Các biện pháp trừng phạt đó nhằm vào một vài lĩnh vực kinh tế của Nga cũng như các công ty và cá nhân người Nga mà Nhà Trắng cho rằng có liên quan đến sự leo thang căng thẳng ở Donbass. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang liên tục tranh cãi về việc mở rộng các biện pháp trừng phạt tương tự.
Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây đã đề cập đến khả năng gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga trong năm nay, nhưng trên thực tế, các lệnh trừng phạt đã được kéo dài tới ngày 6/3/2017 vì theo ông Obama, chính sách của Moskva “tiếp tục là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ”. Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft, trong một cuộc trò chuyện trực tuyến với người sử dụng Facebook, cũng cho biết: “Mục đích các lệnh trừng phạt của Mỹ là bảo vệ Crimea, gây sức ép lên Nga để chấm dứt sự chiếm đóng của Moskva và trả lại bán đảo này cho Ukraine”. Tuy nhiên, khi được hỏi “Mỹ gây áp lực đối với Nga như thế nào nếu các lệnh trừng phạt Crimea đang làm cuộc sống của người dân trở nên tồi tệ và mang đến những thái độ tiêu cực đối với Mỹ” thì ông Tefft đã không thể trả lời được.
Trẻ em Crimea leo lên khoang lái chiếc Su-30S trong lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Hạm đội Biển Đen - Nga tại Simferopol hôm 4/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, EU chưa tìm được tiếng nói chung trong quan điểm về các lệnh cấm vận Nga. Một số quốc gia châu Âu đã nhất trí kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân người Nga mà theo họ đã gây nên khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Ở một số quốc gia khác, theo tờ "Wall Streel Journal", người ta hoài nghi rằng liệu việc gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế có mang lại ý nghĩa nào hay không? Theo báo này, họ hy vọng một quyết định cuối cùng sẽ được thông qua vào tháng 7 tới sau các cuộc tranh luận gay gắt.
Các quan chức Brussels và các nhà chính trị gia châu Âu cho rằng việc thực hiện thỏa thuận Minsk sẽ giúp gỡ bỏ trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, một vài người trong số họ cũng nói rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của Nga mà còn của cả EU, chính vì vậy cần phải giảm thiểu chúng.
Các phương tiện truyền thông phương Tây thông báo rằng trong tháng này, ngoại trưởng các nước EU sẽ tiến hành thảo luận về mối quan hệ với Nga. Đại diện của EU ở Moskva khẳng định với Báo Độc lập rằng cuộc gặp kể trên sẽ diễn ra vào ngày 14/3, tuy nhiên, chương trình nghị sự vẫn chưa được thống nhất. Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông cũng xuất hiện thông tin về việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đang cân nhắc có tham dự Diễn đàn kinh tế Saint-Peterburg vào tháng 6 tới hay không. Nếu chuyến thăm này được thực hiện thì ông Juncker sẽ là người đầu tiên trong số các nhà lãnh đạo EU đến Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Vụ trưởng Vụ Hội nhập châu Âu thuộc Viện châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Olga Potemkin khi trả lời phỏng vấn Báo Độc lập đã nhận định rằng Mỹ chắc chắn sẽ gây áp lực đối với châu Âu, nhưng cũng không nên phóng đại sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ. Chuyên gia này nói: “Brussels cũng có quan điểm riêng của mình liên quan đến các biện pháp trừng phạt, bởi vậy, các áp lực của Washington không phải là lý do duy nhất khiến EU có thể không hủy lệnh cấm vận. Đã từ lâu có thông tin về việc một số nước phản đối. Tuy nhiên, quan điểm của Đức rõ ràng hơn so với các quốc gia tuyên bố chống lại trừng phạt nhưng lại nhất trí bỏ phiếu 'ủng hộ' khi nói đến việc kéo dài trừng phạt".