Năm 2011, Trung Quốc chọn Tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tại thời điểm đó làm trưởng phái đoàn quân sự tới tham dự Đối thoại Shangri-La - sự kiện an ninh quốc phòng được tổ chức thường niên quy tụ nhiều nước tham gia nhất tại khu vực châu Á. Sự xuất hiện của Bộ trưởng Lương Quang Liệt được hy vọng là sự khởi đầu cho một xu hướng mới về việc Trung Quốc cử các quan chức hàng đầu tới tham dự hội nghị này.
Tuy nhiên, hy vọng trên đã nhanh chóng bị dập tắt. Năm kế tiếp 2012, Bắc Kinh không hề chọn bất cứ nào quan chức thuộc Bộ Quốc phòng. Thay vào đó, phái đoàn Bắc Kinh dự đối thoại quốc phòng ở Shangri-La do Trung tướng Ren Haiqan, công tác tại Học viện Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA), dẫn đầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Robert Gates bên lề Đối thoại Shangri-La năm 2011. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
SLD, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh tổ chức, đã từ lâu thu hút các quan chức cấp bậc cao của nhiều nước, trong đó có rất nhiều bộ trưởng quốc phòng thường xuyên tham dự. Đối thoại thường niên khai mạc vào tối 2/6 năm nay sẽ đón bộ trưởng quốc phòng các nước như Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Philippines.
Trong khi đó, đại diện của phía Bắc Kinh một lần nữa lại là một nhân vật làm việc tại Học viện Khoa học Quân sự, nhưng chưa xác định chính xác là ai, có thể là Trung tướng He Lei, Phó Giám đốc Học viện. Sự trái ngược rõ ràng giữa cấp bậc của đại diện Trung Quốc với các quốc gia châu Á khác đã cần một vài lời giải thích. Vậy đâu lý do Trung Quốc cử đại diện không có vị trí quan trọng trong chính phủ dẫn đầu phái đoàn tới SLD?
Nhà phân tích Shannon Tiezzi của tạp chí The Diplomat đã viết: Từ năm 2013 – 2016, phái đoàn Trung Quốc đều do một quan chức cấp phó trong hệ thống cấp bậc của PLA dẫn đầu. Năm 2013 là Trung tướng Qi Jianguo, Phó tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu của PLA. Năm tiếp theo lại là một nhân vật cấp phó khác thuộc Ban tham mưu của PLA, Trung tướng Wang Guanzhong. Năm 2015 và 2015, Bắc Kinh cử Đô đốc Sun Jianguo,
Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương - một ứng cử viên sáng giá cho chức vụ người đứng đầu Hải quân Trung Quốc.
Điều này có nghĩa rằng, dù so với tiêu chuẩn của chính Bắc Kinh, thì đại diện nước này dự SLD năm nay vẫn mang cấp bậc thấp hơn. Bước sụt giảm thanh thế từ năm 2011 tới năm 2012 có một động cơ rõ ràng: SLD 2011 đã khiến ông Lương Quang Liệt không thoải mái. Các quan chức Trung Quốc, như đã thành thông lệ, đa phần đều có bài phát biểu dập khuôn, bài diễn văn xoa dịu, tránh né những vấn đề gây tranh cãi – sau đó rời sân khấu luôn mà không trả lời câu hỏi của khán giả.
Đó là điều không thể tại SLD nên ông Lương Quang Liệt đã phải đối mặt với nhiều tình huống gay gắt như việc đại diện các nước chỉ trích quy tắc ứng xử của Bắc Kinh tại Biển Đông. Dường như Bắc Kinh đã không hài lòng về trải nghiệm này nên quyết định giảm thấp cấp quan chức tham gia năm sau.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates năm 2011 lại sử dụng SLD để làm cơ hội nhấn mạnh về chính sách “xoay trục sang châu Á” của Mỹ, đồng thời quả quyết với khán giả rằng “các lợi ích của Mỹ, một quốc gia Thái Bình Dương sẽ kéo dài”.
Hội nghị cấp cao An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến 4/6 tới. Ảnh: Straits Times |
Sự xuất hiện một lần rồi thôi của Bộ trưởng Lương Quang Liệt tại SLD một lần nữa đã chỉ ra vấn đề ẩn sâu hơn mà Trung Quốc gặp tại hội nghị thường niên này. Bắc Kinh không thích bàn luận về các tranh chấp trên biển của nước này tại bất cứ sự kiện đa phương nào, thay vào đó là khăng khăng đòi đàm phán song phương.
Tuy nhiên, Biển Đông đã trở thành một chủ đề lưu niên tại SLD – và Trung Quốc, phần lớn do sự khó chịu của nước này, có ít ảnh hưởng tới chương trình nghị sự. Tình trạng này có nghĩa mỗi năm, bất kể đại diện Bắc Kinh cử tới SLD là ai, sẽ là đối tượng bị hỏi dồn về những vấn đề Bắc Kinh không thích bàn bạc thẳng thắn trong một sự kiện đa phương, công khai.
Thay vì giúp nâng tầm SLD bằng việc phái đại diện cấp cao, Trung Quốc lại chọn cách đẩy mạnh đối thoại an ninh riêng: Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức thường niên vào mùa thu tại Bắc Kinh kể từ năm 2014 (trước đó tổ chức 2 năm/lần). Giữ vai trò đăng cai diễn đàn cho phép Bắc Kinh chọn lựa các chủ đề để nhấn mạnh và chủ đề bị gạt bỏ.
Có thể dự đoán trước, Trung Quốc đã nêu bật những yếu tố tích cực của tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chủ đề Diễn đàn Hương Sơn năm ngoái bao gồm "Ứng phó với những thách thức an ninh mới ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua hợp tác" và "hợp tác an ninh biển". Hai chủ đề này được cho là phần lớn không gây được hứng thú cho người tham dự.
Ngược lại, một số chủ đề hấp dẫn trong chương trình nghị sự lần thứ 16 của SLD là: “Duy trì trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc” và “Mối nguy hiểm hạt nhân tại châu Á – Thái Bình Dương”. Vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ nằm trong chương trình nghị sự dưới dạng thảo luận về “các biện pháp thực tế để tránh xung đột trên biển”.
Mặc dù nhà phân tích Shannon Tiezzi dẫn chứng các ví dụ như trên thì lý do tại sao Trung Quốc cử một quan chức cấp phó tới dự SLD năm nay vẫn còn chưa rõ ràng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết quyết định này dựa trên “yêu cầu công việc” chứ không phải thông điệp ngoại giao.
Bà đồng thời lặp lại sự khẳng định của nước này từ năm 2012 rằng vì các “ưu tiên trong nước” nên Bộ trưởng Lương Quang Liệt không tham dự SLD. Một phóng viên đã gợi ý khả năng về một sự lạnh nhạt trong mối quan hệ Trung Quốc – Singapore là nguyên nhân ngầm dẫn đến việc cử đại diện cấp thấp năm nay. Song bà Hoa Xuân Oánh đã thẳng thừng bác bỏ.
Có lẽ câu chuyện chỉ đơn giản rằng cuộc cải cách và tái cấu trúc trong PLA đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc cử đại diện quốc phòng hàng đầu dự SLD năm nay. Rốt cuộc thì chúng ta sẽ phải chờ đợi để xác định đây có phải một khuynh hướng đi xuống lâu dài hay không, hoặc, trưởng phái đoàn Bắc Kinh tại SLD năm 2012 là một bước đi sai lệch. Trưởng phái đoàn Bắc Kinh năm sau có thể quay trở lại cấp bậc phó – nếu không vậy, Bắc Kinh sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng về giá trị mà nước này đánh giá về đối thoại an ninh quy mô nhất châu Á.