Chiến sự giữa quân khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) với lực lượng người Kurd ở thành phố Kobane (Syria) đã diễn ra ác liệt trong hơn 3 tuần qua. Ẩn sau đó là những tính toán chiến lược của các bên. Ngày 9/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, việc giữ được thành phố Kobane giáp Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một ưu tiên “chiến lược” của Mỹ. Đó có thể là một cách nói ngoại giao. Trận chiến ở Kobane đang thực sự “nóng” mà ở đó các bên có những toan tính chiến lược khác nhau.
Xét về mặt địa lý, Kobane có tầm quan trọng chiến lược với cả IS và người Kurd, mà cụ thể là Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG). Chiếm được thành phố này, quân khủng bố sẽ có điều kiện kiểm soát một khu vực trải dài 500km dọc tuyến biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, IS sẽ đẩy mạnh đà tiến công hướng về Baghdad, gây ra nhiều khó khăn đối với chính quyền Iraq. Ngược lại, giữ được Kobane, người Kurd sẽ có điều kiện tái vũ trang, có được địa bàn hoạt động, khả năng tiếp cận các nguồn trợ giúp từ bên ngoài, tiến đến có đủ sức mạnh đe dọa các khu vực do IS chiếm đóng; ngăn chặn khả năng quân khủng bố tiếp cận Thổ Nhĩ Kỳ từ khu vực Jarrbulus ở phía Đông. Một mục tiêu khác mà YPG quyết giữ được Kobane là để kiểm soát nguồn nước từ sông Eurphrates - nguồn tài nguyên có tầm quan trọng chiến lược.
Cột khói bốc cao sau các cuộc không kích của Mỹ và liên quân nhằm vào IS ở Kobane. Ảnh: AP |
Ẩn sau những tính toán dễ nhận thấy trên đây, trận chiến Kobane còn chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa khác. Với YPG, cuộc nội chiến ở Syria kéo dài hơn 3 năm qua mang đến cho họ thời cơ đạt được quy chế tự trị lớn hơn. Trong bối cảnh lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad buộc phải tập trung các nguồn lực quân sự và chính trị đối phó với quân nổi dậy tại nhiều khu vực khác nhau ở Syria, thì người Kurd ở Kobane đã tìm cách tạo dựng, củng cố quyền lực của mình tại đây. YPG nuôi hy vọng, sẽ xuất hiện một thời điểm chín muồi để giành được quyền tự trị lớn hơn cho người Kurd, với thành trì là Kobane.
Đối với phiến quân, cuộc chiến Kobane lại mang một ý nghĩa biểu tượng - cuộc đối đầu giữa IS với Mỹ và liên quân. Những ngày gần đây, máy bay chiến đấu của Mỹ và các đồng minh đã tiến hành hàng loạt các vụ không kích, với cường độ cao, nhằm chặn đà tiến của IS và hỗ trợ lực lượng người Kurd ở Kobane. Thế nhưng, chính Tổng thống Barack Obama cùng nhiều quan chức cấp cao quân đội Mỹ thừa nhận, đánh bại IS là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Lầu Năm góc nói rằng, chỉ riêng các cuộc không kích sẽ là không đủ để giúp Kobane và nhiều khu vực khác tránh rơi vào tay IS. Trụ vững trước các cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu, IS chứng tỏ được sức mạnh của mình, phô trương được thanh thế tại khu vực, làm lung lạc tinh thần chiến đấu của quân đội Iraq và thu hút được ngày càng nhiều đối tượng tham gia, nhất là số chiến binh người nước ngoài.
Ở một chiều hướng khác, một Kobane đứng trước nguy cơ thất thủ chưa hẳn là một dấu chấm hết với Mỹ. Tuyên bố không kích không thắng được IS, Nhà Trắng đồng thời phát đi thông điệp, cần có một chiến dịch trên bộ để diệt trừ nhà nước khủng bố này. Sau khi rút quân khỏi Iraq (2011), chính quyền Obama luôn thận trọng trước bước đi sử dụng bộ binh can thiệp vào các điểm nóng tại khu vực, nhất là ở Iraq và Syria. Thế nhưng việc IS chiếm được Kobane có thể sẽ tạo ra những bước ngoặt. Đã xuất hiện những tiếng nói trong lòng nước Mỹ ủng hộ mở chiến dịch trên bộ chống IS. Vấn đề còn lại là lực lượng nòng cốt sẽ là ở đâu? Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ còn dè dặt đảm nhận vai trò lớn hơn trong liên minh chống IS vì nhiều vấn đề nội bộ, Mỹ hiện trông đợi nhiều vào quân nổi dậy “ôn hòa” ở Syria. Bằng việc tăng cường vũ trang và huấn luyện cho đội quân này, Mỹ sẽ có được cái cớ để mở rộng can dự tại Syria thông dưới ngọn cờ “chống IS”.
Hoài Thanh (
Tổng hợp)