Hai thập kỷ trước, Ấn Độ với lực lượng hải quân hùng hậu đã cai trị Ấn Độ Dương, trở thành quốc gia châu Á đầu tiên có cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Nhưng giờ đây, New Delhi đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất ở vùng biển đầy sóng gió này. Từng bước, Ấn Độ đang bị bao vậy bởi những đối thủ của mình - Trung Quốc và Pakistan. Ảnh: Indiandefence. |
Hải quân Ấn Độ đang bị suy yếu do hạm đội tàu chiến đã lỗi thời của mình và các tàu chiến chiến lược ở phía tiền duyên lại hay gặp những vụ tai nạn kiểu như vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak lớp Kilo ngày 14/8 vừa qua.
Chiếc tàu ngầm bị nổ này đã cùng với lực lượng hải quân Ấn Độ đánh bại Pakistan trong cuộc chiến 1 ngày trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương, cho dù lúc đó, phía Pakistan có sự ủng hộ của Mỹ và Washington đã điều tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 đến vịnh Bengal.
Phát biểu tại cuộc họp các tư lệnh 3 quân chủng hải lục không quân Ấn Độ mới đây tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cấp năng lực của các lực lượng vũ trang. Thủ tướng Singh nêu rõ tình hình tại các “láng giềng liền kề” và tình trạng bất ổn định, do sự chuyển đổi cán cân kinh tế - quân sự trong khu vực, đang đặt ra nhiều thách thức cho Ấn Độ. Nhà lãnh đạo này khẳng định cần có những cải tiến gấp rút trong việc thiết lập các cấu trúc hợp lý cho công tác quản lý quốc phòng và tạo sự cân bằng dân sự - quân sự thích hợp trong khi đưa ra quyết định trước những đòi hỏi an ninh phức tạp.
Nhưng, kể từ khi nổ ra sự tranh cãi trong việc mua sắm thêm tàu ngầm HDW, sức mạnh Hải quân Ấn Độ đã bị “tổn thương” do sự do dự của giới lãnh đạo chính trị khiến nguy cơ "lão hóa" của các hạm đội tàu chiến và tàu ngầm của Ấn Độ tăng cao. Kết quả là Hải quân Ấn Độ chỉ như là một lực lượng dự bị với 20 chiến hạm chủ yếu, như 2 tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Viraat, một số tàu khu trục, trong khi hạm đội tàu ngầm đã giảm xuống chỉ còn 13 chiếc. Trong khi đó, kế hoạch mua 24 tàu ngầm để thay thế cho hạm đội tàu ngầm đang lão hóa của Hải quân Ấn Độ dự kiến đến năm 2030 đã bị trì hoãn gần môt thập kỷ.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã áp sát và tiến sâu vào khu vực Ấn Độ Dương, cạnh tranh trực tiếp với New Delhi để thống trị trong khu vực. Kể từ năm 2008, tàu chiến của Trung Quốc thường xuyên qua lại vùng biển này với lý do tham gia các chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden. Sau đó, truyền thông Trung Quốc loan tin rằng chiếc tàu ngầm của Ấn Độ trong quá trình theo dõi đã buộc phải trồi lên khỏi mặt nước do sự đe dọa của ngư lôi tàu chiến Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ sau đó đã phủ nhận vụ việc trên, nhưng rõ ràng là: Cuộc chơi ở Ấn Độ Dương đã đi quá nửa chặng đường, trong khi New Delhi khẳng định rằng khu vực Ấn Độ Dương thuộc trách nhiệm của mình, nhưng Bắc Kinh đang thách thức điều đó.
"Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc đã dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng về năng lượng và nguyên vật liệu vận chuyển bằng đường biển. Như vậy, trong khi Hải quân Trung Quốc thực hiện các bước thâm nhập vào Ấn Độ Dương, Hải quân Ấn Độ đã cam kết hiện diện tại biển Đông", cựu Đô đốc Hải quân Ấn Độ Arun Prakash nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ấn Độ đã chậm chân hơn so với Trung Quốc trong việc hiện diện tại các khu vực như biển Đông, Vùng Vịnh, châu Phi. Ngay cả ở khu vực Ấn Độ Dương, nếu có một cuộc đối đầu trên biển tại đây, Hải quân Ấn Độ sẽ phải đối mặt với sức mạnh tổng hợp của cả lực lượng hải quân Trung Quốc và Pakistan. Trong một kịch bản như vậy, Hải quân Ấn Độ có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng do những yếu kém nội tại trong hạm đội tàu chiến của mình.
CT (Theo Indiandefence)