Tồn tại thỏa thuận miệng bí mật giữa Tập Cận Bình và Obama?

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn còn. Tại California, ngoài cuộc gặp gỡ chính thức, hai nhà lãnh đạo này còn cùng tham gia một buổi tiệc tối và một lần đi tản bộ với nhau.

Theo báo "Tin tức Thế giới" ngày 11/6, thành quả quan trọng nhất, then chốt nhất và nổi bật nhất trong chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình chính là việc cùng với Tổng thống Mỹ Obama tách ra khỏi đoàn tùy tùng, chỉ mang theo phiên dịch cá nhân kể cả khi gặp gỡ lẫn lúc tản bộ. Vì thế, đồn đoán về khả năng hai nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận miệng bí mật đã xuất hiện và nếu có thì nó được thực hiện vào lúc họ tách khỏi đoàn tùy tùng đi cùng nhau.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 8/6/2013. Ảnh: THX/TTXVN


Xem xét lịch sử, báo "Tin tức Thế giới" thấy rằng ngoại giao của Trung Quốc đối với Mỹ có truyền thống đạt được nhận thức chung về các vấn đề quan trọng thông qua gặp gỡ trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo tối cao Trung-Mỹ. Nhận thức chung này không nhất định phải hình thành văn bản, cũng không trở thành hiệp định chính thức và càng không tiết lộ ra bên ngoài, mà chỉ là thỏa thuận miệng bí mật.

Người sáng lập ra kiểu ngoại giao bí mật này là cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Kiệt tác của Chu Ân Lai là thành quả “phá băng quan hệ Trung-Mỹ” bằng chuyến thăm bí mật của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Alfred Kissinger và Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào những năm 70 của thế kỷ trước. Sau đó, mỗi một thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều muốn có một lần thỏa thuận miệng bí mật với phía Mỹ.

Tới nay, trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ có cựu Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào là khác. Ông Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ theo hình thức thăm viếng cấp nhà nước, làm việc theo lịch trình đã định. Cho nên, đối với chuyến thăm Mỹ vừa qua của ông Tập Cận Bình, nếu chỉ cần giữ thể diện, vị Chủ tịch Trung Quốc đã làm theo cách của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, đi theo con đường thăm viếng cấp nhà nước. Nếu muốn phát huy truyền thống của ngoại giao Trung Quốc đối với Mỹ, Tập Cận Bình có thể đi theo đường hướng ngoại giao bí mật để đưa quan hệ Trung-Mỹ bước sang giai đoạn mới.

Có nhà bình luận nhận định, khi gặp gỡ báo chí công khai, sắc mặt của ông Obama và ông Tập khá nặng nề, vì thế, cuộc nói chuyện giữa hai bên có thể đã không được thuận lợi, lập trường hai bên còn tương đối cứng nhắc, thậm chí có thể từng xuất hiện tranh cãi. Hai bên cũng không đạt được kết quả mang tính đột phá.

Tuy nhiên, nếu xem xét việc ông Obama tặng ghế cho ông Tập Cận Bình và ông Tập vui vẻ mở rượu Mao Đài, có thể thấy thỏa thuận miệng bí mật giữa hai người (nếu tồn tại) có thể đạt được một số kết quả. Trong trường hợp tồn tại một thỏa thuận miệng bí mật đó thì nội dung cốt lõi của nó là gì?

Theo báo "Tin tức Thế giới", đối với ông Tập Cận Bình, nhân vật này nhất định sẽ đề cập với ông Obama bốn vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc là nước lớn trỗi dậy, quyết không kết thành thù địch với Mỹ, nhưng Trung Quốc phải được quyền tham dự các cuộc chơi quốc tế then chốt cũng như quyền tham gia việc đề ra các quy tắc quốc tế. Thứ hai, công cuộc cải cách mở cửa, phát triển kinh tế và an ninh kinh tế của Trung Quốc cần có sự ủng hộ của Mỹ, Mỹ nên làm một số việc nào đó để ủng hộ Trung Quốc. Thứ ba, Trung Quốc lựa chọn thái độ hòa hoãn và lập trường hy vọng hòa bình trong vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông. Thứ tư, Trung Quốc cam kết tiếp tục thúc đẩy cải cách và mở cửa.

Về phía Obama, nhân vật này cũng có bốn vấn đề nêu ra đối với Tập Cận Bình. Một là Mỹ không thay đổi chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của mình, Trung Quốc không thể gây khó khăn, thậm chí là khiêu khích Mỹ. Hai là Trung Quốc phải thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Triều Tiên, gây áp lực thiết thực đối với việc nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Ba là không được để xảy ra xung đột ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, phải bảo đảm hòa bình và bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Bốn là không được dung túng cho thế lực chính trị thù địch với Mỹ ở trong nước.

Báo trên kết luận, nếu có thỏa thuận miệng bí mật, cả ông Tập Cận Bình và ông Obama đều vui. Đối với ông Tập Cận Bình, nhân vật này có hy vọng hóa giải cục diện khó khăn về ngoại giao của Trung Quốc, góp phần củng cố địa vị chính trị của bản thân. Cho nên, bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ có hàng loạt hành động, trong đó có việc tiếp tục cổ súy cải cách ở trong nước.


TTXVN/Tin tức




Mỹ - Trung xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”
Mỹ - Trung xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa hai nguyên thủ bằng việc thừa nhận mặc dù có bất đồng trong một số lĩnh vực, nhưng hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu mới".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN