Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ về kinh tế

Sau khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010, nhiều người đã dự báo nước này sẽ sớm giành vị trí số 1 của Mỹ. Khi đó, phần lớn các nhà kinh tế dự báo sự đổi ngôi sẽ chỉ diễn ra vào năm 2019. Tuy nhiên, có vẻ như sự đổi ngôi đã diễn ra sớm hơn so với dự báo. Hôm 8/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác nhận Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mặc dù vậy, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về thông tin đó bởi vì, IMF đã sử dụng một phương pháp vẫn còn tranh cãi để so sánh quy mô của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Những tranh cãi về vị trí số 1

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hôm 8/10, IMF cho biết nếu tính theo PPP, năm 2014, GDP của Trung Quốc đạt mức 17.600 tỷ USD, chiếm 16,48% tổng GDP của toàn thế giới và cao hơn 200 tỷ USD so với GDP của Mỹ. IMF cũng dự báo năm 2015, khoảng cách giữa hai nền kinh tế sẽ gia tăng lên gần 1.000 tỷ USD khi GDP của Trung Quốc tăng lên 19.230 tỷ USD, trong khi GDP của Mỹ chỉ đạt 18.286 tỷ USD.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc Trung Quốc vượt Mỹ về kinh tế.

Hiện tại, để so sánh GDP của các quốc gia khác nhau, người ta có thể chuyển đổi giá trị của chúng (tính theo nội tệ) sang một đồng tiền nhất định (thường là USD) bằng một trong hai phương pháp: theo tỷ giá hối đoái hiện hành hoặc theo sức mua tương đương (PPP). Thứ bậc của các quốc gia trong bảng xếp hạng quy mô nền kinh tế có thể khác nhau nếu sử dụng phương pháp khác nhau.

Mặc dù theo PPP, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng nếu tính theo tỷ giá hối đoái hiện hành, vị trí này vẫn thuộc về Mỹ. Theo WB, năm 2013, GDP của Mỹ đạt 16.800 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với GDP của Trung Quốc (9.240 tỷ USD).

Có thể thấy, sự khác biệt giữa hai phương pháp là quá lớn. Vì vậy, nhiều người hoài nghi về sự chính xác của các phương pháp này. Giáo sư Jeffrey Frankel của Đại học Harvard, khẳng định các báo cáo cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khiến nhiều người hiểu sai bởi vì, việc sử dụng PPP để so sánh GDP của các quốc gia chỉ chính xác nếu bạn muốn đo lường mức sống của người dân. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu sử dụng phương pháp này để đo lường sức mạnh của một quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, chuyên gia Marcos Troyjo thuộc Đại học Columbia ở New York, cho rằng điều mà người ta có thể rút ra từ báo cáo mới nhất của IMF đó là toàn thể người dân Trung Quốc có thể mua nhiều hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc nhiều hơn toàn thể người dân Mỹ có thể mua được ở Mỹ. Còn trên thực tế, GDP đầu người của Mỹ vẫn cao hơn rất nhiều so với GDP đầu người của Trung Quốc cho dù sử dụng cách tính nào chăng nữa.

Khi sử dụng PPP để so sánh GDP của Trung Quốc và Mỹ, IMF giải thích rằng các tỷ giá hối đoái hiện hành thường có xu hướng biến động và dẫn tới những biến động lớn (về GDP) trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, PPP là phương pháp đáng tin cậy hơn và ổn định hơn theo thời gian. Tuy nhiên, IMF thừa nhận “khó sử dụng PPP để đo (quy mô của các nền kinh tế) hơn tỷ giá hối đoái hiện hành”.

Trong bối cảnh đó, phần lớn các nhà phân tích đều nhất trí rằng việc Trung Quốc chiếm vị trí số 1 của Mỹ trên bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên tiêu chí GDP tính theo PPP chỉ mang tính biểu tượng. Ý nghĩa thực sự của sự kiện này chỉ là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng và Trung Quốc là đối thủ lớn nhất đang đe dọa vị trí thống trị của Mỹ về kinh tế.

Ông Di Dongsheng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đối ngoại thuộc Đại học Renmin Trung Quốc, nhấn mạnh cho dù sử dụng phương pháp nào, GDP chỉ thể hiện sự gia tăng về quy mô của nền kinh tế, chứ không thể hiện sự thịnh vượng thực sự của một quốc gia. Ông nói: “Từ các số liệu GDP, chúng ta có thể thấy hoạt động kinh tế đã diễn ra như thế nào trong năm đó nhưng chỉ số này không cho thấy ai thực sự hưởng lợi từ hoạt động kinh tế đó”.

Vẫn còn nhiều thách thức


Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ hai chữ số suốt ba thập kỷ qua nhờ cải cách kinh tế và công nghiệp hóa. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của nền kinh tế này đã chậm lại những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, một số người đã lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ “hạ cánh cứng”.

Trong báo cáo tư vấn kinh tế cho Trung Quốc công bố cuối tháng 7, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2014 từ 7,5% xuống còn 7,4%. IMF cũng khuyến nghị Bắc Kinh cần đưa ra mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015 trong khoảng từ 6,5 đến 7% và hạn chế sử dụng các biện pháp kích thích nếu không, nền kinh tế nước này có nguy cơ giảm tốc mạnh so với mức độ hiện nay.

Báo cáo có đoạn: “Liên quan tới mục tiêu tăng trưởng cho năm 2015, phần lớn các giám đốc của IMF đồng tình rằng tốc độ tăng trưởng từ 6,5 đến 7% sẽ phù hợp với mục tiêu chuyển tiếp sang con đường tăng trưởng an toàn và bền vững hơn, trong khi số ít các giám đốc khác của IMF cho rằng mục tiêu tăng trưởng thấp hơn sẽ phù hợp hơn (với Trung Quốc)”.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế đều hoài nghi về khả năng Bắc Kinh sẽ giảm mục tiêu tăng trưởng xuống dưới 7% trong năm tới do lo ngại điều đó sẽ làm suy yếu sự ổn định tài chính và ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường. Zhu Baoliang, chuyên gia kinh tế trưởng của Trung tâm Thông tin Quốc gia – một tổ chức tư vấn hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc – dự báo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015 của Trung Quốc sẽ khoảng 7%.

“Chúng tôi không thể hạ thấp mục tiêu tăng trưởng thêm 1% trong năm tới bởi vì, điều đó có thể gây ra tác động lớn”, ông Zhu nói. “Chúng tôi cần đặt mục tiêu ở mức khoảng 7% trong năm tới và duy trì mục tiêu này trong một số năm sau đó”.

Năm 2014, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 7,5%. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, nền kinh tế này đã khởi đầu hết sức chậm chạp. Trong quý I/2014, Trung Quốc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 7,4%, thấp nhất trong 18 tháng qua. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra các biện pháp kích thích nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế.

Nếu đà tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục suy giảm, thời gian để Trung Quốc đuổi kịp Mỹ sẽ kéo dài. Và ngay cả khi “sự đổi ngôi” đó xảy ra, chắc chắn Trung Quốc chưa thể sánh với Mỹ về sức mạnh kinh tế.

Nhà nghiên cứu Mei Xinyu thuộc Viện Nghiên cứu Hợp tác Thương mại và Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, thừa nhận cho dù quy mô của nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ theo phương pháp tính nào đó, sự kiểm soát của Mỹ đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu vẫn không bị lay chuyển.

Thanh Tùng

WB: Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ năm nay
WB: Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ năm nay

Chương trình so sánh quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) công bố một báo cáo cập nhật, dự báo ngay trong năm 2014 này, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN