Trung Quốc đang tiến hành thương lượng cấp cao với chính phủ Côlômbia về kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương với mục tiêu thay thế
.
Theo báo Sankei (Nhật Bản), tuyến đường sắt trên có chiều dài 220 km, sẽ chạy từ bờ biển Thái Bình Dương của Côlômbia tới một cảng mới sẽ được xây gần với thành phố Cartagena trên vịnh Caribê với công suất vận chuyển hàng hóa lên tới 40 triệu tấn/năm. Khi hoàn thành, việc xuất khẩu than đá từ Côlômbia sang Trung Quốc và xuất khẩu các hàng hóa khác từ Trung Quốc sang Nam Mỹ cũng sẽ trở nên thuận tiện hơn. Ngoài dự án trên, Trung Quốc và Côlômbia nhiều khả năng còn hợp tác trong dự án mở rộng cảng Buenaventura bên bờ Thái Bình Dương và một dự án xây dựng đường sắt khác dài 791 km.
Hiện nay tuy chưa rõ thông tin chi tiết và lịch trình xây dựng tuyến đường trên song các nguồn tin cho biết, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) sẽ cho dự án này vay 7,6 tỷ USD với điều kiện việc xây dựng phải được giao cho Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Trên thực tế, đây là một kiểu vốn vay ODA có điều kiện ràng buộc. Thông qua các hoạt động viện trợ, Bắc Kinh muốn tiếp tục đẩy mạnh thương mại song phương giữa hai nước lên một tầm cao mới vì Côlômbia có nguồn tài nguyên than đá rất dồi dào. Bắc Kinh cũng từng công khai đánh giá rằng Côlômbia có một vị trí chiến lược rất quan trọng như một cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào khu vực Mỹ Latinh.
Bên cạnh ý nghĩa đó, thông tin về kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trên cũng cho thấy mục tiêu của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với công nghệ đường sắt của Nhật Bản và châu Âu. Theo báo giới Trung Quốc, nước này sẽ “quyết đấu” với các doanh nghiệp Nhật Bản và Pháp khi quyết định tham gia cuộc đấu thầu dự án đường sắt cao tốc tại Braxin được tổ chức vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, tuyến đường sắt mới sẽ giúp Bắc Kinh không phụ thuộc vào sự kiểm soát của Mỹ trên kênh đào Panama để từ đó tiện có những tính toán chiến lược riêng của mình.
Kế hoạch này cũng cho thấy tiếng nói của Trung Quốc trong khu vực Nam Mỹ giờ đây đã có sức mạnh rất lớn. Nói một cách dễ hiểu, kế hoạch này cho thấy cán cân chính trị thế giới đã không còn nghiêng về nước Mỹ như trước đây và báo hiệu một sự dịch chuyển trên bản đồ thương mại thế giới trong tương lai khi châu Á giờ đây được coi là động lực mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Còn đối với một đất nước nằm ở phía bắc khu vực Nam Mỹ như Côlômbia, một tuyến đường giao thông nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương sẽ giúp nước này không còn bị phụ thuộc vào việc lưu thông trên kênh đào Panama nữa. Xét một cách tổng thể, việc xây dựng tuyến đường sắt mới sẽ giúp Côlômbia không những thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ mà còn mang ý nghĩa chiến lược khi vận chuyển quân sự cũng trở nên dễ dàng hơn.
Hồng Hà