Do sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã buộc phải tuyên bố cần xem xét lại chính sách năng lượng của nước này. Các quốc gia châu Á khác đang sử dụng năng lượng hạt nhân như Hàn Quốc và Ấn Độ cũng kêu gọi rà soát lại vấn đề an toàn mặc dù vẫn tiếp tục ủng hộ năng lượng hạt nhân. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có cơ hội giành chiến thắng lớn từ cuộc khủng hoảng này.
Saurav Jha, chuyên gia về các vấn đề an ninh, năng lượng toàn cầu và là tác giả của cuốn sách “Sự đảo lộn của năng lượng hạt nhân” nhận định: Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng hạt nhân khổng lồ của mình để trở thành nền tảng của ngành công nghiệp hạt nhân. Trước cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, các nhà chức trách Trung Quốc tin rằng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc nước này phải tìm cách giảm sự phụ thuộc truyền thống vào than đá. Trung Quốc hiện có 13 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, hơn 27 lò phản ứng đang được xây dựng và kế hoạch xây dựng hàng chục lò phản ứng khác.
Hiện nay, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng “thành phố hạt nhân” đầu tiên tại Haiyan. Dự kiến, vào năm 2012, nước này sẽ đưa vào hoạt động thùng áp lực của lò phản ứng (RPV) có công suất lớn nhất trên thế giới, trong bối cảnh khả năng chế tạo các bộ phận của lò phản ứng lớn của Trung Quốc đang được tích lũy khi nước này đề xuất xây dựng 2 lò phản ứng công suất 1.000 MW cho Pakixtan.
Kết quả là, có vẻ như Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ bất cứ sự suy sụp nào trong ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản. Nếu điều này dẫn tới sự thoái trào ở bất cứ nước nào có ảnh hưởng lớn khác ở châu Á, Trung Quốc có thể sẽ nổi lên thành một động lực chính không thể tranh cãi bằng cách thu gom các công nghệ cần thiết và các nguồn tài nguyên hạt nhân.
Chẳng hạn, Toshiba-Westinghouse đã chuyển giao đủ kiến thức cho Trung Quốc để nước này nâng cấp lò phản ứng AP-1000 của liên doanh thành lò phản ứng CAP-1400 và theo dự kiến, lò phản ứng CAP-1400 đầu tiên sẽ được xây dựng vào năm 2013.
Trong khi đó, các quan ngại về vấn đề biến đổi khí hậu có thể sẽ lớn hơn các quan ngại về an toàn hạt nhân ở châu Á, nhất là ở Trung Quốc. Sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất đại trà công nghệ thấp của Trung Quốc vẫn đang dựa vào than đá. Nhưng điều này có tác động xấu tới môi trường của nhiều thành phố ở Trung Quốc. Một số thành phố ở nước này thường bị xếp hạng là ô nhiễm nhất trên thế giới.
Nếu các nguy cơ hạt nhân thực sự ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản hoặc dẫn tới nhiều cuộc biểu tình ở Ấn Độ hay Hàn Quốc, ngành công nghiệp hạt nhân sẽ dịch chuyển sang Trung Quốc theo cách mà phần lớn các ngành công nghiệp khác đang tập trung ở đó. Điều này có thể cho phép Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp có tính cạnh tranh nhất về lượng khí thải cácbon trên thế giới và làm tăng triển vọng Trung Quốc trở thành một nước xuất khẩu điện hạt nhân ròng. Và một ngày nào đó, Mỹ và châu Âu có thể sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc một lần nữa sử dụng năng lượng hạt nhân. Khi đó, họ chỉ có một địa điểm duy nhất để tới, đó là Trung Quốc.
Thanh Tùng (theo tạp chí Nhà Ngoại giao của Nhật Bản, tháng 5/2011)