioócđani.
Do Xyri có ảnh hưởng rất lớn
đối với Hezbollah ở Libăng, Tổng thống Assad có thể đang tìm cách mở mặt trận
Libăng trong mùa hè này để yểm trợ trong nước. Vì vậy, cơn ác mộng lớn nhất đối
với Ixraen sắp tới là: lực lượng Hamas ở Gada và Hezbollah ở Libăng sẽ cùng một
lúc phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa đánh phá mặt trận phía bắc và phía
nam của Nhà nước Do Thái.
Nếu kịch bản đó xảy ra, nó sẽ
gây hậu quả nghiêm trọng không những cho Ixraen mà cả toàn bộ khu vực Trung
Đông.
Nhân tố thứ ba trong mùa hè
này sẽ là kết quả của các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của
Iran. Được Nga tài trợ, các bên vừa tiến hành vòng đàm phán mới nhất ngày 18/6
tại Mátxcơva. Iran mong muốn các nước công nhận quyền làm giàu urani và xóa bỏ
các biện pháp cấm vận kinh tế càng sớm càng tốt.
Ngược lại, Mỹ và phương Tây đề nghị sẽ cung cấp
cho Iran tất cả nhiên liệu cần thiết để đổi lấy việc Têhêran chấm dứt hoàn toàn
chương trình làm giàu urani cao hơn mức 5%.
Hiện nay Iran đang chuẩn bị đối
mặt với các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt hơn nữa của Mỹ và phương Tây vào cuối
tháng 6 này.
Mặc dù khả năng dẫn đến một
cuộc chiến tranh với Iran dường như có giảm trong những tháng gần đây, nhưng mối
đe dọa vẫn đang treo lơ lửng. Một mặt Ixraen sợ rằng, trong khi quốc tế lưỡng lự,
Iran sẽ có điều kiện sản xuất các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Mặt khác, các nhân vật diều
hâu của đảng Cộng hòa đang tăng sức ép yêu cầu Chính quyền Obama áp dụng các biện
pháp cứng rắn hơn nữa với Iran. Trong khi đó, nhiều khả năng các cuộc đàm phán
về chương trình hạt nhân của Iran tại Mátxcơva sẽ thất bại, vì vậy khả năng của
đòn tiến công quân sự chống Têhêran vẫn có thể xảy ra trong nay mai.
Tóm lại, mẫu số chung của cả
3 kịch bản trên là Ixraen, nhưng cũng liên quan đến các nhân tố khác như Hamas,
Hezbollah, Xyri và Iran. Tình hình khu vực hiện nay ngày càng trở nên phức tạp,
từ đó các bất đồng có thể dễ dàng biến thành một cuộc xung đột quân sự mới
trong khu vực từ nay đến cuối năm 2012.