Trò chơi quyền lực của Nga tại Bắc Cực

Sáng 12/8/2000, một ngọn lửa đã bốc lên từ tàu ngầm Kursk của Nga – niềm kiêu hãnh của Hạm đội phương Bắc – khi đang tham gia một cuộc diễn tập dưới biển Barents.

Chiếc tàu ngầm này đã bị rung chuyển bởi một loạt các vụ nổ và bị chìm xuống dưới đáy biển. Hải quân Nga, với sự hợp tác của các thợ lặn Na Uy và Anh, cùng với những chiếc tàu ngầm mini, bắt đầu tiến hành các nỗ lực cứu hộ để cứu 23 thủy thủ, những người dường như đã sống sót sau vụ nổ đầu tiên và bị mắc kẹt trong một khoang kín nước. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã kết thúc sau 9 ngày, khi các thợ lặn cứu hộ cuối cùng có thể đột nhập vào thân tàu ngầm bị ngập nước hoàn toàn.

Tàu ngầm Kursk của Nga. Ảnh: ramenir.com


Tin tức về vụ chìm tàu đã khiến phản ứng của công chúng đối với chính phủ Nga tăng lên mạnh mẽ và đặc biệt là chống lại Tổng thống Putin, người mới chỉ đảm nhiệm cương vị này được 8 tháng. Ông Putin đã bị chỉ trích vì "cách tiếp cận hời hợt" của mình trước thảm họa. Trong khi thảm kịch tàu ngầm Kursk diễn ra ở vùng Biển Bắc, Tổng thống Nga, dù đã được thông báo ngay lập tức, đã đợi 5 ngày trước khi ngắt quãng kỳ nghỉ tại nhà nghỉ của tổng thống ở Sochi trên bờ Biển Đen và lên tiếng về vụ việc gây mất mặt Hạm đội Biển Bắc này. Một năm sau ông đã nói: "Tôi có lẽ đã phải quay lại Moskva sớm hơn, nhưng không điều gì khác sẽ xảy ra. Ở Sochi và Moskva tôi đều nhận được lượng thông tin như nhau, nhưng từ một quan điểm khác tôi đáng ra đã phải thể hiện sự nóng ruột để quay trở về".

Thảm họa Kursk được cho là biểu tượng về sự suy giảm của quân đội Nga kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, từ một trong 2 siêu cường của thế giới trở thành "một quốc gia tầm trung có nhiều tên lửa". Sự kiện tàu ngầm Kursk, cùng với những thách thức đang diễn ra trong cuộc chiến Chechnya, là một động lực quan trọng để chính phủ Nga chống lại nguy cơ "tan rã" của quân đội. Tuy nhiên, việc cải cách và tái vũ trang của hải quân Nga một cách nghiêm túc phải đợi đến năm 2007 khi doanh thu từ dầu mỏ tăng lên và Moskva có khả năng tài chính để phát triển lực lượng vũ trang.

Là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự này, Nga đã bắt tay vào việc mở rộng quân sự quy mô lớn ở Bắc Cực trong nhiều năm qua, bao gồm cả việc mở rộng hạm đội miền Bắc, mở lại hoặc xây dựng mới các căn cứ hải quân và không quân, thành lập 2 Lữ đoàn Bắc Cực, tăng cường tuần tra tàu ngầm và tổ chức lại lực lượng để thành lập Bộ Tư lệnh Bắc Cực. Bên cạnh đó, Nga cũng tăng cường các chuyến bay tới gần hoặc thậm chí “đi lạc” vào không phận của các nước láng giềng tại Bắc Cực.

Mặc dù nhiều nhà bình luận cáo buộc Nga chuẩn bị sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về quyền tài phán đang diễn ra với các nước láng giềng phía bắc (đặc biệt là Canada và Đan Mạch/Greenland), về các quyền đối với các nguồn tài nguyên dưới đáy biển Bắc Cực (bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mỗi quốc gia), nhưng việc tăng cường các hoạt động quân sự của Nga ở khu vực này có lẽ nhằm hai mục tiêu chính: tăng cường vị thế răn đe chiến lược của Moskva và cải thiện khả năng của mình để giám sát, bảo vệ và hoạt động tại Bắc Cực nơi Nga có chủ quyền.

Răn đe chiến lược


Một thời gian dài trước khi bóng ma của sự thay đổi khí hậu mang lại những lợi ích thương mại tới Bắc Cực, khu vực này là một chiến trường quân sự trung tâm, đặc biệt là đối với lực lượng răn đe hạt nhân. Vì khoảng cách ngắn nhất giữa Liên Xô và Hoa Kỳ là ở cực bắc, tên lửa đạn đạo của Liên Xô đã tập trung ở phía bắc, nơi chúng vẫn còn được triển khai ngày hôm nay. Đáng chú ý, bán đảo Kola vẫn có 6 căn cứ tên lửa của Nga, cũng như là ngôi nhà cho Hạm đội Biển Bắc của Nga.

Hạm đội Phương Bắc có trách nhiệm bảo vệ bờ biển Bắc Cực của Nga, nhưng nhiệm vụ chính của nó là phòng thủ chiến lược, bởi vì Hạm đội phương Bắc là đơn vị duy nhất của hải quân Nga có khả năng tiếp cận các vùng biển mở một cách dễ dàng (những hạm đội khác của Nga nếu muốn tiếp cận các vùng biển mở sẽ buộc phải vượt qua những khu vực gần các nước NATO tại điểm nút thắt hoặc có thể bị Nhật Bản theo dõi dễ dàng). Bắc Cực cũng là một địa điểm tuyệt vời để các tàu ngầm tránh bị phát hiện và thuận lợi cho việc khai hỏa do lớp băng bao phủ và nước cạn.

Tất cả điều này nói lên rằng Bắc Băng Dương là một vị trí chiến lược quan trọng đối với Nga. Xu hướng phát triển quân sự trên khắp miền bắc nước Nga nên được hiểu như là một nỗ lực để củng cố lực lượng chiến lược của Moskva, bằng cách cải thiện khả năng phòng thủ hoặc cho thấy khả năng răn đe đáng tin cậy (chẳng hạn như các máy bay ném bom của Nga ngày càng tăng các chuyến bay ở Bắc Cực, đặc biệt là đối với khu vực Bắc Mỹ). Ở một mức độ nào đó sự gia tăng căng thẳng ở Bắc Cực chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp về địa lý - sự tăng cường lực lượng quân sự được thúc đẩy bởi logic địa lý vốn được phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh - và bị chi phối bởi những căng thẳng giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine.

Tăng cường năng lực

Đồng thời, Nga cũng đang phát triển nhiều khả năng ở Bắc Cực vì mục đích hòa bình nói chung. Bắc Cực là một môi trường hoạt động vô cùng nguy hiểm, và Nga - giống như tất cả các quốc gia Bắc Cực - dựa vào các lực lượng quân sự để thực hiện các hoạt động phi quân sự khác, bởi vì các lực lượng vũ trang có tổ chức và được huấn luyện để xử lý những rủi ro này. Tuyến bờ biển phía Bắc kéo dài 4.800 km dọc theo bờ biển Siberia giữa Barents và Bering, nơi thiếu các trung tâm dân cư, cơ sở hạ tầng. Cùng với việc tăng cường lực lượng quân sự, Nga đang gia tăng sự hiện diện để bảo vệ bờ biển của mình trong khu vực.

Nâng cao nhận thức và năng lực điều hành chắc chắn có tác động đến vấn đề an ninh, mặc dù chủ yếu là phòng thủ. Nhưng tăng cường các khả năng cũng rất quan trọng nhằm ngăn ngừa các hoạt động tội phạm (chẳng hạn như cướp biển). Nhưng quan trọng hơn, sự hiện diện quân đội ở Bắc cực là cần thiết để cung cấp khả năng tìm kiếm và cứu hộ vì sự phát triển của giao thông vận tải trên các tuyến đường biển Bắc còn hạn chế và nguy cơ các tàu du lịch bị mắc kẹt là rất cao.

Việc tăng cường lực lượng quân sự của Nga ở Bắc Cực trong những năm gần đây đã gây ra nhiều mối lo ngại ở phương Tây, nhưng hành động này thực chất không phải là một mối đe dọa đối với NATO, đặc biệt là Mỹ. Nga có quyền giám sát và bảo vệ lãnh thổ của mình, ngăn ngừa tội phạm và cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết.

Công Thuận
Mỹ thừa nhận thua Nga ở Bắc Cực
Mỹ thừa nhận thua Nga ở Bắc Cực

Các thủy thủ Mỹ mới đây thừa nhận Mỹ không thể cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực và đã lùi bước trong tuyệt vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN