Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc gần đây đã trở thành mục tiêu chính của những người “yêu nước” Trung Quốc. Tháng 3 này, 80% số siêu thị Lotte đã buộc phải đóng cửa ở Trung Quốc vì bị tẩy chay.
Lĩnh vực du lịch của Hàn Quốc cũng bị Trung Quốc trừng phạt khi hàng loạt chuyến bay và du thuyền tới Trung Quốc bị hủy. Hàng nghìn du khách Trung Quốc bị chính phủ cấm tới du lịch Hàn Quốc.
Trừng phạt diễn ra khi thương mại giữa hai quốc gia đang bùng nổ với lượng xuất khẩu hàng Hàn Quốc tới Trung Quốc tăng 28,7% trong tháng 2 so với cùng tháng năm ngoái. Đây là tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất từ cuối năm 2010.
Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục những biện pháp trừng phạt như trên, Hàn Quốc có thể thiệt hại 14,76 tỷ USD, tương đương 1,07% GDP.
Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ có phía Hàn Quốc gánh chịu.
Số người Hàn Quốc ủng hộ Trung Quốc xuống thấp kỉ lục
Theo một khảo sát dư luận do Viện Nghiên cứu Chính sách Asan thực hiện mới đây, đánh giá mức độ người Hàn Quốc ủng hộ Trung Quốc trên thang điểm 0 đến 10 đã giảm từ 4,31 điểm trong tháng 1 xuống còn 3,21 điểm trong tháng 3.
Số điểm ủng hộ ít ỏi này đã khiến Trung Quốc tụt xuống dưới Nhật Bản, nước chỉ được người Hàn Quốc ủng hộ ở mức 3,33 điểm trong tháng 3.
THAAD khiến người Hàn Quốc ngày càng ghét Trung Quốc. |
Ngoài Triều Tiên, Nhật Bản là nước thường bị người Hàn Quốc ghét nhất do những sự kiện xảy ra trong quá khứ, ví dụ như việc 200.000 người Hàn Quốc từng bị lính Nhật Bản mang làm “phụ nữ mua vui” thời chiến.
Mỹ đang được mức điểm ủng hộ là 5,71. Còn Triều Tiên chỉ được 2,17 điểm. Hai quốc gia này luôn ổn định trong bảng xếp hạng trong năm qua.
Tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc giảm nhiều nhất đối với những người Hàn Quốc trên 60 tuổi. Trong khi đó, người Hàn Quốc độ tuổi 20 là những người vốn đã ghét Trung Quốc sẵn trước cả khi xảy ra các sự kiện liên quan tới THAAD.
Đối mặt nguy cơ đẩy Hàn Quốc vào vòng tay Mỹ
Không chỉ đối mặt với tâm lý bài Trung, Trung Quốc còn phải đối phó rủi ro đẩy Hàn Quốc đi sâu hơn vào quỹ đạo của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể đang đầu độc mối quan hệ quan trọng với Hàn Quốc vốn phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ thương mại, đầu tư bùng nổ, cùng chung tâm lý bất mãn với Nhật Bản và mục tiêu chung là xóa bỏ chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Ông Lee Jung-nam, giáo sư Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Hàn Quốc, nhận định: “Nếu áp lực kinh tế của Trung Quốc đi quá xa, nó sẽ chỉ làm tăng lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của người Hàn Quốc. Điều này cũng sẽ hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn trở thành lãnh đạo ở Đông Bắc Á, nước này không nên để lại ấn tượng xấu với láng giềng”.
Đòn trừng phạt Hàn Quốc của Trung Quốc có thể vừa không hiệu quả, vừa hạn chế
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn ý kiến của các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Hàn Quốc mà Trung Quốc áp đặt. Theo họ, trừng phạt không làm Hàn Quốc hủy bỏ triển khai THAAD mà chỉ khiến quan hệ hai nước thêm căng thẳng.
Thậm chí, như lời ông Richard Hu Weixing, trưởng khoa chính trị và hành chính công Đại học Hong Kong, Trung Quốc chỉ đang đẩy nhanh tốc độ triển khai THAAD của Hàn Quốc.
Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt kiểu tẩy chay, biểu tình cũng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trước đây, người tiêu dùng Trung Quốc từng tẩy chay chuỗi siêu thị Pháp Carrefour, tẩy chay ô tô Nhật, tẩy chay đồ ăn KFC rồi đâu lại vào đó.
Tuy nhiên, dường như người dân Trung Quốc đang tẩy chay những thứ dễ tẩy chay như hàng tiêu dùng hay các ngôi sao xứ Hàn.
Trong khi đó, hàng tiêu dùng chỉ chiếm chưa đầy 5% lượng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Còn lại, phần lớn là nguyên liệu thô và trang thiết bị cho ngành sản xuất mà Trung Quốc nhập từ Hàn Quốc và cũng là thứ không dễ tẩy chay dường như chưa bị động đến.
Theo ông Andrew Gilholm, giám đốc phân tích Trung Quốc và Bắc Á thuộc công ty tư vấn Control Risks, việc tẩy chay các công ty Hàn Quốc không thay đổi thực tế là Trung Quốc phụ thuộc Hàn Quốc một số lĩnh vực. Trung Quốc cần hợp tác công nghệ với các công ty Hàn Quốc để đạt được mục tiêu nâng cấp một số ngành.
Hàn Quốc là một nguồn xuất khẩu điện tử quan trọng tới Trung Quốc. Tại Trung Quốc, 1/4 số lượng mạch tích hợp (IC), một bộ phận quan trọng để sản xuất TV và điện thoại di động, có xuất xứ từ Hàn Quốc.
Xét về mọi mặt, dường như Trung Quốc cần xem lại biện pháp trừng phạt Hàn Quốc nếu không muốn gặp phản ứng dội ngược nghiêm trọng hơn.