Ngày 23/8, Tổng thống Trump đưa ra một loạt tweet giận dữ sau khi Trung Quốc áp đặt vòng thuế trả đũa mới với hàng Mỹ nhập khẩu trị giá 75 tỷ USD. Ông viết: “Nói thẳng ra là chúng ta không cần Trung Quốc và sẽ tốt hơn nhiều nếu không có họ. Các công ty lớn của Mỹ từ lúc này được lệnh ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm thị trường thay thế Trung Quốc, trong đó có việc đưa công ty của các bạn VỀ NHÀ và sản xuất sản phẩm ở Mỹ”.
Các công ty đứng ngồi không yên
Theo tờ Washington Post, yêu cầu bất thường của Tổng thống Trump ngày 23/8 đã khiến lãnh đạo nhiều ngành thuộc mọi lĩnh vực lập tức tìm hiểu xem lệnh của ông nghiêm túc tới mức độ nào và Nhà Trắng có thể thực thi lệnh này ra sao.
Các doanh nghiệp từ bán lẻ cho tới điện tử, đồ gia dụng vốn đang chịu sức ép trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài suốt những tháng qua đang liên lạc với các hiệp hội ngành để biết định hướng và chờ thêm thông báo cụ thể từ Nhà Trắng.
Bà Magi Raible, sáng lập viên LiteGear Bags, nhà sản xuất vali ở Vellejo, California, nói: “Tôi đang cố bình tĩnh và không lo lắng, thất vọng nhưng thật khó khăn”.
Bà có một cuộc họp tuần tới với một đồng nghiệp trong ngành để thảo luận về việc chuyển bớt hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc Nam Phi. Bà nói: “Tôi không rõ tôi có thể chuyển công việc kinh doanh nhanh cỡ nào hoặc tình trạng khẩn cấp hiện nay ra sao”.
Mệnh lệnh nghiêm túc tới đâu?
Các chuyên gia thương mại cho rằng Tổng thống Trump thực sự có công cụ mạnh để khuyến khích công ty Mỹ rời đi.
Các công cụ này gồm tiếp tục tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như ông đã tuyên bố ngày 23/8. Nhà Trắng cũng có thể tìm cách trừng phạt các công ty bằng cách loại họ ra khỏi các hợp đồng mua bán liên bang.
Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: “Điều ông Trump tweet không hoàn toàn là nói đùa”.
Ông William Reinsch, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho biết đây chính là thông điệp mà ông Trump đã nói riêng với các công ty Mỹ suốt hơn hai năm qua và nay nó được công khai. Ông nói: “Thực tế là nhiều công ty đã nghĩ tới chuyện chuyển đi rồi. Chi phí lao động đang tăng lên ở Trung Quốc và các công ty Mỹ bắt đầu bị phân biệt đối xử”.
Một số nhà sản xuất điện tử và may mặc đã rời Trung Quốc sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn bao giờ hết với hàng hóa sản xuất ở quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, không nhiều công ty trong số đó chuyển việc làm về Mỹ. Thay vào đó, họ chuyển sang các nước chi phí thấp hơn như Bangladesh.
Ông Jonathan Gold, Phó chủ tịch chính sách hải quan và chuỗi cung cấp tại Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia nói: “Các công ty sẽ muốn tìm nguồn thay thế nhưng không thể sớm chiều. Thậm chí khi thực hiện được thì không may là rất nhiều hoạt động sản xuất sẽ không quay về Mỹ. Chúng ta cần trở lại bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận thương mại”.
Trái lại, ông Bill Reinsch, quan chức cấp cao trong Bộ Thương mại thời Tổng thống Bill Clinton, nói rằng lựa chọn của Tổng thống Trump là hạn chế và sẽ không có lý về mặt kinh tế ngay cả khi các công ty theo mệnh lệnh trên. Ông nói: "Chúng ta không thể vừa là nền kinh tế thị trường mà lại làm như thế. Không ai sẽ chú ý tới điều đó. Các công ty làm thứ mà họ định làm".
Trong khi đó, bà Jennifer Hillman, Giáo sư luật Đại học Georgetown và chuyên gia thương mại tại Hội đồng Đối ngoại, cho rằng Tổng thống Trump không có thẩm quyền để ra lệnh các công ty Mỹ rời Trung Quốc.
Bà phân tích: "Ông ấy thực sự có quyền theo Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế để ngăn chặn chuyển vốn tới Trung Quốc trong tương lai, nhưng chỉ khi ông ấy tuyên bố hợp pháp tình trạng khẩn cấp quốc gia trước. Khi đó, Quốc hội Mỹ có thể hủy bỏ tuyên bố nếu muốn. Hơn nữa, thậm chí mọi chuyện này xảy ra thì Tổng thống Mỹ cũng không có thẩm quyền với mọi khoản đầu tư của Mỹ đã được thực hiện ở Trung Quốc.
Nhắm tới Apple
Một số nhà phân tích nhìn nhận các tweet của Tổng thống Trump là động thái đặc biệt mạnh mẽ nhằm vào Apple và các công ty công nghệ khác vốn sản xuất nhiều hàng ở Trung Quốc. Ông Dan Ives thuộc công ty chứng khoán Wedbush gọi lệnh của Tổng thống Trump là “phát súng rõ ràng” nhằm vào Apple và ngành bán dẫn.
Trong nhiều chục năm qua, Apple đã trở nên quá gắn bó với cơ sở hạ tầng lắp ráp điện tử ở Trung Quốc, tới mức độ cực kỳ khó tách ra. Trong kịch bản tốt nhất, Apple sẽ mất 5 năm để chuyển một nửa hoạt động sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Apple từ một công ty không nổi trội trong thị trường máy tính cá nhân tới một trong những công ty giá trị nhất hành tinh là nhờ quan hệ đối tác với Foxconn, một công ty sản xuất ở Trung Quốc. Apple có thể nảy ra nhiều ý tưởng cho sản phẩm tiêu dùng nhưng chính người sáng lập Foxconn Terry Gou đã biến chúng thành hiện thực.
Apple đã di chuyển một số hoạt động lắp ráp sản phẩm ra khỏi Trung Quốc trước đây khi sản xuất một số máy tính để bàn tương đối nhỏ ở Mỹ và tìm hiểu việc sản xuất iPhone ở Ấn Độ và Đông Nam Á, nhưng công ty này vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường quan trọng với iPhone và Apple có lẽ chưa sẵn sàng cho một sự gián đoạn làm ăn tại nước này. Thị trường này chiếm 9,19 tỷ USD doanh thu của Apple trong quý ba năm tài chính 2019.
Nhiều ngành khác cũng phụ thuộc Trung Quốc. Delta Children, nhà sản xuất đồ dùng trẻ em Mỹ sản xuất 80% sản phẩm tại Trung Quốc. Công ty này đã thử chuyển một số hoạt động sang các nước khác gần đây nhưng các nhà máy ở những nước đó cũng đã bão hòa đơn đặt hàng. Giám đốc công ty cho biết đã thử tìm cách sản xuất thảm ở Mỹ, song sẽ cần số máy móc trị giá 1 triệu USD nhập từ Trung Quốc. Số máy móc này giờ chịu thuế nhập khẩu 25% của ông Trump.
Công ty sản xuất đồ thể thao Columbia Sportswear thì cho biết đã bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc cách đây 15 năm khi có lựa chọn rẻ hơn từ nơi khác. Công ty có nguồn lực ở 19 nước nhưng vẫn phải nhập 10% từ Trung Quốc.