Tổng thống Biden dồn ưu tiên cho nhóm đặc trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Vụ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là bộ phận áp đảo nhất về nhân lực tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm từ phòng Bầu dục. Ảnh: Whitehouse.gov

Theo tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) ngày 12/2, với người đứng đầu là điều phối viên đặc trách, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell, Vụ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ quản lý và điều phối các chính sách liên quan đến châu Á. Trong đó, địa bàn truyền thống gồm Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Đông Nam Á, Australia và giờ sáp nhận thêm Vụ Nam Á đặc trách Ấn Độ. 

Vụ này dự kiến sẽ có khoảng 15-20 thành viên và sẽ là đầu mối lớn nhất về mặt quân số, lực lượng tại NSC. Nó cũng là chỉ dấu cho thấy NSC dồn ưu tiên cho Trung Quốc và rộng hơn là các chủ đề chính sách ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - như phát ngôn viên NSC Emily Horne trao đổi với Nikkei Asia.

Theo bà Horne, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng sẽ coi Trung Quốc là ưu tiên của riêng cá nhân. Ông Sullivan sẽ chịu trách nhiệm gây dựng tiềm lực chính sách trong khắp các bộ, ngành liên bang, điều hành quy trình mới loại bỏ hố ngăn cách lâu nay giữa chính sách đối nội và đối ngoại. Tất cả các vụ ở NSC cũng đều mở rộng nghiên cứu chính sách về Trung Quốc, trên từng lĩnh vực đảm trách như công nghệ, an ninh quốc gia; an ninh sức khỏe toàn cầu và phòng vệ sinh học; quốc phòng; dân chủ, nhân quyền; kinh tế quốc tế…

Theo ông Ryan Hass, người từng đứng đầu bộ phận đặc trách Trung Quốc, Đài Loan/Trung Quốc và Mông Cổ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, NSC thường thay đổi về cơ cấu tổ chức theo các ưu tiên của từng thời kỳ. Đã có thời gian Vụ châu Âu tại NSC là chủ lực, gắn với kỉ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Sau sự kiện 11/9/2001, Vụ Trung Đông là đầu mối nổi bật. Giờ đến lượt Vụ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ chiếm ưu thế về nhân sự, lực lượng. Nó cho thấy chính quyền Joe Biden tiếp tục theo đuổi khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và can dự với khu vực theo cách tiếp cận này. 

Nhiều thành viên mới tại NSC trong vài tháng trở lại đây đã tung ra các bài viết, bài phân tích đăng trên các tờ báo, tạp chí uy tín ở Mỹ, kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn trong quan hệ với Bắc Kinh. Số này đều đồng thuận định hình quan hệ Mỹ-Trung nặng về “cạnh tranh” hơn hợp tác, can dự hay kiên trì chiến lược. 

Laura Rosenberger, điều phối viên cấp cao đặc trách Trung Quốc tại NSC, đăng bài viết “Những giá trị Dân chủ là một ưu thế cạnh tranh” (Democratic Values Are a Competitive Advantage) trên tạp chí Các vấn đề Đối ngoại (Foreign Affairs) số tháng 12/2020. Đứng tên cùng học giả Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), bà Rosenberger nhận định “các giá trị” là ưu thế cạnh tranh chủ chốt của các nền dân chủ.

Chú thích ảnh
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ điều phối chính sách chung liên quan đến Trung Quốc. Ảnh: AP

Ông Hass bình luận, tất cả các thành viên phụ trách chính sách liên quan đến Trung Quốc tại NSC đều có thời gian làm việc cùng nhau ở cả trong và ngoài chính quyền. Giữa họ có nhiều điểm thống nhất, đồng thuận về những nguyên tắc cơ bản. Họ có chung trách nhiệm định dạng quan hệ Mỹ-Trung, với luận điểm “Mỹ đang ở giai đoạn cạnh tranh chiến lược trước Trung Quốc và công nghệ sẽ là điểm then chốt trong bước cạnh tranh này”. 

Hôm 4/12, Tổng thống Joe Biden công bố sắc lệnh về “Làm mới hệ thống Hội đồng An ninh Quốc gia”. Ngoài việc quy định chặt chẽ hơn về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của NSC, sắc lệnh còn chỉ định thành viên của “Ủy ban các thành viên chủ chốt” (PC-Principals Committee ) và tổ chức hoạt động của ủy ban này. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan sẽ là người đứng đầu Ủy ban, với các thành viên bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tài chính, Quốc phòng, Năng lượng, An ninh Nội địa, Tư pháp, Giám đốc Văn phòng quản lý Ngân sách Nhà Trắng, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chánh Văn phòng Nhà Trắng. 

Giám đốc Tình báo Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) sẽ tham dự các phiên họp tại NSC dưới vai trò cố vấn. 

Theo Ryan Hass, đây là điểm khác biệt so với chính quyền tiền nhiệm và nó cho thấy chính sách an ninh quốc gia của Mỹ sẽ được định hình bởi mục tiêu chính sách thay vì yếu tố chính trị. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Tìm hiểu Lực lượng đặc trách Trung Quốc mới thành lập của Lầu Năm Góc
Tìm hiểu Lực lượng đặc trách Trung Quốc mới thành lập của Lầu Năm Góc

Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập lực lượng đặc trách thuộc Lầu Năm Góc chuyên về xem xét chính sách với Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN