Giới chuyên gia cảnh báo thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng để vận hành các công xưởng, nhà máy nhiệt điện và giao thông vận tải, kéo theo giá khí đốt hay than đá - những nhiên liệu được sử dụng phổ biến để sản xuất điện năng, đều đang leo thang.
Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng manh nha từ mùa Đông năm ngoái, khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm nghiêm trọng lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại là 30% vào tháng 3. Đến mùa Xuân, nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại châu Âu tăng trở lại, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Nhu cầu tiếp tục gia tăng trong mùa Hè vừa qua khi thời tiết nóng bức khiến người dân sử dụng điều hòa và các hệ thống làm mát nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tăng không đi kèm với sự gia tăng dòng khí đốt của Nga, Na Uy và Algeria cung cấp cho châu Âu. Một lý do nội tại nữa là Liên minh châu Âu (EU) thu hẹp sản xuất điện từ than nâu, do đó các nhà máy điện buộc phải tăng dùng khí đốt trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Thuế khí hậu áp lên các nguồn năng lượng hóa thạch cũng làm tăng giá khí và điện bán ra ở châu Âu. Giá điện tại EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực,
Châu Á cũng đã tái khởi động nền kinh tế, song các nguồn cung năng lượng đều không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, giá than đá đã tăng 110% trong năm nay khi nhu cầu sử dụng của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế nhập khẩu than lớn nhất thế giới, chiếm 65% lượng than sử dụng trên toàn cầu - đang tăng vọt.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu lục đang trải qua giai đoạn thiếu điện trầm trọng do áp lực từ mục tiêu giảm phát thải và giá than tăng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm nay, tiêu thụ điện năng ở Trung Quốc đã tăng vọt 13% so với cùng kỳ năm 2020. Đợt nắng nóng ở những tỉnh sản xuất công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc hồi mùa Hè đã đẩy lượng điện tiêu thụ điện tại các địa phương này tăng lên mức cao chưa từng có trong lịch sử. Trong khi đó, sản lượng điện giảm, một phần vì các nhà máy nhiệt điện than, vốn chiếm khoảng 60% lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc năm ngoái, giảm hoạt động sản xuất. Ngoài việc giá than tăng vọt khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm khai thác các mỏ than đá mới và đóng cửa 1.000 mỏ than trên toàn quốc, yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm khí thải trong sản xuất và tiêu thụ điện năng cũng là yếu tố dẫn tới sản lượng điện than giảm mạnh.
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ R. K. Singh cũng cảnh báo nước này đang phải đối mặt với những nguy cơ về nguồn cung năng lượng trong những tháng tới, khi trữ lượng than tại hầu hết các nhà máy điện của nước này đã giảm xuống mức cực kỳ thấp. Có tới 75 nhà máy trong số 135 nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ đang hoạt động với lượng than chỉ đủ dùng 4 ngày. Hơn 60 nhà máy có nguồn cung cấp than trong 2 ngày và 17 nhà máy đã cạn nguồn dự trữ than, vốn chiếm gần 70% nguồn nhiên liệu để sản xuất điện của cả nước.
Mỹ, nước xuất khẩu dầu, cũng đang lo ngại nguy cơ nguồn cung năng lượng không đáp ứng đủ cầu. Cố vấn An ninh quốc gia nước này Jake Sullivan ngày 7/10 kêu gọi các nhà cung cấp năng lượng tăng nguồn cung. Tại Mỹ, giá khí đốt giao tương lai đã chạm mức cao nhất trong 12 năm qua, trong khi giá dầu thô đã chạm mức cao nhất trong gần 7 năm qua.
Có thể thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu hay châu Á là hệ quả của nhiều yếu tố, từ nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế và bị phụ thuộc cho tới các chính sách năng lượng của chính phủ. Một nguyên nhân nữa, theo tạp chí The Economist của Anh, là sự sụt giảm đầu tư vào các giếng dầu, vựa khí đốt tự nhiên và mỏ than. Đây một phần là “tàn tích” của thời kỳ dồi dào nguồn cung năng lượng, với nhiều năm đầu tư quá mức dẫn đến xu hướng kiểm soát nguồn vốn chặt chẽ hơn. Ngoài ra, việc thiếu các kho vận chuyển khí hóa lỏng LNG từ nơi sẵn có (Mỹ) đến nơi đang thiếu hụt (châu Á và châu Âu) cũng là một vấn đề. Do sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng cơ sở vật chất cho quá trình này, sự thiếu hụt năng lực dự phòng của các kho ở Mỹ dự kiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.
Tác động thấy rõ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là tình trạng thiếu điện trầm trọng tại nhiều nền kinh tế lớn, vốn được coi là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 như châu Âu và Trung Quốc. Kể từ cuối tháng 9, tình trạng cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã lan ra 50% lãnh thổ, khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Việc các nhà máy Trung Quốc bị thiếu điện sẽ dẫn đến giá thép và nhôm toàn cầu tăng vọt. Nhiều nhà cung cấp quan trọng của các tập đoàn Apple và Tesla cũng đã phải tạm ngưng sản xuất tại Trung Quốc vì thiếu điện, đe dọa chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử toàn cầu.
Thiếu hụt năng lượng làm giá điện tăng phi mã khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng. Tình trạng thiếu khí đốt đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao. Với khí tự nhiên là nguyên liệu chính, nhiều hãng sản xuất phân bón đã phải đóng cửa nhà máy hoặc hạn chế sản lượng. Điều này có nguy cơ khiến chi phí sản xuất của nông dân cũng tăng theo, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát giá lương thực toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cảnh báo các nước châu Âu sẽ đối mặt với tình trạng mất điện trong những tháng mùa Đông và các nhà máy của Trung Quốc có thể đóng cửa. Đây là kịch bản nguy hiểm với ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 và gây ra lạm phát cao hơn. Ông Howie Lee, nhà kinh tế tại Ngân hàng OCBC của Singapore, nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng "sẽ có hiệu ứng lan tỏa trên toàn thế giới vì các quốc gia phải đối mặt với chi phí nhiên liệu đầu vào cao hơn". Tác động này đặc biệt lớn đối với châu Á, nơi hầu hết các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, khí đốt và các sản phẩm hóa dầu khác. Theo ông Lee "Việc đóng cửa ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ có hiệu ứng lan tỏa tới cả châu Á, làm trì trệ tăng trưởng, tăng cao lạm phát vì những nút thắt cổ chai ở chuỗi cung ứng".
Thực trạng này cũng đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, vốn là "bài toán" ở nhiều quốc gia. Theo một khảo sát của Tổ chức đánh giá năng lượng toàn cầu (GEA) hiện trên thế giới chỉ có 15-20 quốc gia xuất khẩu năng lượng, chủ yếu là dầu khí, phần lớn còn lại là nhập khẩu hoặc tự túc về năng lượng. Có 83 quốc gia với hơn 3 tỷ người phải nhập khẩu hơn 75% sản phẩm dầu tiêu thụ. Trên 80% các nước có thu nhập thấp đều nhập khẩu năng lượng, chi phí nhập khẩu vượt quá 20% thu nhập xuất khẩu ở 35 quốc gia với 2,5 tỷ dân và vượt quá 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở 15 quốc gia khác với 200 triệu dân.
Nhằm giải quyết "cơn khát" năng lượng trước mắt, Trung Quốc đang hướng tới cho phép các nhà máy nhiệt điện than tăng giá bán điện, buộc các công ty điện lực quốc doanh tiếp tục cung cấp điện kể cả khi thua lỗ, tăng sản lượng than trong nước và cuối cùng là nhập khẩu nhiều than hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc Trung Quốc tăng cường sử dụng than có thể coi là một điều chỉnh mang tính tình thế và trong dài hạn, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục giữ vững các cam kết về khí hậu đã đặt ra.
Vừa kiềm chế giá điện, vừa đảm bảo cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng đang là bài toán với châu Âu, bởi "lục địa già" vẫn phải dựa vào khí đốt để phát điện, dù tỷ trọng năng lượng tái tạo đã cao hơn. Bà Elena Anankina, chuyên gia phân tích tín dụng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ), nhận định với tình trạng chênh lệch cung cầu hiện tại, châu Âu không hy vọng sẽ sớm tìm được một giải pháp lâu dài, bởi sự phụ thuộc của “lục địa già” vào nhập khẩu là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực nguồn cung. Hiện EU phải nhập khẩu đến 90% lượng khí đốt tiêu thụ.
Trước mắt, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhóm họp nhằm xác định mức giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho điện năng, cũng như xác định mức độ trợ cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình chịu ảnh hưởng do việc tăng giá khí đốt và điện. EU cũng đang lên kế hoạch lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của khối. Về dài hạn, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng EU cần đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, qua đó có thể giúp liên minh này không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu, đồng thời có thể bình ổn giá năng lượng.
Những hệ lụy nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năng lượng cho thấy thế giới đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Điều đó đồng nghĩa các nước sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc loại bỏ nguồn nhiên liệu truyền thống này. Trong bối cảnh việc chuyển hướng sang năng lượng xanh và sạch được cho sẽ là xu thế không thể đảo ngược nhằm chống biến đổi khí hậu, các nước sẽ cần xây dựng kế hoạch thận trọng và bài bản, cân nhắc đến mọi yếu tố và đưa ra các lựa chọn phù hợp để ngăn tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
Chuyển đổi mô hình cung cấp năng lượng, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và mục tiêu chống biến đổi khí hậu đang trở thành "phép thử" đối với các nước, song đây có lẽ là lựa chọn tối ưu khi tìm kiếm đáp án cho bài toán bảo đảm an ninh năng lượng.