Cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông đang diễn ra căng thẳng. Trước thực trạng đáng quan ngại này, giới lãnh đạo kinh tế - tài chính thế giới đã cảnh báo rằng, tranh chấp giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á này đang đe dọa kinh tế toàn cầu.
Tổng Giám đốc IMF Lagarde cảnh báo về hậu quả của vụ tranh chấp lãnh hải Trung - Nhật. |
Sau thông tin các ngân hàng Trung Quốc rút khỏi các sự kiện liên quan đến hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Tôkyô vào tuần tới, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde đã cảnh báo Trung Quốc và Nhật Bản rằng nền kinh tế toàn cầu vốn đang “ốm yếu” sẽ không đủ khả năng để lôi hai nước này ra khỏi cuộc tranh chấp lãnh hải.
Bà Lagarde đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ngay khi Bắc Kinh và Tôkyô đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền của họ xung quanh quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Ngoài việc đăng tải các bài viết tuyên truyền về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên các báo trong nước, Trung Quốc và Nhật Bản còn cho đăng tải các bài viết tuyên truyền về vấn đề này trên các báo của Mỹ và Pakixtan.
Các mối quan hệ tài chính giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục trải qua sóng gió do tranh chấp lãnh hải giữa hai nước, khi các ngân hàng lớn của Trung Quốc, bao gồm nhóm “Tứ Đại gia” ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, quyết định không tham dự các cuộc họp cấp cao của IMF và WB trong tuần tới, mặc dù họ đã đăng ký danh sách những đại diện tham dự những sự kiện này.
Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng nhận định, việc các ngân hàng Trung Quốc rút khỏi một loạt cuộc họp của IMF và WB ở Nhật Bản cho thấy rằng tranh chấp lãnh hải giữa hai cường quốc kinh tế châu Á này đã gây thiệt hại cho các mối quan hệ tài chính quốc tế. Ba ngân hàng trong nhóm “Tứ Đại gia” gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, cũng đã rút khỏi Sibos, một hội nghị quốc tế quan trọng về thông tin liên ngân hàng dự kiến được tổ chức tại Osaka (Nhật Bản) trong tháng này.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng, các ngân hàng Trung Quốc không nên có hành động rút lui vào một thời điểm tồi tệ như hiện nay, khi mà giới lãnh đạo toàn cầu đang phải chật vật kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và thúc đẩy sự tăng trưởng vốn đang trong tình trạng trầy trật trên thế giới. Trong khi đó, những sự kiện như các cuộc họp sắp tới của IMF và WB giúp cho các học giả, chuyên gia nghiên cứu, thống đốc các ngân hàng trung ương, các bộ trưởng tài chính và Giám đốc điều hành cấp cao của các ngân hàng... có được một cơ hội hiếm hoi để chia sẻ những ý tưởng và những dự thảo kế hoạch nhằm giải quyết những vấn đề mang tính hệ thống.
Giáo sư kinh tế Tôn Lập Kiện thuộc Đại học Phúc Đán cho rằng "các vấn đề của châu Âu cần phải được giải quyết thông qua sự hợp tác toàn cầu”. Do vậy, việc các ngân hàng Trung Quốc rút khỏi các cuộc họp “có thể làm tổn thương sự hợp tác.” Hơn nữa, theo chuyên gia Tôn Lập Kiện, các ngân hàng Trung Quốc có thể bỏ qua một cơ hội để thúc đẩy vai trò của châu Á như một chiếc động cơ của kinh tế toàn cầu và thúc đẩy các cuộc cải tổ những tổ chức tài chính quốc tế, điều mà Trung Quốc đã tìm kiếm từ lâu.
Nhóm “Tứ Đại gia,” bao gồm cả Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, cách đây vài tháng đã đăng ký tham dự các hội nghị cấp cao của IMF và WB, dự kiến bắt đầu diễn ra vào ngày 9/10 tới ở Tôkyô. Theo một số nguồn tin nắm rõ vấn đề, một số giám đốc ngân hàng giấu tên tiết lộ rằng các ngân hàng Trung Quốc rút khỏi các cuộc họp là do những tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Những nguồn tin này cũng khẳng định, một số ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc Đại lục cũng đã hủy kế hoạch tham dự các cuộc họp này.