Tiến sĩ Krzysztof Dębiec bình luận trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (Ba Lan) mới đây rằng, Chính phủ trung hữu ở Bratislava đã phá vỡ chính sách truyền thống của Slovakia là không chống lại Nga, và sau cuộc xung đột ở Ukraine, nước này đã trở thành tiên phong trong số các quốc gia tham gia nhiều nhất vào viện trợ quân sự cũng như nhân đạo cho Kiev. Bratislava cũng trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, đóng cửa một số trang web có liên hệ với Moskva. Tuy nhiên, những nỗ lực chưa từng có nhằm giảm ảnh hưởng của Nga đang vấp phải sự phản ứng ngày càng gia tăng trong nước.
Theo ông Dębiec, phe đối lập đang kêu gọi Slovakia quay trở lại chính sách tránh xa "các cuộc cạnh tranh giữa những siêu cường" và ngày càng có những lập trường thân Nga công khai hơn, phản ánh quan điểm của một bộ phận lớn trong xã hội, vốn không tin tưởng vào Mỹ. Trong khi đó, Chính phủ Slovakia đã bắt đầu xuất hiện những bất đồng do lo ngại về hậu quả đối với nền kinh tế trong nước khi cắt đứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga.
Đã qua nửa nhiệm kỳ, chính phủ trung hữu của nước này đang phải đối mặt với những quyết định chiến lược vốn sẽ quyết định cơ hội tái đắc cử của họ. Việc duy trì đường lối hiện tại đối với Kiev và Điện Kremlin sẽ củng cố vị thế của Slovakia trong EU và về lâu dài cũng có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Nga tại quốc gia này. Nhưng thách thức đối với Chính phủ Slovakia sẽ là duy trì quá trình độc lập khỏi nguồn nguyên liệu thô của Nga trong điều kiện kinh tế suy thoái và phân cực nội bộ gay gắt.
Vào mùa Xuân năm 2020, khi phe trung hữu nắm quyền sau nhiều năm bị phe cánh tả Smer thống trị, Slovakia bắt đầu thể hiện rõ ràng hơn tinh thần thân phương Tây và châu Âu-Đại Tây Dương. Đó là một sự thay đổi lớn sau khi các chính phủ cánh tả thường cân bằng trong mối quan hệ với Nga (như chỉ trích về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt) và tránh các hành động đối đầu với Điện Kremlin (ví dụ, là một trong số ít các quốc gia EU không trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ phương Tây cáo buộc Moskva đầu độc cựu điệp viên Sergey Skripal) với việc duy trì một mặt trận thống nhất của EU trong vấn đề trừng phạt hoặc mua vũ khí của Mỹ.
Sau khi lên nắm quyền, Chính phủ trung hữu Slovakia đã hai lần trục xuất ba nhà ngoại giao Nga năm 2020 và 2021. Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine cũng làm thay đổi đáng kể lập trường của Chính phủ Slovakia hiện nay đối với Moskva. Vào giữa tháng 3, Bratislava đã trục xuất 3 nhân viên đại sứ quán Nga. Vào ngày 30/3, Chính phủ Slovakia đã quyết định thực hiện bước đi chưa từng có: Yêu cầu 35 nhà ngoại giao Nga phải rời khỏi nước này.
Các hành động chống Nga đã đi kèm với quan hệ hợp tác với Mỹ và hỗ trợ quân sự và nhân đạo đáng kể cho Ukraine. Chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau 20 năm tới Bratislava (17/3) diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine bởi quân đội Slovakia. Nhân chuyến thăm Kiev ngày 8/4, Thủ tướng Slovakia Heger thông báo rằng khẩu đội tên lửa S-300 đã được bàn giao cho quân đội Ukraine, và đổi lại, an ninh của Slovakia sẽ được bảo đảm với hệ thống tên lửa Patriot thứ 4 do Mỹ vận hành (3 khẩu đội do người Đức và người Hà Lan vận hành đã ở Slovakia). Bratislava hy vọng rằng bốn khẩu đội Patriot sẽ triển khai trên lãnh thổ nước này ít nhất một vài năm và một số chính trị gia trong Chính phủ đã gợi ý rằng một trong số chúng có thể được mua lại hoặc thậm chí được tiếp quản miễn phí.
Một xã hội chia rẽ
Theo truyền thống, người Slovakia là một trong số những người thân thiện nhất với Nga của EU, đi kèm với sự hoài nghi của một bộ phận lớn trong số họ đối với NATO hoặc Mỹ. Một nguyên nhân quan trọng của vấn đề này có nguồn gốc từ lịch sử. Ngay cả sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, tình cảm này cũng không có nhiều thay đổi.
Theo một cuộc thăm dò do Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia thực hiện từ ngày 22 - 24/3, 34% người dân nước này tin rằng hành động của Nga là phản ứng trước các hành động khiêu khích gây hấn của phương Tây, 28% cũng cho rằng mục tiêu chiến dịch quân sự của Moskva là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine".
Tuyên bố từ Chính phủ Slovakia về việc gia tăng sự hiện diện của NATO tại nước này cũng không nhận được sự ủng hộ của công chúng. Theo một cuộc khảo sát của cơ quan Focus cho kênh truyền hình Markíza vào ngày 6/3, 45% người dân Slovakia phản đối việc triển khai lực lượng NATO tại nước này và 67% không ủng hộ sự hiện diện của binh sĩ Mỹ. Vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua, phe đối lập đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ, vốn cho phép quân đội Mỹ sử dụng các sân bay quân sự của Slovakia.
Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga
Khi Liên minh châu Âu đẩy mạnh việc giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga, Thủ tướng Eduard Heger, lãnh đạo đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền- OĽaNO, hoàn toàn ủng hộ ý tưởng rằng EU nên "ngắt kết nối hoàn toàn và nhanh nhất có thể" khỏi năng lượng của Nga. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trong nước đã đạt được sự đồng thuận. Bộ trưởng Kinh tế Richard Sulík từ đảng Liên minh Tự do và Đoàn kết (SaS) tuyên bố rằng Slovakia có thể phải tuân theo yêu cầu của Moskva về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp và sẽ không thể nhanh chóng từ bỏ nguồn cung cấp của Nga.
Theo ông Sulík, việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga đột ngột sẽ là một thách thức lớn - đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp lọc dầu, hóa chất và chế biến. Ông này nhấn mạnh rằng Slovakia "sẽ không giúp đỡ các nạn nhân của xung đột bằng cách phá hủy ngành công nghiệp của chính mình".
Trong khi đó, lãnh đạo đảng liên minh "Chúng tôi là gia đình" (We Are the Family) Boris Kollár khẳng định các lệnh trừng phạt không được "làm xấu đi chất lượng cuộc sống" của người dân Slovakia. Các đại diện của phe đối lập thậm chí còn phát biểu gay gắt hơn về lệnh cấm vận nhập khẩu hydrocacbon của Nga. Người đứng đầu đảng cánh tả Smer, Robert Fico, cáo buộc Chính phủ đang thực hiện hành vi "phá hoại kinh tế" và lãnh đạo đảng Tiếng nói-Dân chủ Xã hội Peter Pellegrini cảnh báo rằng việc cắt nguồn cung từ Nga sẽ có "tác động tàn phá" đối với nền kinh tế và thị trường lao động Slovakia.
Slovakia là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất vào hydrocacbon của Nga ở EU: vào năm 2020, thị phần nhập khẩu dầu thô của họ từ Nga là 100% (trường hợp duy nhất như vậy ở EU) và trong trường hợp khí tự nhiên là 85% (vị trí thứ tư ở EU). Tổng cộng, có tới 57% nhu cầu năng lượng của Slovakia được đáp ứng bằng nhập khẩu từ Moskva. Hiện phần lớn dân số Slovakia không muốn chịu thêm chi phí do gia tăng an ninh năng lượng. Trong một cuộc khảo sát của Focus dành cho Markíza (từ 30/3 - 6/4), 62% người Slovakia phản đối việc từ bỏ mua khí đốt và dầu của Nga nếu điều này làm tăng giá.
Tóm lại, Tiến sĩ Dębiec kết luận, Chính phủ Slovakia đang đối mặt với những tình huống khó xử chiến lược liên quan đến việc duy trì lâu dài sự ủng hộ đối với Ukraine và đạt được sự ủng hộ đối với các biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thô của Nga. Thái độ thân Nga và chống Mỹ của một bộ phận xã hội, sự phụ thuộc cơ cấu của ngành năng lượng vào nguồn nguyên liệu thô của Nga và sự miễn cưỡng của người dân trong việc chịu chi phí phát sinh, đang dẫn đến việc ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách của chính phủ hiện nay tại Slovakia.