Trang đầu của một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới

Kênh truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT khi đưa tin lễ nhậm chức của Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 9/7 đã gọi đây là "Ngày đầu tiên của một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới".

   

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Ankara ngày 9/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau lễ nhậm chức là hình ảnh ông Erdogan tới thăm khu lăng mộ Mustafa Kemal Ataturk - vị tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, người đã có những cải cách được coi làm rung chuyển thế giới Hồi giáo với việc xây dựng một nhà nước thế tục và hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Những hình ảnh ít ỏi trên đã phần nào phản ánh được tâm thế mới của nhà lãnh đạo, hiện được coi là "siêu tổng thống" với việc bản Hiến pháp mới trao quyền lực đáng kể cho tổng thống, cũng như của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, những người vừa tiếp tục tín nhiệm lựa chọn ông Erdogan làm vị tổng thống thứ 12 của đất nước 81 triệu dân. Với quyền lực mới theo Hiến pháp sửa đổi, nhiệm kỳ 5 năm tới của Tổng thống Erdogan sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng chưa từng có cho người đứng đầu đất nước. Từ nay, Tổng thống Erdogan sẽ chủ trì mọi cuộc họp nội các do vị trí thủ tướng không còn. Ngoài việc có thể bổ nhiệm một chính phủ, giải tán quốc hội, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bổ sung thẩm phán, Tổng thống Erdogan còn có thể can thiệp vào chính sách của ngân hàng trung ương, lựa chọn các nghị sĩ trong đảng đảm nhận vị trí đứng đầu, một vai trò giúp ông có quyền lực không giới hạn trong việc điều hành quốc hội. Những thay đổi này được cho sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho nhiệm kỳ mới của Tổng thống Erdogan. Việc áp dụng chế độ chính trị tổng thống thay vì chế độ nghị viện như trước đây được xem là sự chuyển đổi lớn nhất trong mô hình chính quyền kể từ khi nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập từ tro tàn của đế chế Ottoman gần một 1 thế kỷ trước.               

Ngay sau khi đắc cử, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cần một tổng thống quyền lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh của đất nước và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc xung đột ở các nước láng giềng Syria và Iraq. Để làm được điều này, ông Erdogan cần một chính phủ vận hành tốt, đủ khả năng thực thi các chính sách được tổng thống đưa ra. Với tuyên bố tinh giản bộ máy hành pháp, Tổng thống Erdogan đã cắt giảm  từ 26 bộ xuống còn 16 bộ, đồng thời lập nhiều ủy ban chuyên trách hỗ trợ tất cả các lĩnh vực. Dư luận lúc này đang hết sức chú ý tới danh sách nội các mới của ông Erdogan, đặc biệt việc vị trí bộ trưởng Tài chính then chốt được trao cho người con rể 40 tuổi Berat Albayrak, người từng đứng đầu Bộ Năng lượng, được xem là động thái gây ngạc nhiên lớn. Một sự điều chỉnh nữa là việc người đứng đầu Cơ quan tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay được bổ nhiệm là phó tổng thống duy nhất, một vị trí mới được thành lập. Vị trí ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ vẫn được giữ nguyên, cũng đồng nghĩa sẽ ít có sự thay đổi lớn trong chính sách nội vụ và đối ngoại của Ankara, trong khi ông Erdogan đã cử Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Hulusi Akar, làm tân Bộ trưởng Quốc phòng.                

Những hình ảnh đối lập tại Quốc hội trong lễ nhậm chức của ông Erdogan, khi đa số nghị sĩ đứng dậy vỗ tay chúc mừng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng có không ít nghị sĩ đối lập chỉ ngồi hoặc đứng dậy mà không vỗ tay chào mừng, cũng phần nào cho thấy những khó khăn phía trước mà ông Erdogan phải vượt qua. Dù thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử, song đại diện phe đối lập vẫn cho rằng đây là cuộc bầu cử thiếu công bằng. Thậm chí có ý kiến chuyên gia nhận định chiến thắng của ông Erdogan có nguy cơ "đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và kéo dài". Bên cạnh đó, chính sách "bàn tay sắt" được áp dụng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016 đã phần nào làm gia tăng tâm lý lo ngại và bất bình của một bộ phận dân chúng. Ngoài ra, những khó khăn kinh tế như việc đồng nội tệ lira mất giá, tỷ lệ lạm phát lên tới 2 con số, thâm hụt tài chính ở mức cao... càng khoét sâu thêm căng thẳng trong xã hội. Trước bối cảnh như vậy, người đứng đầu Bộ Tài chính được kỳ vọng là nhân tố hết sức quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế, giảm mức lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng mở rộng. Người vốn được các thị trường kỳ vọng giữ chức này là cựu Phó Thủ tướng Mehmet Simsek, song thực tế, tân Bộ trưởng Tài chính được ông Erdogan bổ nhiệm đã gây bất ngờ và thị trường đã lập tức có phản ứng khi đồng lira mất giá 2,4%, đứng ở mức 4, lira ăn 1 USD.           

Trong lĩnh vực đối ngoại, thách thức lớn nhất của Tổng thống Erdogan là cân bằng mối quan hệ với các nước lớn như Nga và Mỹ. Sự hiện diện của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong lễ nhậm chức của ông Erdogan cũng phần nào nói lên mối quan hệ gần gũi Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chính sách "đu dây" của Ankara giữa Mỹ và Nga được xem là khá mạo hiểm khi một mặt xích lại gần Nga, với quyết tâm mua hệ thống phòng không S-400, trong khi mặt khác vẫn muốn giữ quan hệ với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Ankara là một thành viên. Tất nhiên, do nằm ở vị trí địa chiến lược giữa hai lục địa Á - Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có những điểm mạnh mà phương Tây khó có thể rời xa. Theo Giáo sư trường Đại học Graz ở Áo Kerem Oktem, với việc ông Erdogan tái cử, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "tiếp tục chính sách đối ngoại mang tính chiến thuật chứ không phải chiến lược”, trong đó Ankara hướng về Nga nhưng không hoàn toàn xa rời phương Tây. Giới phân tích cũng cho rằng Washington lâu nay luôn sẵn lòng nhượng bộ Ankara, bất chấp những căng thẳng chưa được hóa giải, mà cụ thể là việc Mỹ đã chuyển giao lô chiến đấu cơ F-35 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ.        

Về quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), mối quan hệ giữa Ankara và Brussels đã "căng như dây đàn" kể từ sau hàng loạt vụ trấn áp mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sau vụ đảo chính bất thành, song hai bên cũng rất phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều vấn đề, từ khủng hoảng người di cư tới chống khủng bố. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Thổ Nhĩ Kỳ Ozdem Sanberk cho rằng một thời kỳ thỏa hiệp sẽ mở ra và "mối quan hệ giữa Ankara và EU sẽ đạt được một nền tảng tốt đẹp hơn". Chuyến công du nước ngoài đáng chú ý tới đây của ông Erdogan sẽ là tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, nơi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có có Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vốn không có quan hệ tốt đẹp với ông Erdogan. Dù thế nào, các đối tác của Ankara cũng phải cân nhắc lại cách tiếp cận mới với Thổ Nhĩ Kỳ khi xét đến những quyền lực to lớn mà nhà lãnh đạo Erdogan hiện có. 

Đề cập đường hướng phát triển chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, Berat Chonkar - nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn xã hội Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, nhấn mạnh trong giai đoạn mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương, tập trung đảm bảo lợi ích quốc gia, ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định, hợp tác và an ninh trong khu vực. Tổng thống Erdogan sau khi nhậm chức đã tới khu lăng mộ Ataturk, động thái được nhìn nhận vừa thể hiện mong muốn, vừa là quyết tâm của ông Erdogan mở trang sử đầu tiên của một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mới thịnh vượng, có ảnh hưởng và uy tín trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
 

Mạnh Hùng (TTXVN)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm con rể làm Bộ trưởng Tài chính
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm con rể làm Bộ trưởng Tài chính

Ngày 9/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố danh sách các thành viên trong nội các mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN