Theo đó, Thẩm phán tòa án hạt Hennepin - ông Peter Cahill, các công tố viên và luật sư của Chauvin đã nhất trí danh sách bồi thẩm đoàn sau hai tuần tiến hành phỏng vấn các ứng cử viên tiềm năng. Các ứng cử viên đều trong độ tuổi từ 20-60 và thuộc nhiều thành phần sắc tộc khác nhau, phản ánh tính đa dạng của Minneapolis - thành phố lớn nhất bang Minnesota. Họ được yêu cầu trả lời các câu hỏi như đã xem đoạn video ghi cảnh cựu sĩ quan Chauvin ghì cổ George Floyd hay chưa, có tham gia các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc không, quan điểm về lực lượng cảnh sát, về phong trào "Quyền sống cho người da màu" (Black Lives Matters)...
Quy trình xét xử Chauvin dự kiến bắt đầu vào ngày 29/3 tới và kéo dài khoảng một tháng. Tại phiên tòa ngày 29/3, thẩm phán sẽ loại một ứng cử viên, lựa chọn 12 ứng cử viên tham gia xét xử và 2 ứng cử viên dự khuyết. Các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ phải đưa ra một quyết định đồng nhất trong trường hợp tòa tuyên buộc tội cựu sĩ quan Chauvin.
Ông Chauvin có thể đối mặt với 40 năm tù giam nếu bị kết án tội danh nghiêm trọng nhất - tội giết người cấp độ hai. Tuy nhiên, đến nay bị cáo không nhận tội, đồng thời khẳng định chỉ làm theo đúng quy trình đã được huấn luyện.
Tháng 5/2020, George Floyd, 46 tuổi, bị sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì cổ trong gần 9 phút khiến ông này bị ngạt thở và tử vong. Cái chết của George Floyd đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ phản đối cảnh sát bạo hành người da màu và nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp của nước này. Làn sóng biểu tình sau đó đã lan ra ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phong trào "Quyền sống cho người da màu" (Black Lives Matters). Cảnh sát Chauvin sau đó đã bị sa thải và đối mặt với hai tội danh giết người và ngộ sát. Năm ngoái, gia đình Floyd đã kiện thành phố Minneapolis, sĩ quan Derek Chauvin và 3 cảnh sát khác tại tòa án liên bang, cho rằng việc cảnh sát lạm dụng bạo lực với nạn nhân là vi phạm hiến pháp.