Ngày 11/8, Trung Quốc đã quyết định giảm giá đồng NDT gần 2% so với đồng USD, lần giảm mạnh nhất kể từ năm 1994. Bắc Kinh cho rằng đây là động thái mang tính kỹ thuật, nhưng giới chuyên gia và thị trường cho rằng động tác này của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng và nhắm tới nhiều mục đích khác nữa.
Cơ chế tỷ giá của đồng NDT
Để hiểu những gì đã xảy ra, chúng ta phải hiểu cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng NDT. Trong khoảng thời gian từ năm 1994 và 2005, Trung Quốc đã áp dụng một tỷ giá cố định đối với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đảm bảo tỷ giá chính thức thông qua việc kiểm soát nghiêm ngặt thị trường ngoại hối. Khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm 2000 thì hệ thống này đã bộc lộ nhiều bất cập. Trung Quốc đã phải cởi mở hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc hy vọng đồng NDT là một ngoại tệ tham chiếu toàn cầu. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong năm 2005, Trung Quốc đã quyết định áp dụng “thả nổi có kiểm soát” đối với đồng NDT. Kể từ đó, đồng NDT có thể dao động trong một phạm vi “giới hạn” so với một “tỷ lệ cơ bản” được xác định dựa trên một rổ tiền tệ chủ yếu. Chính sách này tạm dừng trong thời gian khủng hoảng từ năm 2008 đến 2010. Tuy nhiên, năm 2014, biên độ dao động được mở rộng từ 1% lên 2% hàng ngày.
Điều chỉnh kỹ thuật?
Tham vọng của Bắc Kinh là biến đồng NDT thành một đồng tiền quốc tế, dễ dàng chuyển đổi và là một phương tiện dự trữ. Đây là tham vọng rõ ràng không chỉ mang tính kinh tế mà còn là địa chính trị và nhằm làm giảm vai trò của đồng USD. Vì thế, Trung Quốc đã cam kết tự do hóa dần dần đối với đồng NDT. Quyết định điều chỉnh giá ngày 11/8 được giải thích như là một cách để thúc đẩy tiến trình này.
Thực tế, quyết định mới này liên quan đến tỷ giá giữa đồng NDT và USD, cho phép một mức giá “tùy thuộc vào cung cầu và biến động của các đồng tiền lớn”. Khi tỷ giá định hướng có sự chênh lệch ngày càng lớn so với giá thị trường do sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, PBoC quyết định giảm giá đồng NDT nhằm cho phép hệ thống mới hoạt động tốt. Đây là một biện pháp “đặc biệt” nhằm thúc đẩy một bước tiến mới hướng tới sự dịch chuyển theo định hướng của thị trường đối với đồng NDT.
Tham gia giỏ SDR của IMF
Trung Quốc có thể hy vọng rằng tiến trình này tạo thuận lợi cho đồng NDT tham gia câu lạc bộ “rất độc quyền” của các đồng tiền làm thành “đồng tiền” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Điều này giúp đồng NDT là một ngoại tệ tham chiếu toàn cầu.
Đến nay, tỷ giá của SDR được xác định bởi bốn đồng tiền: euro, USD, bảng Anh và yen Nhật. IMF đã hứa sẽ xem xét lại giỏ SDR vào tháng 9/2016. Một đồng tiền muốn gia nhập "câu lạc bộ độc quyền" này cần phải có một vị trí quan trọng trong các giao dịch quốc tế và được "tự do sử dụng".
Suy thoái kinh tế
Thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng ảm đạm với chiều hướng rõ ràng là đi xuống. Dù các con số chính thức vẫn đang là mơ ước đối với thế giới khi tỷ lệ tăng trưởng ở mức 7%, nhưng ngày càng nhiều người đánh giá thấp con số tăng trưởng của nước này. Mặt khác, xuất khẩu đang là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại. Số liệu do Trung Quốc công bố cho thấy hoạt động xuất khẩu tháng 7 giảm 8,3% so với năm trước và thấp hơn 1,5% so với dự kiến của giới phân tích.
Tại một quốc gia vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu thì con số này còn tệ hơn. Đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn còn bị suy giảm đáng kể về tín dụng. Thêm vào đó là tình trạng hỗn loạn của thị trường chứng khoán khiến sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải bay mất hơn 30% giá trị trong vòng ba tháng.
(Còn tiếp)