Mạng tin Politico ngày 7/4 dẫn lời các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng đang thảo luận ý tưởng chỉ định một đặc phái viên đặc trách đàm phán liên quan đến việc ngừng xây dựng tuyến đường ống Nord Stream 2 chạy từ Nga tới Đức. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden đau đầu trước câu hỏi cần hành động ra sao trước một dự án năng lượng đang gần hoàn tất, mà khi hoàn thiện sẽ tạo cho Nga ưu thế tài chính và lợi thế địa chính trị nổi bật.
Amos Hochstein là cựu điều phối viên Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách vấn đề năng lượng quốc tế dưới thời Tổng thống Barack Obama và cũng là cố vấn thân cận, tin cậy của ông Biden thời ông làm Phó Tổng thống. Ông này đã được Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan mời chào đảm nhận cương vị đặc phái viên mới. Đến lúc này, ông Hochstein vẫn chưa nhận lời.
Việc Nhà Trắng có kế hoạch bổ nhiệm đặc phái viên chuyên xử lý Nord Stream 2 cho thấy chính quyền Joe Biden đặt ra một trọng tâm chiến lược mới. Trước đây, nhiệm vụ điều phối phần việc liên quan đến tuyến đường ống này thường do các chuyên gia phụ trách châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ đảm nhận. Nhưng giờ đây, giới chức chính quyền cho biết, đã có sự đồng thuận tại Nhà Trắng cho rằng những vấn đề địa chính trị gai góc liên quan đến Nord Stream 2 cần phải được chú tâm nhiều hơn, xuyên suốt hơn, nhất là trong bối cảnh dự án này đã hoàn tất 96% phần việc.
Cũng phải kể đến yếu tố sức ép từ Quốc hội Mỹ, nơi nhiều nghị sĩ của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều gây sức ép với chính quyền Joe Biden, đòi phải nhanh chóng hủy hoại có hiệu quả tuyến đường ống này trước khi quá muộn. Thượng nghị sĩ Ted Cruz từng gắn đòi hỏi đẩy nhanh can dự của Mỹ đối với Nord Stream 2 khi xem xét phê chuẩn đề cử nhân sự cấp cao của Bộ Ngoại giao.
Một số thượng nghị sĩ khác công khai kêu gọi Nhà Trắng đẩy nhanh gói trừng phạt nhằm vào các thực thể tham gia xây dựng tuyến đường ống theo đúng quy định của trong các đạo luật trừng phạt nhằm vào dự án năng lượng này.
Một nguồn thạo tin ẩn danh cho biết, trong cuộc gặp riêng mới đây, ông Cruz từng hối thúc bà Victoria Nuland - người đứng đầu văn phòng các vấn đề chính trị tại Bộ Ngoại giao Mỹ - theo đuổi kế hoạch chỉ định một đặc phái viên chuyên xử lý vụ Nord Stream 2.
Một số quan chức khác lo ngại việc bổ nhiệm một đặc phái viên mới có thể sẽ phản tác dụng, khiến việc triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Nord Stream chậm chễ hơn. Bởi nó gần như mang một thông điệp chuyển tới Đức và Nga, rằng Mỹ để ngỏ khả năng hòa hợp. Tuy nhiên, một phụ tá Nhà Trắng cho biết, việc chỉ định ông Hochstein vào vai trò mới sẽ được đảng Dân chủ ủng hộ, bởi Hochstein là người phù hợp, có uy tín, từng xử lý nhiều vấn đề tương tự dưới thời Obama.
Chưa rõ quyền hạn, nhiệm vụ của vị trí đặc phái viên mới dừng ở mức nào, nhưng chắc chắn nhân vật này sẽ phải tập trung vào việc điều phối các cuộc đàm phán thực sự, bàn về cách thức ngăn chặn, trì hoãn tuyến đường ống, nhưng không để xa lánh đồng minh chủ chốt là Đức.
Mỹ đang ở vào tình thế lúng túng về ngoại giao. Một mặt, Mỹ muốn chặn ảnh hưởng năng lượng của Nga, điều khiến ông Biden gọi Nord Stream 2 là một “thỏa thuận tồi cho châu Âu”. Nhưng mặt khác, Washington cũng muốn tăng cường quan hệ với Đức, nước từng đã vận động rất mạnh để Mỹ không can thiệp vào việc hoàn thiện tuyến đường ống.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Tư pháp Mỹ vừa thông qua hai gói trừng phạt đối với Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream-2. Trong các thực thể, cá nhân nằm trong danh sách đề xuất cấm vận của bộ này có nhà điều hành dự án Nord Stream 2 AG và người đứng đầu Matthias Warnig. Gói trừng phạt Nord Stream-2 sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng 5 tới và ông Biden sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Về phần mình, Nga cũng phát đi những tín hiệu cảnh báo nhằm vào Mỹ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/4 cho biết, Moskva coi việc Mỹ bổ nhiệm một đặc phái viên chuyên trách tuyến đường ống Nord Stream 2 là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, bởi Mỹ không có bất kỳ vai trò nào trong liên doanh thực hiện dự án. Ông cũng khẳng định, Nga và các đối tác cam kết sẽ hoàn thành tuyến đường ống này.