Giáo sư Lưu Anh (trái) của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. |
Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn như sau:
Thực trạng quan hệ kinh tế thương mại Trung – Mỹ Hợp tác kinh tế thương mại là kết quả của việc bổ sung ưu thế lẫn nhau. Sự phát triển, kết cấu nền kinh tế và ưu đãi về tài nguyên giữa hai nước có khác biệt, do đó trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước đều có lợi thế so sánh riêng, hình thành nên quan hệ bổ sung cho nhau, tạo động lực cho việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương dựa trên nền tảng hợp tác cùng có lợi.
Trung Quốc sở hữu ngành chế tạo, chuỗi cung ứng và nguồn lao động giá thành thấp, tố chất tốt có quy mô lớn nhất thế giới, nền tảng hạ tầng có lợi thế phát triển sau. Trong khi đó, Mỹ có sức mạnh khoa học công nghệ đứng đầu thế giới, giá thành một số đầu vào sản xuất tương đối thấp, ngành dịch vụ phát triển mạnh. Do vậy, việc hai nước triển khai hợp tác là kết quả tất yếu của việc phân công ngành nghề quốc tế, bổ sung ưu thế tài nguyên trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế.
Hai nước thông qua hợp tác kinh tế thương mại để thực hiện bổ sung ưu thế cho nhau, qua đó thu được lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước không những đạt lợi ích trực tiếp từ thương mại và đầu tư hai chiều, mà còn thu được lợi ích gián tiếp trong các lĩnh vực kinh tế, tạo việc làm.
Mỹ đạt được nhiều lợi ích to lớn từ hợp tác kinh tế thương mại Trung – Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất ngoài khu vực Bắc Mỹ của Mỹ, đồng thời cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất của Mỹ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đem lại lợi ích thiết thực cho các bang của Mỹ. Xét về hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ đã nắm được các khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế sản phẩm, chế tạo linh, phụ kiện lõi, vận chuyển và marketing, qua đó thu về lợi nhuận khổng lồ.
Ngành thương mại dịch vụ của Mỹ lâu nay duy trì xuất siêu. Nhiều năm qua, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Mỹ đã đóng góp cho việc thu thuế, tạo công ăn việc làm… tại các địa phương của nước này. Các nhà đầu tư Mỹ có quyền lợi lớn tại thị trường tài chính của Trung Quốc, đồng thời tiến hành đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp Trung Quốc, thông qua việc gia tăng số lượng cổ phần, chia cổ tức để đạt được lợi ích to lớn.
Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc một lượng lớn hàng hóa giá rẻ, không những có lợi cho việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát, mà còn nâng cao sức mua thực tế của tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình tại Mỹ. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Trung Quốc đã tiếp nhận nhiều sự chuyển dịch ngành nghề quốc tế, tạo điều kiện cho Mỹ có thể phát huy hết mức ưu thế về nguồn vốn, công nghệ và sự sáng tạo, tập trung sức mạnh để phát triển công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, chế tạo trang bị, công nghệ sinh học…, thúc đẩy cơ cấu ngành nghề phát triển theo hướng gia tăng giá trị phụ trợ và hàm lượng công nghệ cao.Trung Quốc cũng thu được lợi ích to lớn từ hợp tác kinh tế thương mại với Mỹ.
Hiện nay, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng yếu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc, là thị trường quan trọng của nhiều sản phẩm của Trung Quốc. Thị trường tài chính Mỹ không những tạo không gian cho doanh nghiệp Trung Quốc huy động vốn, thực hiện nghiệp vụ thu mua mà còn có lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc nâng cao danh tiếng, thúc đẩy cải cách nội bộ cũng như nâng cao trình độ quản lý.
Hợp tác kinh tế thương mại Trung – Mỹ thúc đẩy sự tiến bộ về công nghệ, tối ưu hóa cơ cấu ngành nghề cho Trung Quốc, thúc đẩy sự chuyển đổi nâng cấp của kết cấu kinh tế Trung Quốc. Công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ thông tin của Mỹ thúc đẩy sự phát triển các ngành hữu quan của Trung Quốc. Doanh nghiệp chế tạo của Mỹ đầu tư tại Trung Quốc cũng giúp nâng cao trình độ công nghệ cho ngành chế tạo Trung Quốc.
Doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Trung Quốc giúp Trung Quốc cải thiện cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh. Thương mại song phương tạo nhiều cơ hội việc làm cho phía Trung Quốc, mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc. Sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ giúp tiết kiệm tài nguyên đất đai của Trung Quốc, gia tăng sự lựa chọn cho thị trường và người tiêu dùng Trung Quốc.
Thực chất của việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại Trung QuốcNhìn vẻ bề ngoài, thặng dư thương mại dài hạn của Trung Quốc đối với Mỹ là nguyên nhân chủ yếu của cuộc điều tra theo Điều khoản 301 trong Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ. Do còn thiếu kinh nghiệm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump thường tỏ ra nôn nóng và hấp tấp.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump từng tuyên bố cần phải chấn hưng ngành công nghiệp sản xuất của nước Mỹ, đồng thời giải quyết vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng ở Mỹ và cải thiện mức thu nhập của tầng lớp trung lưu.
Ba chính sách kinh tế cốt lõi của Donald Trump gồm có chính sách sản xuất với việc lấy thúc đẩy việc làm làm nòng cốt, chính sách tài chính ngân hàng với việc dựa vào chấn hưng kinh tế làm cốt lõi và chính sách mậu dịch với việc lấy bảo hộ thị trường trong nước, mở rộng hoạt động xuất khẩu làm trọng tâm. Do đó, cho dù là thúc đẩy ngành chế tạo hồi phục, cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp trong nước, hoặc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và muốn phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thì mục đích căn bản của Mỹ đều là nhằm tuyên truyền những khát vọng chính trị của nước này, và thông qua các biện pháp đó để chấn hưng nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, do tình hình hiện tại ở Đông Á bất ổn vì vấn đề CHDCND Triều Tiên; Trung Quốc chủ động đưa ra Sáng kiến "Vành đai và con đường" để tìm kiếm con đường chấn hưng dân tộc theo hướng Tây. Những điều này nhiều khả năng sẽ bị Mỹ coi là “cái gai trong mắt”. Do đó, tôi cho rằng động thái này của Mỹ không loại trừ mục đích là nhằm gia tăng áp lực đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, biện pháp này của Mỹ sẽ tạo ra tác dụng ngược.Ngoài ra, trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán 6 bên, đồng thời nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình và không muốn sử dụng biện pháp khác. Cho dù Mỹ có bất cứ mục đích gì, thì chắc chắn bảo hộ thương mại sẽ chỉ khiến quan hệ Trung - Mỹ ngày càng xa cách.
Tác động của việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại Trung QuốcTác động đối với doanh nghiệp Trung Quốc Trong giai đoạn tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu ra cần phải thực hiện chính sách bảo hộ thương mại chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc, tuyên bố sẽ coi Trung Quốc là “nước thao túng tỉ giá hối đoái”, áp dụng nhiều biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với Trung Quốc, đồng thời tăng 45% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Nếu Mỹ thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, thì mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% GDP của Bắc Kinh, song lại gây ra rất nhiều tác động đối với ngoại thương và kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó cũng sẽ tác động đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ lớn hơn bởi Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất đối với hơn 200 loại sản phẩm, hàng hóa cơ bản là giá rẻ mà chất lượng đảm bảo.
Trong khi đó, tác động từ các biện pháp bảo hộ trên với Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, bởi kinh tế Trung Quốc đã phát triển thành phương thức tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thêm vào đó, cùng với việc phương thức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chuyển từ phụ thuộc xuất khẩu và đầu tư sang dịch vụ và tiêu dùng, thì tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại đang dần suy giảm.
Các ngành nghề có lượng xuất khẩu lớn, hai bên đều sở hữu trong thương mại Trung – Mỹ bị tác động mạnh nhất. Các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Mỹ là sản phẩm cơ điện, quần áo, đồ chơi. Mặc khác, sự chấn hưng ngành chế tạo của Mỹ đồng nghĩa với việc nước này sẽ đẩy mạnh cạnh tranh trong ngành chế tạo có công nghệ cao.
Quan hệ kinh tế Trung – Mỹ đang chuyển dần từ tính bổ sung ưu thế cho nhau sang tính cạnh tranh. Đặc biệt là trong bối cảnh ưu thế giá thành rẻ của ngành chế tạo Trung Quốc tại Mỹ dần bị mất đi thì việc Mỹ đưa ra kế hoạch thu thuế nhằm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc sẽ tạo ra áp lực lớn cho ngành chế tạo của Trung Quốc.
Bất kể cuối cùng Mỹ áp dụng biện pháp “cứu cánh” thương mại như thế nào, về cơ bản tình trạng thâm hụt thương mại của nền kinh tế Mỹ sẽ khó mà giải quyết được. Sự mất cân bằng thương mại Trung- Mỹ là do phân công trong chuỗi giá trị toàn cầu và sự khác biệt về cơ cấu ngành nghề giữa hai nước quyết định. Giá thành nhân công tại Mỹ đắt hơn so với Trung Quốc, do vậy không có ưu thế so sánh trong lĩnh vực chế tạo sản phẩm công nghiệp.
Biện pháp trừng phạt thương mại đơn phương của Mỹ sẽ không đạt được kết quả trong việc chống lại xu thế toàn cầu hóa, mà chỉ mang lại sự bất mãn cho Trung Quốc và làm xấu đi quan hệ song phương.
Tác động đối với quan hệ song phươngTheo tôi, quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ thời gian gần đây "lúc nóng, lúc lạnh". Tháng 3/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành một thông cáo quyết định khởi động điều tra chống bán phá giá đối với hoạt động nhập khẩu nhôm lá từ Trung Quốc.
Vào đầu tháng 5/2017, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại của Trung Quốc đã dỡ bỏ nhập khẩu thịt bò Mỹ. Ngay sau đó, một số công ty và doanh nghiệp đã liên tục thông báo về việc nhập thịt bò Mỹ, trong đó gồm cả nền tảng kinh doanh trực tuyến lẫn các nhà bán lẻ ngoại tuyến.
Tới trung tuần tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo công khai về việc điều tra chống bán phá giá cũng như điều tra chống trợ giá đối với hoạt động nhập khẩu ống thép carbon và thép hợp kim nguội có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tháng 7/2017, vòng đối thoại kinh tế toàn diện Trung - Mỹ lần thứ nhất đã nhất trí triển khai kế hoạch hợp tác kinh tế song phương kéo dài một năm, trong đó lần đầu tiên Trung Quốc được phép nhập khẩu gạo từ Mỹ.
Tháng 8/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ của cuộc điều tra chống trợ giá đối với các sản phẩm nhôm lá của Trung Quốc, đồng thời quyết định áp thuế đối với sản phẩm này từ mức 16,56% -80,97%.
Mối quan hệ lúc nóng, lúc lạnh sẽ chỉ gây ra sự nghi ngờ giữa Trung Quốc và Mỹ, và cũng sẽ chỉ khiến doanh nghiệp hai bên ngày càng mất đi lòng tin khi đến đầu tư. Nếu không có mối quan hệ chính trị ổn định, thì rất khó có được tương lai ổn định. Các vấn đề thương mại quốc tế không thể chỉ phục tùng yêu sách của từng quốc gia, vì vậy, chẳng có quốc gia nào có thể ép buộc Trung Quốc hành xử trên thị trường thương mại nội địa như ở nước khác.
Có thể thấy rằng, "Điều khoản 301" là một điều khoản cũ của Mỹ vốn không thể giải quyết vấn đề thương mại trong tình hình quốc tế mới. Cho dù cuối cùng Mỹ có áp dụng các biện pháp "cứu cánh" thương mại như thế nào đi chăng nữa, thì tình trạng thâm hụt thương mại trong toàn bộ nền kinh tế của nước này vẫn không thể được giải quyết. Sự mất cân bằng thương mại Trung - Mỹ là bắt nguồn từ sự phân công chuỗi giá trị toàn cầu và sự khác biệt trong cấu trúc sản xuất giữa hai nước. Giá thành lao động của Mỹ so với Trung Quốc mà nói thì đắt hơn nhiều, vì vậy không có ưu thế so sánh trong ngành sản xuất các sản phẩm công nghiệp.
Việc Mỹ đơn phương trừng phạt thương mại là do không thể cưỡng lại thành quả được sản sinh từ quá trình toàn cầu hóa kinh tế, đồng thời khiến phía Trung Quốc không hài lòng, khiến quan hệ song phương Trung-Mỹ xấu đi.
Về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ
Trong cục diện giao lưu thương mại hai nước Trung - Mỹ ngày càng sâu sắc, có thể nói là “trong tôi có anh, trong anh có tôi” như hiện nay, để xảy ra chiến tranh thương mại sẽ chẳng có gì tốt đẹp, không có kẻ thắng, mà cả hai đều cùng thua. Hai nước Trung - Mỹ cần tìm kiếm các biện pháp giải quyết ổn thỏa dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi để duy trì quan hệ thương mại Trung - Mỹ tiếp tục đà phát triển ổn định, lành mạnh, đi lên.
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ sẽ chỉ làm cho hai bên đều bị thiệt hại, thậm chí còn càng không có lợi đối với Mỹ. Theo thống kê của phía Mỹ, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung lên tới 347 tỷ USD, chiếm 47% tỷ trọng nhập siêu của Mỹ. Trong khi đó, thống kê của Trung Quốc là 244,1 tỷ USD. Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, 26% máy bay Boeing, 56% đậu tương, 16% ô tô, 15% vi mạch tích hợp của Mỹ đều là xuất sang Trung Quốc.
Trong 10 năm trở lại đây, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng trung bình 11%/năm, gần gấp hai lần mức tăng trung bình xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.Từ tháng 1-7/2017, tổng kim ngạch thương mại Trung - Mỹ đạt 2.200 tỷ NDT, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 14,1% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc và chỉ thấp hơn kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Âu 1%.
Việc Mỹ vượt qua châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Để ngăn ngừa xảy ra chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, theo Giáo sư Lưu Anh, chính phủ Trung Quốc cần áp dụng những đối sách sau:
Thứ nhất, không dao động trước những kết quả điều tra thương mại của Mỹ, bởi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ không phải là sự thực mà mới chỉ là đồn đoán. Hai bên đã tranh cãi không ngớt về vấn đề điều tra sắt thép thời gian qua.
Xem xét từ số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, sắt thép đến từ Trung Quốc trong tháng 5/2017 là 73.000 tấn, chỉ chiếm 2,4% tổng lượng nhập khẩu gang thép của Mỹ trong tháng. Ngoài ra, Mỹ còn lấy chiến tranh tỷ giá ra để dọa dẫm, mà thực chất đây không phải là vấn đề quan trọng, dưới thời Tổng thống Barack Obama, cả Đức, Nhật, Đài Loan của Trung Quốc, đều bị Mỹ đưa vào danh sách những nước thao túng tiền tệ. Do đó, nhất quyết không được để những chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump làm cho dao động.
Thứ hai, thông qua đàm phán thúc đẩy nước Mỹ tăng cường mở cửa. Liên quan đến thâm hụt thương mại Trung – Mỹ trong thời gian dài và xảy ra ở phía Mỹ chứ không phải phía Trung Quốc. Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu hàng trăm tỷ USD các sản phẩm công nghệ cao, nhưng Mỹ chỉ cho Trung Quốc nhập vài chục tỷ USD. Do đó, nếu muốn giải quyết thâm hụt thương mại, thì nước Mỹ nên nới lỏng thêm một chút đối với việc cho phép Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao.
Trung Quốc đưa sang Mỹ là các sản phẩm ở phân khúc trung bình và thấp như hàng điện cơ, dệt may và đồ chơi..., nhưng nước Mỹ đối với những mặt hàng này lại tự đặt hạn chế đòi hỏi phải là những sản phẩm tham gia ở phân khúc cao trong chuỗi sản xuất. Mà căn cứ vào "Báo cáo đặc biệt về Điều khoản 301" của Mỹ năm 2017, thì Trung Quốc lần thứ 28 bị liệt vào "danh sách các quốc gia cần giám sát đặc biệt", trong đó cho rằng các lĩnh vực của Trung Quốc như chất bán dẫn, robot công nghiệp, thiết bị y tế, máy truyền dẫn thông minh, hàng không vũ trụ, thiết bị thông tin, vận tải đường sắt, xe ô tô điện, thiết bị nông nghiệp... đều sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền của Mỹ.
Thứ ba, ứng phó toàn diện. Liên quan đến việc thu hoạch sớm trong kế hoạch 100 ngày Trung - Mỹ, phía Trung Quốc đã dành cho Mỹ quá nhiều lợi thế mà nước Mỹ hàng chục năm nay đều mong muốn có được, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông sản, hỗ trợ xuyên biên giới... Cọ sát thương mại Trung - Mỹ, không phải là chuyện nước Mỹ nói muốn phát động cuộc chiến thương mại là phát động.
Trong thương mại Trung - Mỹ, Trung Quốc cần giữ vững trận địa, không để bị dao động, từ tài chính đến thương mại, từ kinh tế đến quân sự, phải ứng phó tốt, toàn diện, từ truyền thông đến tri thức, phải toàn diện phòng vệ.
Phương thức giải quyết cọ sát thương mại Trung – Mỹ hiện nay
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ tại Nhà Trắng, trong đó chỉ thị Đại diện Bộ Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát động cuộc điều tra đối với cái gọi là "hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc" nhằm bảo vệ bản quyền và kỹ thuật của nước Mỹ.
Cuộc điều tra sẽ được triển khai dựa trên căn cứ vào Điều khoản 301 trong Luật Thương mại của Mỹ, với trọng điểm là triển khai điều tra nhằm vào những nghi vấn trong việc Trung Quốc vi phạm bản quyền của Mỹ và ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Một loạt các biện pháp thương mại mà nước Mỹ áp dụng với Trung Quốc gần đây chỉ tạo ra kết quả hai bên đều bị thiệt hại, ảnh hưởng đến phát triển quan hệ Trung - Mỹ.
Hiện nay, để giải quyết vấn đề này, vẫn cần phải dựa vào các cuộc đàm phán song phương, dựa vào lý lẽ để tránh xảy ra chiến tranh thương mại. Trước đó, Điều khoản 301 của Mỹ đã từng nhằm vào Nhật. Năm 1989, Điều khoản 301 đã lần đầu tiên được áp dụng, Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ cho rằng trong các lĩnh vực như máy tính, vệ tinh, sản phẩm lâm nghiệp, nước Nhật đang đóng cửa thị trường, và đã triển khai đàm phán thương mại trong 18 tháng, cuối cùng đã buộc Nhật Bản phải mở cửa thị trường đối với những lĩnh vực nêu trên.
Lịch sử đã chứng minh rằng, điểm mấu chốt để giải quyết các điều khoản không công bằng do Mỹ khởi xướng, là cần căn cứ vào lý lẽ, chứ không phải là mù quáng thỏa hiệp, do đó cần nhanh chóng quy hoạch đường lối phát triển của Trung Quốc, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc với các nước khác để kiềm chế những hành vi thương mại không công bằng của Mỹ.