Hình ảnh cảnh sát Chauvin với gương mặt bình thản nhất đè cổ người đàn ông xấu số xuống đường trong tiếng van xin lịm dần của Floyd đã khắc họa không thể rõ hơn tình trạng phân biệt đối xử đến đau lòng mà những người da màu tại Mỹ đang trải qua và minh chứng rằng bất bình đẳng chủng tộc tại Mỹ chưa bao giờ là một câu chuyện cũ.
Chính vì vậy, phiên tòa xử cựu cảnh sát Chauvin khiến hàng triệu người không chỉ ở Mỹ mà khắp nơi trên thế giới chờ đợi theo dõi bởi họ muốn biết công lý của nước Mỹ sẽ đối mặt với vấn đề bình đẳng sắc tộc như thế nào và liệu sự kiện này có đánh dấu một thời khắc mới đáng hy vọng hơn trong tương lai của nước Mỹ hay không.
Với cộng đồng người da màu tại Mỹ, hy vọng càng lớn hơn bởi những năm qua họ đã chứng kiến không ít vụ tương tự nhưng cuối cùng cảnh sát lại được tha bổng trắng án. Đó là vụ Eric Garner bị cảnh sát New York kẹp cổ dẫn đến tử vong năm 2014; là vụ cô gái Breonna Taylor, 26 tuổi, bị cảnh sát bắn chết vào tháng 3/2020 khi tiến hành truy quét ma túy tại chính nhà nạn nhân, mà cô không hề buôn bán hay sử dụng chất gây nghiện này; hay Daniel Prude, người đàn ông vốn có bệnh tâm thần đã thiệt mạng vì bị cảnh sát New York khống chế bằng vũ lực quá mức, cũng năm 2020.
Nhưng nếu những người đang theo dõi phiên xét xử nhìn vào số liệu được Nhóm nghiên cứu tính liêm chính của cảnh sát tại Đại học Bowling Green State, bang Ohio, công bố, thì có lẽ họ không nên quá kỳ vọng. Trong khoảng thời gian từ 2005-2019, có 104 cảnh sát bị bắt giữ và khởi tố với tội danh ngộ sát hoặc giết người do nổ súng trong khi làm nhiệm vụ, nhưng chỉ có 35 cảnh sát bị kết luận là có tội - một tỷ lệ có thể nói khá thấp.
Trong vụ George Floyd, dù Chauvin không bị khởi tố tội danh nào liên quan tới phân biệt chủng tộc và luật sư biện hộ cũng khẳng định vụ việc không liên quan vấn đề chủng tộc, thì điều đó cũng khó có thể thuyết phục đươc hàng triệu người đã tận mắt xem đoạn video ghi lại sự việc và có hiểu biết phần nào về lịch sử của nước Mỹ.
Theo dữ liệu của tờ Washington Post công bố năm 2019, người gốc Phi chỉ chiếm 13% dân số Mỹ nhưng lại chiếm tới 36% số nạn nhân bị cảnh sát bắn dù họ không hề tàng trữ vũ khí trong người hay có ý định chống trả. Kết quả một cuộc nghiên cứu quy mô lớn đối với gần 5.500 trường hợp tử vong do cảnh sát gây ra trong giai đoạn từ 2013-2017 mà Đại học Harvard tiến hành và công bố năm ngoái cho thấy người Mỹ gốc Phi đối mặt với nguy cơ bị giết hại nhiều hơn 3,23 lần so với người Mỹ da trắng khi đụng độ với cảnh sát.
Phân biệt chủng tộc ở Mỹ không chỉ được phơi bày rõ trong hàng loạt vụ việc cảnh sát đối xử thô bạo với người da màu mà thực chất tình trạng này tồn tại dưới nhiều hình thức, trong mọi ngóc ngách của xã hội Mỹ. Khi vụ xét xử kết thúc, dù bản án dành cho Chauvin có nặng tới mức nào thì cũng không thể khiến phân biệt chủng tộc tại Mỹ chấm dứt ngay lập tức.
Chuyên gia tâm lý học Steven Robert thuộc Đại học Stanford, một người gốc Phi, khẳng định rằng phân biệt chủng tộc hiện hữu rõ ràng trong xã hội Mỹ, ăn sâu bắt rễ trong tư tưởng của người Mỹ tới mức không thể có cách nào giải quyết ngay được. Nguyên nhân do xã hội Mỹ là một hệ thống phân cấp mà ở đó các chính sách luôn có lợi cho người da trắng và bất lợi hơn đối với người da màu, đặc biệt người gốc Phi.
Hơn một năm qua, cả nước Mỹ tơi tả vì đại dịch COVID-19, nhưng ngay trong cuộc khủng hoảng chung đó, những con số biết nói lại một lần nữa cho thấy sự phân biệt chủng tộc đã khiến những người da màu trở thành nhóm gánh chịu nhiều hậu quả nhất của đại dịch.
Các phóng viên tờ USA Today đã tiến hành cuộc điều tra khá quy mô để tìm hiểu vì sao tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2 ở các cộng đồng da màu, đặc biệt người gốc Phi lại cao hơn hẳn tại Mỹ. Kết quả cho thấy chính hệ thống giáo dục và kinh tế còn nhiều bất bình đẳng của Mỹ đã khiến phần lớn người da màu không có công việc hưởng lương cao, chủ yếu làm những công việc thiết yếu, chân tay, tiếp xúc trực tiếp với nhiều người và đây chính là con đường lây nhiễm virus nhanh nhất.
Đa phần người da màu sống trong những khu dân cư chật chội càng khiến virus dễ lây lan và bởi họ không thể có đủ tiền để sử dụng thực phẩm lành mạnh, nên nhiều người trong số họ nhiễm các bệnh như tiểu đường, béo phì hay tim mạch cũng là điều dễ hiểu. Chính những bệnh nền đó lại tạo điều kiện cho COVID-19 dễ xâm nhập hơn.
Và bởi vì nghèo nên khi bị mắc COVID-19, đa phần họ không thể có đủ tiền chi trả để được chăm sóc y tế đúng vào lúc cần nhất. Điều tra của USA Today cũng chỉ ra rằng trong 10 hạt ở Mỹ có tỷ lệ tử vong cao nhất do COVID-19 thì tới 7 hạt có dân số chủ yếu là người da màu; trong 50 hạt ở Mỹ có tỷ lệ tử vong cao nhất vì nhiều loại bệnh khác nhau thì có đến 31 hạt là nơi sinh sống chủ yếu của người da màu.
Kết quả này cũng tương đồng với kết luận của Dự án theo dõi tình hình COVID-19 ở Mỹ (The COVID Tracking Project) rằng người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong vì đại dịch cao gấp đôi so với người da trắng và tương tự như vậy, người Mỹ gốc Latin hoặc bản địa (Anh-điêng) cũng đối mặt với nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 lần so với người da trắng.
Cựu quyền giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Richard Besser phát biểu rằng không thể thay đổi thực tế là nước Mỹ quá chia rẽ về vấn đề chủng tộc và rõ ràng phần nhiều cộng đồng người da màu sinh sống ở những nơi có điều kiện môi trường không được tốt lắm, nên nguy cơ họ bị mắc các bệnh cao hơn cũng là điều khó tránh khỏi. Ông Besser thừa nhận cho dù có nhiều nỗ lực hướng tới bình đẳng sắc tộc, nước Mỹ cũng không thể thay đổi được tình hình trong ngày một ngày hai.
Khảo sát mới đây của Quỹ Kaiser trên toàn nước Mỹ cũng cho thấy có tới 70% người Mỹ gốc Phi tin rằng họ bị đối xử không công bằng chỉ vì chủng tộc khi đi khám bệnh. Chính vì vậy, có tới 50% người Mỹ gốc Phi cho biết họ không tin tưởng vào hệ thống y tế của Mỹ.
Vậy nước Mỹ phải làm gì để bình đẳng sắc tộc sẽ đến vào một ngày không xa? Giáo sư luật tại Đại học Standfor, ông Ralph Richard Banks cho rằng một trong những việc khó nhất để có được những tiến bộ về công lý sắc tộc là phải làm sao để mỗi người hiểu được rằng chính họ đang ở trong một hệ thống gây ra phân biệt chủng tộc bằng cách này hay cách khác và vì vậy phải thừa nhận có sự tồn tại đó và nỗ lực giải quyết dần.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành lập một nhóm đặc trách nhằm tìm cách thay đổi những bất cập mà người dân gặp phải khi thụ hưởng các quyền lợi y tế chỉ vì yếu tố chủng tộc hay sắc tộc. Theo CDC Mỹ, dù tỷ lệ người da màu nhiễm và phải điều trị tại bệnh viện vì COVID-19 cao hơn nhiều so với người da trắng, số người Mỹ gốc Phi đã được tiêm chủng vaccine lại thấp chỉ bằng một nửa số người da trắng. Người đứng đầu nhóm đặc trách, bà Marcella Nunez-Smith, cho rằng nỗ lực mang lại bình đẳng cho người Mỹ trong quá trình khôi phục sau đại dịch sẽ không chỉ dừng ở vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe, mà phải đảm bảo có được bình đẳng trong nhiều vấn đề khác như cơ hội về nhà ở, kinh tế và giáo dục.
Nỗ lực để tất cả người dân được đối xử công bằng cũng không thể chỉ tới từ hành động của chính quyền liên bang, mà mỗi bang đều phải tự quyết định những bước đi trên con đường tìm kiếm bình đẳng sắc tộc. Tháng 2 vừa qua, Virginia đã trở thành bang đầu tiên ở miền Nam nước Mỹ thông qua nghị quyết công nhận phân biệt chủng tộc là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nhằm thừa nhận những bất công còn tồn tại để xây dựng xã hội bình đẳng và công bằng hơn.
Miền Nam nước Mỹ vốn gồm những bang trong quá khứ có tình trạng phân biệt chủng tộc rất nặng nề. Theo nghị quyết này, bang Virginia sẽ có một cơ quan theo dõi và khuyến khích các chính sách giải quyết phân biệt chủng tộc cũng như những hệ lụy của nó đối với sức khỏe con người; đồng thời toàn bộ những đại diện được bầu ra của bang và các nhân viên công quyền đều được đào tạo để nhận biết các hành vi phân biệt chủng tộc.
Giới chức bang cũng khuyến khích người dân nhìn nhận và tránh vô tình gây ra các hành vi phân biệt chủng tộc. Thế nhưng, cũng có những nơi như bang Utah, nỗ lực của giới chức muốn xây dựng khung pháp lý để nhìn nhận vấn đề phân biệt chủng tộc như một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và từ đó có các giải pháp giải quyết, đã thất bại vì các nghị sĩ tại đây cho rằng họ không thấy có mối liên quan giữa chủng tộc và y tế.
Khảo sát của Đại học Monmouth tháng 6/2020 cho thấy có tới 76% người Mỹ cho rằng phân biệt chủng tộc là vấn nạn lớn của nước Mỹ, tăng 25% so với 51% trong cuộc khảo sát tương tự năm 2015. Cùng thời điểm này, theo một khảo sát khác của Pew, tổ chức nghiên cứu uy tín của Mỹ, 67% người Mỹ ủng hộ phong trào “Quyền được sống của người da màu” (Black lives matter). Chưa bao giờ người ta thấy nhiều người Mỹ công khai ủng hộ phong trào “Quyền được sống của người da màu” như hiện nay và cũng chưa bao giờ người ta thấy làn sóng dân chúng bày tỏ phẫn nộ với cách ứng xử bao lực của cảnh sát đối với người da màu đến thế!
Nhưng điều đó chưa đủ để giải quyết vấn đề nhức nhối mang tên “phân biệt chủng tộc”. Người dân Mỹ cần phải ủng hộ mạnh mẽ những chính sách mang lại bình đẳng sắc tộc, mà đầu tiên chính là những chính sách tạo điều kiện để người da màu, đặc biệt là người gốc Phi có được điều kiện kinh tế tốt hơn. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc ở nước Mỹ vẫn lớn không kém gì cách đây 50 năm. Giá trị tài sản ròng trung bình của một hộ gia đình Mỹ là khoảng 100.000 USD nhưng với người da trắng, con số trung bình này là 170.000 USD còn với người da màu, con số này lại chưa tới 20.000 USD.
Chừng nào những hệ thống ăn sâu bắt rễ trong lòng nước Mỹ vẫn cản trở và kìm kẹp người da màu bằng những định kiến khiến họ không thể có được những cơ hội phát triển như những chủng người khác, thì sẽ không thể có được sự bình đẳng thật sự và hoàn toàn cho nước Mỹ, cho dù có bao nhiêu cảnh sát Chauvin bị xét xử đi nữa.