Dường như đã kiểm soát được COVID-19 trong nội địa, Trung Quốc giờ chuyển trọng tâm sang nỗ lực trợ giúp toàn cầu trên nền tảng “luồng nhanh” - từ cung cấp khẩu trang, kít xét nghiệm, công nghệ chẩn đoán đến thiết bị, cơ sở huấn luyện cho các nước ở Trung Đông bị tác động bởi dịch bệnh.
Một số nước trong khu vực có vẻ như đang đi theo cách thức mà họ đánh giá là thành công của Trung Quốc trong xử lý đại dịch. Trung Quốc được tiếng là đối phó tương đối hiệu quả với COVID-19 và vì thế quan điểm phổ biến tại Trung Đông cho rằng Bắc Kinh có thể giúp chấp dứt đại dịch nhanh chóng.
Sau khi đã học theo các bước của Trung Quốc, những quốc gia hàng đầu trong Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang ngóng tìm những thành quả mau đến để giúp họ mở cửa trở lại nền kinh tế càng sớm càng tốt.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung liên quan đến đại dịch leo thang, với việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/5 tuyên bố có bằng chứng quan trọng cho thấy virus khởi phát từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
Ngày 26/4, Trung Quốc và Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận quan trọng về chống COVID-19. Riyadh sẽ trả cho Bắc Kinh số tiền 265 triệu USD để mua kít xét nghiệm và thuê chuyên gia. Đã nới lỏng lệnh giới nghiêm đối với một số khu vực trong nước, Saudi Arabia muốn mở cửa hai thành phố thánh địa Mecca và Medina, cũng như cần một hạ tầng y tế chuyên biệt để cung cấp các cơ sở tốt nhất.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ cung cấp cho Saudi Arabia 9 triệu bộ kít, đủ để duy trì khả năng xét nghiệm 50.000 người/ngày; cử 500 chuyên gia y tế sang hỗ trợ Saudi Arabia kiểm soát dịch và quản lý 6 phòng xét nghiệm, trong đó có cả phòng xét nghiệm di động.
Áp dụng phương pháp đóng cửa để ngăn chặn COVID-19 lây lan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hành động quyết liệt, mà nếu ở nước khác sẽ khó có thể thực hiện được. Hai nước đều chứng minh được tính hiệu quả và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed đã nói rằng “Trung Quốc là ví dụ nổi bật nhất chứng minh được rằng thời khắc khó khăn cũng sẽ qua đi thông qua hợp tác, đoàn kết giữa tất cả các nhà lãnh đạo, các chính phủ và người dân trên toàn thế giới”.
Không nghi ngờ gì nữa, ngoại giao COVID-19 đã giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và tạo ra tác động nhiều mặt tại Trung Đông. Về cơ bản, nỗ lực trợ giúp đã tạo ra cho Trung Quốc những ưu thế sau:
Một là, gia tăng quyền lực mềm. Ngay cả khi Trung Quốc có quan hệ thân thiết với các nước Arab, điều mà Bắc Kinh thiếu chính là quyền lực mềm. Trợ giúp khủng hoảng y tế đã giúp loại bỏ rào cản này. Bên cạnh việc tham gia thúc đẩy hoạt động trợ giúp, Đại sứ Trung Quốc tại các nước trong khu vực có tần suất hoạt động dày hơn và điều này cũng tạo ra sự khác biệt trong vấn đề quyền lực mềm.
Hai là, thông qua những nỗ lực này, Trung Quốc gần như đã chấm dứt được chỉ trích thời gian đầu nhằm vào mình, cho rằng Bắc Kinh đã hành động chậm chạp trước dịch bệnh. Thực tế, Bắc Kinh đã tạo ra mô hình chống dịch kiểu Trung Quốc đang được các nước trong khu vực học theo. Trung Quốc dường như đã giành được thiện cảm của công chúng Trung Đông. Kênh truyền hình Saudi Arabia Al Arabiya hồi tháng trước bình luận “Trung Quốc là nước duy nhất hành động hiệu quả trong cuộc khủng hoảng này”.
Ba là, khi khủng hoảng COVID-19 kết thúc, các nền kinh tế vùng Vịnh sẽ cần nhiều vốn đầu tư nước ngoài để vực dậy suy thoái tài chính mà đại dịch gây ra. Đó không chỉ là vấn đề suy giảm cầu đối với dầu mỏ và khí đốt; nhiều ngành kinh tế trong khu vực đang phải vật lộn để tồn tại và Trung Quốc có thể hỗ trợ nguồn tài chính và chuyên gia cho số này.
Cuối cùng, những kết nối viện trợ giúp Trung Quốc tạo lập quan hệ bền chặt với nhiều quốc gia hơn ở Trung Đông. Bắc Kinh duy trì hợp tác thân thiết về thương mại với các nước cung ứng năng lượng như Saudi Arabia, Iran, UAE, Oman và Qatar, nhưng hợp tác với phần còn lại của khu vực còn hạn chế.
Tất cả những nước nêu trên đều gửi thiết bị y tế và đồ viện trợ cho Trung Quốc khi nước này lâm vào khủng hoảng y tế. Đáp lại, Bắc Kinh hỗ trợ quy mô lớn hơn và mở rộng sang nhiều nước khác như Ai Cập, Liban, Tunisia khi COVID-19 quét qua Trung Đông.