Mức giảm này cao gấp đôi so với con số dự báo đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC+ diễn ra ngày 5/10 ở Vienna (Áo) và đánh dấu đợt giảm sản lượng lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Quyết định cắt giảm sản lượng, mà theo OPEC+ là do “triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ không chắc chắn”, là một sự đảo ngược hoàn toàn về chính sách của nhóm nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này. Lần gần đây nhất OPEC+ thắt chặt nguồn cung là vào tháng 5/2020 khi nhu cầu giảm mạnh trong thời gian đầu bùng phát đại dịch COVID-19.
Kể từ đó, OPEC+ nâng dần sản lượng nhưng sau đó bất ngờ giảm sản lượng ở mức 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Các quyết định giảm sản lượng được xem là một nỗ lực của Saudi Arabia - nước dẫn đầu OPEC, nhằm kéo giá dầu tăng trở lại. Sau khi tăng lên 120 USD/thùng vào mùa Xuân năm nay, giá dầu thế giới bắt đầu lao dốc và đã giảm mạnh xuống dưới 90 USD/thùng vào tháng 9 vừa qua do lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và nguồn cung thắt chặt vì xung đột Nga - Ukraine.
Hiện chưa rõ quyết định giảm sản lượng tác động thế nào đến giá dầu vì thực tế các nhà sản xuất của OPEC+ đến nay vẫn chưa đáp ứng hạn ngạch do cơ chế này đặt ra là 11 triệu thùng/ngày. Thời điểm một năm trước, các nước OPEC+ thiếu tới 700.000 thùng/ngày so với hạn ngạch, trong khi con số ghi nhận vào tháng 8 năm nay là 3,6 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, kỳ vọng khôi phục giá dầu của OPEC+ được đánh giá là khả thi do đa số các nhà phân tích trong lĩnh vực năng lượng cho rằng việc giảm sản lượng sẽ giúp giá dầu tăng về mức 3 chữ số như thời điểm tháng 6 vừa qua.
Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của hãng PVM Oil Associates có trụ sở ở London (Anh), dự báo thị trường dầu sôi động hơn trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt trong ngắn hạn hoàn toàn có thể đẩy giá dầu trở lại mức mong muốn của OPEC+ là trên 100 USD/thùng. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng cho rằng giá dầu Brent có thể đạt mức 3 chữ số trong 3 tháng tới, trước khi tăng lên 105 USD và duy trì mức này trong 6 tháng tiếp theo. Mặc dù vậy, còn quá sớm để đánh giá các tác động bởi giá dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu.
Việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng dầu được cho là một quyết định có lợi cho Nga, đối tác của OPEC và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ được hưởng lợi vì giá dầu tăng cao sau quyết định này, theo đó nếu tính đến giá chiết khấu, dầu của Nga có thể đạt mức giá khoảng 80 - 100 USD/thùng.
Ngoài ra, theo ông Jacques Rousseau - Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners, Nga không thực sự bị ảnh hưởng bởi quyết định giảm sản lượng vì vốn sản lượng dầu của nước này đã thấp hơn hạn ngạch của OPEC+ do tác động của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Trong số các nước ngoài OPEC, Nga là nước thiếu sản lượng nhiều nhất, với sản lượng dầu trong tháng 8 thiếu 1,2 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch. Nói cách khác, các công ty dầu mỏ Nga có thể thu về nguồn lợi lớn hơn nhờ giá dầu tăng, trong khi vẫn xuất khẩu khối lượng như hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, nước này sẽ sản xuất khoảng 530 triệu tấn dầu thô và khí ngưng tụ trong năm 2022 và 490 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, chuyên gia phân tích Sergey Pigarev của Freedom Finance Global cho rằng quyết định giảm sản lượng của OPEC+ có thể giúp Nga hạn chế được tác động từ gói trừng phạt thứ tám của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có biện pháp áp trần giá dầu của Nga với bên thứ ba, dự kiến có hiệu lực vào tháng 12 tới. Nếu EU không dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đến cuối năm nay, giá dầu có thể sẽ vượt quá 120 USD/thùng.
Giá dầu tăng cao trở lại có thể là tin vui với thị trường dầu mỏ nhưng với những người tiêu dùng chỉ vừa mới “thở phào” vì hóa đơn năng lượng giảm vài tháng qua, thì thông tin mới này sẽ không dễ chấp nhận. Quyết định của OPEC+ giảm đến 2 triệu thùng dầu mỗi ngày - tương đương 2% nhu cầu tiêu thụ của thế giới, được đưa ra vào thời điểm nhiều nước đang chật vật ứng phó với chi phí năng lượng tăng vọt. Theo giới phân tích, việc đưa một lượng lớn dầu ra khỏi thị trường sẽ đẩy giá dầu thô leo thang, tiếp tục làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã đạt mức cao nhất trong hàng thập niên qua ở nhiều quốc gia. Lạm phát cao hơn đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng, do đó việc OPEC+ siết chặt nguồn cung sẽ khiến các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất, gây ảnh hưởng đến hầu hết nền kinh tế trên thế giới.
Quyết định OPEC+ cũng có thể làm leo thang căng thẳng giữa Saudi Arabia và Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực chặn đà tăng giá xăng dầu ở nền kinh tế hàng đầu thế giới trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Saudi Arabia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Trong chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nước này nâng sản lượng nhằm kiềm chế giá dầu - nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ leo lên mức cao nhất trong 40 năm qua và đe dọa ảnh hưởng đến triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã không đạt được bất kỳ cam kết nào về năng lượng khi kết thúc chuyến thăm Trung Đông.
Phản ứng về động thái mới nhất của OPEC+, Nhà Trắng đã gọi đây là một quyết định “thiển cận” và tuyên bố trong tháng này, Mỹ sẽ xuất thêm 10 triệu thùng dầu từ Kho dữ trự dầu mỏ chiến lược (SPR), sau đợt xả kho dầu dự trữ lớn nhất từ trước đến nay vào tháng 3. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng có kế hoạch tham vấn với Quốc hội về việc bổ sung “các công cụ và thẩm quyền” để hạ nhiệt giá dầu.
Một trong những công cụ được đề xuất là Dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC), được một ủy ban Thượng viện thông qua ngày 5/5 vừa qua, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Nếu được hai viện Quốc hội thông qua, NOPEC sẽ cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC hoặc các quốc gia thành viên của tổ chức này ra tòa án liên bang nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để “thổi”giá dầu. Các nước đối tác của OPEC trong OPEC+ cũng có thể bị kiện. Tuy nhiên, việc thực thi NOPEC có thể gây ra một số hậu quả ngoài ý muốn.
Trước cuộc họp của OPEC+, Mỹ được cho đã tìm cách gây áp lực nhằm ngăn OPEC+ thông qua quyết định cắt giảm sản lượng. Theo kênh truyền hình CNN, các quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế và quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden đã ra sức vận động những người đồng cấp tại các nước đồng minh Trung Đông, như Kuwait, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm sản lượng. Với quyết định "đi ngược" lại mong muốn của Mỹ, dường như OPEC và các đối tác đang tìm cách khẳng định vị thế chi phối thị trường dầu mỏ thế giới.