Tổng thống Iran gặp khó "trên sân nhà"

Tổng thống theo đường lối ôn hòa của Iran Hassan Rouhani có thể nhận được sự ủng hộ trong nỗ lực đạt thỏa thuận với các cường quốc trên thế giới về chương trình hạt nhân của nước này, nhưng ông đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện cải cách ở trong nước.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Rouhani không phải là một nhà cải cách nhưng ông đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 vừa qua do các cử tri hy vọng rằng ông sẽ thực hiện các cam kết mang lại tự do xã hội và chính trị cũng như những cải thiện về điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, trong khi vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei - người đưa ra quyết định cuối cùng - trong chính sách ngoại giao và đàm phán hạt nhân thì Tổng thống Rouhani và chính phủ của ông lại không được bảo vệ trong cuộc tranh giành quyền lực căng thẳng với những người theo đường lối bảo thủ về những vấn đề trong nước.


Quốc hội Iran, do những người theo đường lối bảo thủ chiếm ưu thế, đang thể hiện sự phản đối đối với ông Rouhani. Tuần trước, cơ quan lập pháp này đã không chấp thuận ứng cử viên thứ ba vào vị trí Bộ trưởng Thể thao và dọa sẽ bãi nhiệm Bộ trưởng Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ Reza Faraji - Dana vì ông này đã tuyển dụng một số cá nhân từng ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2009.


Bộ máy tư pháp - vốn được coi là thành trì của những nhân vật bảo thủ - kiên quyết cho rằng truyền thông xã hội là bất hợp pháp. Các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter hiện đang bị chặn mặc dù Tổng thống Rouhani và các Bộ trưởng trong nội các vẫn đang sử dụng và khẳng định rằng những biện pháp hạn chế không phát huy hiệu quả do người dân Iran dùng các phần mềm khác để truy cập vào các trang này. Bộ máy tư pháp cũng ngăn chặn việc xuất bản hai báo theo đường lối cải cách, đó là "Neshat" và "Ham - Mihan", do lo ngại rằng hai báo này có thể làm khôi phục truyền thông cải cách nhằm chống lại những báo theo đường lối bảo thủ.


Ông Mohammad - Sadegh Javadi - Hesar, một chính trị gia có tư tưởng cải cách, cho rằng sau thất bại mang tính quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6/2013, những người theo đường lối bảo thủ lo ngại họ sẽ bị trượt xa hơn và nếu truyền thông vạch ra những lỗ hổng trong các chính sách thì họ có thể tiếp tục thất bại trong cuộc bầu cử nghị viện năm 2015.


Ông Javadi - Hesar nói: "Dĩ nhiên, những người phản đối chính phủ đang sử dụng các kênh hợp pháp của họ, như Quốc hội và bộ máy tư pháp, để bảo vệ các cử tri có vai trò quan trọng đối với các cuộc bầu cử, trong đó có các trường đại học và các ngành liên quan tới thanh niên như Bộ Thể thao". Vì Iran không có các chính đảng mang tính đại diện nên các chính trị gia thường phải sử dụng đến cái mà họ gọi là "các nhóm tham khảo" để vận động cử tri. Các cử tri trẻ tuổi rất quan trọng bởi số người dưới 30 tuổi chiếm khoảng 1/3 dân số Iran (75 triệu người).


Cho đến nay, những người theo đường lối bảo thủ vẫn thất bại trong việc thu hút lá phiếu của giới trẻ Iran, trong đó nhiều người muốn có quyền tự do xã hội và chính trị.


Các nhà phân tích cho rằng số phận của ông Rouhani ở trong nước có thể phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Ông Javadi - Hesar nhận định: "Ông Rouhani càng thành công trong chính sách ngoại giao thì ông càng được ủng hộ ở trong nước và những nhân vật bảo thủ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phá hoại các chính sách của ông. Những người theo đường lối bảo thủ tin rằng không nên để các đối thủ của mình có bất cứ chiến thắng 'chói lọi' nào trong hồ sơ lý lịch. Hiện tại, dù họ bị tước hết quyền hạn trong chính sách ngoại giao, nhưng họ sẽ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng trên mặt trận chính trị trong nước".


Huy Hiệp (Theo "Thời báo Tài chính" (Anh))

 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN