Trung Quốc đi con đường riêng phát triển ô tô không người lái

Các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã hứa hẹn về một thế giới tràn ngập ô tô không người lái nhưng có một thực tế là chính Trung Quốc mới là nơi đang thúc đẩy xu thế này mạnh mẽ nhất, theo những cách riêng của mình.

Chú thích ảnh
Công nghệ xe tự hành đang được phát triển mạnh. Ảnh: hybridcars.com

Những chiếc ô tô không người lái (hay xe tự hành) chạy quanh khu vực đường Nam Ronghua trông không khác những sản phẩm tương tự ở Mỹ: những chiếc mui trần với giá đỡ cảm biến được gắn trên nóc và một siêu máy tính trong cốp xe.

Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một dải đất phía Đông Nam của thủ đô Bắc Kinh trở thành thành phố “Bắc Kinh điện tử”. Đó là một trong những không gian đô thị đang phát triển trên khắp Trung Quốc, được thiết kế làm nơi thử nghiệm cho các loại xe tự hành. Bên đường gắn nhiều biển báo ghi rõ “Đường thử nghiệm quốc gia”. Ô tô chạy ở đây mang logo của các công ty hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Pony.ai hay WeRide.

Trong nhiều năm trở lại đây các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã hứa hẹn một thế giới tràn ngập xe tự hành (autonomous vehicle -AV), giúp các con đường trở nên an toàn hơn và ít tắc nghẽn hơn. Nhưng có một thực tế là xe tự hành đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, và chính Trung Quốc chứ không phải các nước phương Tây mới là nơi xu thế này đang diễn ra sớm hơn. Một nhóm các công ty Trung Quốc đang hy vọng sẽ thu được lợi nhuận lớn từ công nghệ này.

Chú thích ảnh
Xe lái tự động là một xu thế lớn của tương lai, được hỗ trợ lớn bởi công nghệ 5G.

Nghe điều đó có vẻ phản trực giác. Vì về mặt công nghệ, phương Tây dờng như đi trước. “Mọi người đều đi sau Waymo và Cruise”, một giám đốc điều hành cấp cao của Trung Quốc nhắc đến một công ty con của Alphabet (công ty cổ phần của Google) và của “người khổng lồ” xe hơi General Motors. Xe của Waymo hiện có cự ly tự lái xa hơn cự ly của tất cả các loại xe tự hành khác ở Trung Quốc cộng lại. Còn Cruise đã thu hút được 6,2 tỉ USD đầu tư kể từ khi General Motors mua công ty khởi nghiệp này với giá 1 tỉ USD vào năm 2016. Công ty nghiên cứu CB Insights ước tính rằng có tới 11,9 tỉ USD đã được đầu tư vào các công ty xe tự lái của Mỹ từ năm 2014, so với 4,4 tỉ USD tại Trung Quốc.

Xe tự hành “đặc sắc Trung Quốc”

Tuy nhiên, trong khi còn thiếu các phần mềm lái xe tự động - thứ cho phép xe vượt qua những đường phố hỗn loạn, một số công ty Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược thay thế. Họ đang biến chính đường phố thành thứ gì đó mà phần mềm có thể xử lý. Cách tiếp cận này liên quan đến việc lắp đặt các cảm biến để hướng dẫn cho xe ô tô tự hành; soạn thảo và thực thi các quy tắc về cách thức con người di chuyển; thiết kế (hoặc thiết kế lại) cảnh quan đô thị để trở nên thân thiện với xe tự hành hơn; và hạn chế trách nhiệm pháp lý của các công ty AV trong trường hợp tai nạn không thể tránh khỏi. Tất cả điều này dễ thực hiện ở Trung Quốc hơn so với ở các nước phương Tây.

Xem video cuộc diễu hành xe tự hành lớn nhất tại Trùng Khánh, Trung Quốc (Nguồn: Guinness World Records):

Chiến lược trên cũng đòi hỏi đầu vào từ các công ty bên ngoài ngành sản xuất xe tự hành chuyên dụng. Các nhà mạng như China Mobile, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, như Huawei, đang tiến hành tích hợp công nghệ vào các hệ thống của họ, từ đó có thể kịp thời trợ giúp xe lái tự động trên hành trình. Huawei muốn ăng-ten di động 5G của mình đảm nhận phần lớn quá trình xử lý cần thiết để chạy một xe tự hành và chia sẻ lợi nhuận với công nghệ AV. Điều này khiến miếng bánh lợi nhuận của các công ty sản xuất xe tự hành sẽ bị san sẻ. Nhưng bản thân chiếc bánh thì sẽ to lên nhanh hơn. Ông Feng Hao, chuyên gia của Bosch, tập đoàn Đức chuyên cung cấp linh kiện công nghệ cao cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nhận xét rằng việc giảm chi phí cơ sở hạ tầng tính trên đầu mỗi chiếc xe tự hành nên được đẩy mạnh

Trong một bài phát biểu gần đây, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miao Wei nói rằng thị trường các phương tiện xe cộ kết nối các ứng dụng internet được dự báo sẽ đạt ​​trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) vào năm tới. Và nhu cầu về xe tự hành trong số 1,4 tỉ dân Trung Quốc là khổng lồ - ước tính lên tới 2 ngàn tỉ USD vào năm 2040, theo tính toán của các nhà tư vấn tại McKinsey.

Các công ty AV Trung Quốc có thể đã phát triển mạnh trước cuộc đổ bồ ồ ạt của xe tự hành trên khắp thế giới. Hiện tại họ đã hưởng lợi từ hiệu ứng “nhảy cóc” này - ông Wei Zhou, lãnh đạo Quỹ đầu tư liên doanh China Creation Ventures, nhận định.

Cowa Robot, một trong những nơi ông Wei Zhou đầu tư, đã bán ra robot tự động quét đường phố cho chính quyền thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Còn Horizon Robotics, được định giá 3 tỉ USD, thì cung cấp các máy tính chuyên dụng dùng trên xe tự hành cho những công ty như Cowa. Lúc này, khả năng kiếm tiền từ việc tự động hóa các tác vụ đơn giản hơn đang dẫn các công ty Trung Quốc dần đi đến sản xuất những loại xe tự hành hoàn toàn và trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ. 

Xem video xe tự hành chạy trên đường thử nghiệm dài 30km ở Thiên Tân, Trung Quốc (Nguồn: ODN):

Lợi thế của AV "Made in China" 

Các công ty xe tự hành Trung Quốc có một lợi thế so với các đồng nghiệp phương Tây: sự hỗ trợ rõ ràng từ nhà nước. Chính phủ rất muốn các công ty trong nước thành công và sẵn sàng sử dụng cơ chế để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy công nghệ mới, viết lại chính sách. Theo truyền thông nhà nước, Trung Quốc sẽ chi tới 220 tỉ USD vào năm 2025 và có kế hoạch thiết lập cơ sở hạ tầng cho xe tự hành trong suốt thập niên 2020, bao gồm các mạng viễn thông để thu thập dữ liệu từ các phương tiện và môi trường xung quanh, khả năng điện toán đám mây hay bản đồ hướng dẫn xe….

Ngoài ra, chính quyền thúc đẩy các tiêu chuẩn và quy định thân thiện với xe tự hành. Họ có thể mở rộng hệ thống “Đường thử nghiệm quốc gia” vào các khu đô thị, mà không lo đối mặt với phản ứng từ người dân địa phương như ở các nước phương Tây.

Măc dù vậy, con đường không hoàn toàn suôn sẻ với ngành công nghiệp xe tự hành Trung Quốc. Cũng như với các ngành công nghiệp còn lại, ngành này cũng bị kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hồi tháng 5, Chính phủ Mỹ đã cấm các công ty nước này cung cấp sản phẩm cho tập đoàn Huawei, Trung Quốc. Ngày 7/10 vừa qua, thêm 8 công ty Trung Quốc khác được bổ sung vào “danh sách đen”, bao gồm cả những công ty liên quan đến sản xuất AV.

Chú thích ảnh
Năm 2018 chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định trên toàn quốc về thử nghiệm xe tự hành. ảnh: News.cn 

Viễn cảnh mất quyền truy cập vào công nghệ Mỹ đặc biệt đáng lo ngại đối với các công ty xe tự hành, bởi vì ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài về các thiết bị điện tử cấp năng lượng cho các phương tiện hiện đại. Năm ngoái, nhập khẩu các mạch tích hợp của Trung Quốc đạt tổng cộng 312 tỷ USD, gấp mười lần giá trị nhập khẩu các bộ phận xe hơi.

Ngoài ra các doanh nhân Trung Quốc để mắt tới thị trường xe tự hành đã thành lập nhiều công ty khởi nghiệp đẩy triển vọng, nhưng nhiều người trong số họ ở Thung lung Silicon và phải tuân theo luật pháp Mỹ.

Các nhà phát triển xẹ tự hành Trung Quốc cũng không tránh khỏi vấn đề lớn nhất liên quan đến các đối thủ phương Tây. Pony.ai, WeRide và những công ty khác đang tiếp tục tiêu tốn tiền. Điều này có thể không sớm thay đổi. Người ta vẫn chưa "đo lường" được mong muốn của người tiêu dùng về sở hữu xe tự hành. Các nhà đầu tư thì đang ngày càng mất kiên nhẫn với các công ty thua lỗ như Uber, vốn đã giảm 1/3 giá trị trên thị trường chứng khoán kể từ khi IPO hồi tháng 5 năm nay.

Một giám đốc điều hành xe hơi toàn cầu từng phát biểu, "nếu các tài xế thì thừa mà không gian trên đường lại thiếu, vấn đề các bạn nên giải quyết trước tiên không phải là đưa tài xế ra khỏi xe". 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Economist)
Phát động động cuộc thi lập trình xe tự hành quốc tế mùa thứ tư
Phát động động cuộc thi lập trình xe tự hành quốc tế mùa thứ tư

Cuộc đua số mùa thứ 4 (2019-2020) sẽ có nhiều thử thách hơn như xe phải tránh các xe đi thuận, ngược chiều, người đi bộ ngẫu nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN