Tổng thống Syria 'chắc chân' trước thềm Geneva II

Trong bối cảnh mọi việc vẫn "giẫm chân tại chỗ", phe đối lập Syria nhìn về Hội nghị Geneva II (dự kiến diễn ra vào ngày 22/1/2014) với đầy vẻ lo lắng. Nếu không tham gia hội nghị này, họ có thể bị đẩy ra ngoài lề và bị cáo buộc khước từ hòa bình. Còn nếu chấp nhận tham gia, vị thế của Tổng thống Bashar al-Assad có thể ngầm được hợp pháp hóa.

Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters


Không có gì ngạc nhiên khi ông Assad thấy vị thế của mình ngày càng được củng cố. Lực lượng quân đội trung thành với nhà lãnh đạo này đã giành những thắng lợi quan trọng xung quanh thủ đô Damascus, thành phố Homs và Aleppo, khiến không một ai còn xem xét nghiêm túc yêu cầu của phe đối lập về việc tổ chức đàm phán với điều kiện tiên quyết là ông Assad phải ra đi.

Trong khi đó, phe đối lập hiện đang bị xáo trộn lớn, làm thay đổi động lực của phong trào nổi dậy ở Syria. Liên minh Dân tộc Syria (SNC) - tổ chức đối lập chính của Syria ở nước ngoài - đã thông báo sẽ tham dự Hội nghị Geneva II song lại không có quyền lực trên thực địa để thực hiện thỏa thuận cuối cùng. Về phần mình, các nhóm vũ trang đang nắm giữ quyền lực thực sự ở Syria lại bị chia rẽ và kiên quyết từ chối tham gia hội nghị này.

Trong bối cảnh đó, ông Assad có thể thấy an ủi rằng câu chuyện đã thay đổi. Dư luận ngày càng lo lắng về việc quốc gia Trung Đông này đang trở thành thánh địa của al-Qaeda trong khi các nhóm phiến quân có liên hệ với mạng lưới khủng bố này đã bắt đầu phát động chiến dịch quân sự chống lại các nhóm đối lập ôn hòa hơn.

Cái bóng của al-Qaeda đã bao trùm tất cả mọi thứ. Thậm chí, các nhà lãnh đạo đối lập Syria còn công khai đề cập đến mối đe dọa này. Người đứng đầu Quân đội Syria Tự do (FSA), Tướng Salim Idriss, cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) có liên hệ với al-Qaeda đã trở nên "rất nguy hiểm đối với tương lai của Syria" và nếu ông Assad rời bỏ quyền lực, FSA sẽ gia nhập quân đội chính quy Syria để chiến đấu chống lại ISIS.

Tuy nhiên, ông Assad lại có ý tưởng khác. Ông không có ý định ra đi, và vũ khí chính của ông để tránh một kết cục như vậy là mô tả chế độ của mình như một pháo đài chống lại các nhóm chiến binh thánh chiến. Với sự giúp đỡ của Iran và Nga, Tổng thống Syria hy vọng sẽ sử dụng Geneva II để củng cố vị thế của mình.

Dù trực tiếp có mặt tại hội nghị này hay không, ông Assad sẽ là người đối thoại chính với phe đối lập Syria, các cường quốc phương Tây và Arập thù địch, nhất là khi nhà lãnh đạo này vừa chấp thuận phá hủy kho vũ khí hóa học. Điều này đồng nghĩa với việc ông Assad được công nhận, giành thêm thời gian cho quân đội và các lực lượng đồng minh nhằm đạt được các tiến triển về mặt quân sự, đồng thời gia tăng đòn bẩy của chính mình.

Tất cả các cuộc thảo luận liên quan đến sự ra đi của ông Assad sẽ bị trì hoãn do điều này có nguy cơ ngăn cản các giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, thực tế là các nước phương Tây, nhất là Mỹ, không muốn ông Assad từ bỏ quyền lực - điều được cho là sẽ gây ra khoảng trống chính trị bất ổn ở Syria. Thay vào đó, chiến lược của họ là khuyến khích ông Assad khởi động tiến trình chuyển tiếp suôn sẻ có thể chấp nhận được, nói cách khác là ông Assad tự nguyện trao lại quyền lực của mình. Tuy nhiên, vì ông Assad hoàn toàn không có ý định đó, nên chiến lược của phương Tây trở nên phi lý. Chính phủ phương Tây biết rõ điều này và họ sẽ ký bất kỳ thỏa thuận nào nhằm làm giảm tình trạng bạo lực ở Syria, bất chấp số phận chính trị của ông Assad có thế nào đi chăng nữa.

Về phần mình, phe đối lập Syria ôn hòa cũng ý thức rõ về tình thế khó khăn của mình song không thể làm được gì nhiều để cải thiện vấn đề này. Với việc hàng ngũ bị chia rẽ sâu sắc, cùng lúc phải chiến đấu chống lại chính quyền và ISIS, thiếu tầm nhìn chính trị thực tế để chấm dứt xung đột ở Syria, lực lượng này sẽ không tham gia Geneva II, ngay cả khi biết rõ rằng thất bại của họ nhiều khả năng sẽ được phản ánh trong bất kỳ kế hoạch chính trị nào mà hội nghị này đạt được.


SNC hy vọng làm hai việc tại Geneva: Một là không khoan nhượng nhằm giành lại niềm tin cho phe đối lập ở Syria. Hai là cố trì hoãn với hy vọng điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trên chiến trường trong khi chờ các nước như Saudi Arabia thống nhất và vũ trang cho phe đối lập. Tuy nhiên, bất cứ điều gì đe dọa sự thành công của Geneva II và tiến trình ngoại giao hậu Geneva II sẽ gây rắc rối cho chính quyền Obama vốn đang muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Syria. Rất có thể Washington sẽ chấp nhận một chính phủ chuyển tiếp ngay cả khi số phận của ông Assad vẫn chưa được xác định. Điều này sẽ làm hài lòng ông Assad trong khi việc SNC chấp nhận một kết cục như vậy sẽ gây chia rẽ nhiều hơn giữa phe đối lập lưu vong và phe đối lập trong nước.

Đoán trước được điều đó, Nga đã tìm cách thuyết phục các nhóm đối lập trong nước ủng hộ ông Assad tiếp tục nắm quyền tham gia Hội nghị Geneva II. Moskva đang vận động để các nhóm thân thiện hơn với ông Assad áp đặt chương trình nghị sự mà chế độ Damascus có thể chấp nhận được. Trong khi đó, các nhóm đối lập vũ trang tại Syria sẽ bị coi là trở ngại đối với hòa bình. Phe đối lập Syria sẽ bị mất uy tín hơn nữa, tạo điều kiện cho lực lượng của ông Assad giành thêm các chiến thắng quân sự. Geneva sẽ là bước đầu tiên trong tiến trình "vừa đánh vừa đàm" kéo dài. Hội nghị này sẽ đạt được ít kết quả song mục đích của nó là để giữ cho "bóng tiếp tục lăn". Ông Assad có thể hài lòng rằng, ông hiện an toàn hơn so với thời điểm gần 3 năm trước.


TTK

Phiến quân Syria phản công, bắt 50 con tin người Kurd
Phiến quân Syria phản công, bắt 50 con tin người Kurd

Các tay súng phiến quân ở khu vực miền bắc Syria đã bắt cóc hơn 50 người Kurd trong 3 ngày qua. Đây là lần thứ 2 một số lượng lớn con tin bị lực lượng nổi dậy bắt giữ kể từ tháng 7/2013, các nhà hoạt động nhân quyền tại Syria ngày 6/12 cho biết.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN