Tại Mỹ, giới hoạch định chính sách phụ trách khu vực Trung Đông hay nhắc đến cụm từ "trật tự mới ở khu vực". Bề ngoài, cụm từ này đề cập đến những thực tế định hình nên khu vực thời kỳ hậu Iraq và mùa xuân Arập, nhưng bên trong nó phản ánh quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc đối phó với những thách thức mới.
Mỹ hầu như phải chấp nhận thực tế bất ổn ở Syria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thực tế, chiến lược theo đuổi một trật tự mới ở Trung Đông của Mỹ có thể được hiểu thông qua cách Washington thực hiện giải pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của Iran, công khai thừa nhận rằng cuộc chiến tại Syria sẽ kéo dài và quyết tâm duy trì quan hệ với các đồng minh truyền thống, bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan.
Điều đáng chú ý nhất trong thừa nhận của Washington về một trật tự khu vực mới là cách thức chính quyền Mỹ nhìn nhận vai trò của Iran cũng như các cuộc đàm phán quan trọng hướng tới một thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Tehran. Sự xoay trục chiến lược hướng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã góp phần thúc đẩy thực tế mới này diễn ra nhanh hơn. Hiện nay, Washington đang ưu tiên đạt được một giải pháp hòa bình với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran ngay trong mùa hè này, với triển vọng kéo dài thỏa thuận tạm thời hiện nay thêm 6 tháng nữa.
Ngoài việc điều chỉnh chính sách với Iran, Washington cũng có những động thái tương tự với Syria. "Cuộc chiến tiêu hao", theo cách các quan chức Mỹ gọi cuộc xung đột ở Syria, có khả năng sẽ kéo dài với những tác động to lớn đối với chính phủ Syria cũng như sự hiện diện của mạng lưới al - Qaeda và các xung đột giáo phái ở nước này. Chính vì vậy, Mỹ hầu như phải chấp nhận thực tế bất ổn ở Syria và cố gắng hết sức để kiềm chế và giảm thiểu những nguy cơ. Mục tiêu này đạt được chủ yếu thông qua việc thực hiện thỏa thuận về vũ khí hạt nhân, dự thảo một chiến lược chống khủng bố với các đồng minh khu vực và thúc đẩy một giải pháp chính trị.
Tuy nhiên, cho dù thực hiện cách tiếp cận hòa giải với Iran hay không can thiệp vào cuộc chiến tại Syria, chính quyền Obama cũng không muốn việc đạt được những mục tiêu này làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ bền vững với các đồng minh. Chuyến thăm gần đây của ông Obama tới Saudi Arabia cũng như việc tăng cường hợp tác quốc phòng và kinh tế với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã phản ánh một thực tế là cho dù Mỹ giảm dần sự hiện diện quân sự ở Trung Đông, những liên minh với các đồng minh khu vực vẫn là cốt lõi trong chiến lược của Mỹ.
Ai Cập là một ví dụ khác về việc Mỹ dường như muốn đi "đường vòng" và nhấn mạnh đến yếu tố ổn định trong quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ. Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Cairo và có rất ít bằng chứng cho thấy chính quyền Mỹ, bất chấp mối quan hệ nguội lạnh với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah al - Sisi, sẽ không hợp tác với Sisi nếu ông này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Trong khi đó, mặc dù Washington vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng không rõ vấn đề này có còn nằm trong danh mục ưu tiên của Tổng thống Obama nữa hay không.
Tóm lại, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran, duy trì các liên minh chính trong khu vực, kiểm soát cuộc chiến tại Syria, hay tránh can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột trong khu vực là những điểm chính định hình chính sách của Mỹ với Trung Đông hiện nay. Thành công hay thất bại của cách tiếp cận này sẽ là một phần chính trong di sản của Tổng thống Obama cũng như nỗ lực của ông trong việc xác định lại vai trò của Mỹ ở khu vực.
Khắc Hiếu (Theo mạng tin "Al Arabiya")