Báo Độc lập (Nga) ngày 14/5 đăng bài nhận định chính sách bành trướng trên các vùng biển của Trung Quốc đang làm khó cho Mỹ trong sách lược "ve vãn" nước này nhằm cô lập Moskva.
Tờ báo viết, chuyến thăm Mỹ của Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông ngày một gia tăng, liên quan việc nước này hạ đặt giàn khoan nước sâu khổng lồ mang tên Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam. Phía Mỹ đánh giá đây là hành động "khiêu khích" hết sức nguy hại.
Báo Độc lập nhận định chuyến thăm Mỹ 4 ngày của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy bắt đầu ngày 13/5, với việc thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu USS Coronado và trạm tuyển mộ của Thủy quân lục chiến Mỹ. Lịch trình chuyến thăm thực chất là nằm trong kế hoạch của nước chủ nhà Mỹ nhằm phô trương sức mạnh Hải quân với Trung Quốc, trong bối cảnh chuyến thăm diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy. |
Các nhà phân tích nhận định, những nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự của Mỹ và Trung Quốc có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa cuộc đụng độ leo thang thành xung đột trên biển. Trước khi xảy ra vụ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Washington đặc biệt chú trọng "ve vãn" Bắc Kinh nhằm tìm cách cô lập Moscow. Tuy nhiên, tờ báo Nga nhận định khả năng tăng cường hợp tác Mỹ - Trung sẽ bị ảnh hưởng đáng kể liên quan chính sách bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển.
Lầu Năm Góc cho biết, tuy nhiên, chuyến thăm của tướng Phòng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Mỹ. Được biết, chuyến thăm này cũng diễn ra đúng 1 năm sau chuyến thăm Bắc Kinh của người đồng nhiệm Mỹ Martin Dempsey, và nó đã được lên kế hoạch từ khi đó. Nguồn tin từ Lầu Năm góc khẳng định: "Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey vui lòng được đón tiếp người đồng cấp Trung Quốc tại Mỹ để tiếp tục thảo luận chủ đề tăng cường hợp tác song phương giữa hai cường quốc quân sự". Trong khi đó, nguồn tin từ các quan chức cao cấp Mỹ cho biết Mỹ muốn tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc chặt chẽ hơn nữa. Rõ ràng chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Tư vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hoàn toàn không phải là một sự tình cờ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Độc lập, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông Yakov Berger lưu ý rằng quan hệ Trung-Mỹ mang tính nhiều mặt. Chuyên gia này nhận định: "Một mặt, nền kinh tế của hai quốc gia này ngày càng trở nên gắn bó với nhau, và điều đó góp phần đáng kể giúp tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Mặt khác, hai cường quốc này lại thiếu hẳn sự tin tưởng lẫn nhau. Mỹ kêu gọi tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự với Trung Quốc, nhằm cố gắng ngăn chặn sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga. Đồng thời, Washington cũng tăng cường quan hệ quân sự với Nhật Bản, Philippines và các nước khác ở Đông Nam Á- những quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc".
Một yếu tố quan trọng khác khiến quan hệ Trung - Mỹ bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng là việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này rất khó để hy vọng rằng chuyến thăm Mỹ lần này của Tướng Phòng có thể đạt được kết quả rõ rệt. Các nhà quan sát cho rằng, nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể dừng lại ở việc ký thỏa thuận trao đổi thông tin khi xảy ra thiên tai.
Trong khi đó, tờ Japan Times của Nhật Bản nhận định việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông sẽ là chủ đề thảo luận giữa hai quan chức quân sự Mỹ - Trung. Cụ thể, Mỹ sẽ đề cập việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 tại vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tờ báo ghi nhận, tại Hà Nội diễn ra các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc đòi Bắc Kinh phải chấm dứt ngay các hành động ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Quế Anh