Dự định đầu tư 2 tỷ USD xây khu công nghiệp tại Syria sẽ thu hút khoảng 150 công ty Trung Quốc tham gia, ông Qin Yong, Phó Chủ tịch Hiệp hội trao đổi Trung Quốc – Arab thông báo ngày 9/7. Dự án này đã được chính phủ Syria và đại diện ngoại giao của nước này tại Trung Quốc bàn luận sôi nổi. Cùng ngày, Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha xác nhận Bắc Kinh, Moskva và Tehran sẽ được ưu tiên so với các đối tác khác trong việc thi hành các sáng kiến kinh tế và dự án ở Syria.
Trả lời đài Sputnik Trung Quốc, một số chuyên gia đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính hợp thời của dự án này, trong khi một số lại cho rằng dự án đầu tư đầu tiên của Trung Quốc tại Syria đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Bắc Kinh đang quan tâm đến lợi ích địa chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Quốc kỳ Trung Quốc và Syria được trưng bày trước giờ một cuộc họp chung tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: AP |
Được biết, Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch thuê máy bay và tàu thuyền của Syria để phục vụ hoạt động kinh tế trong tương lai. Các công ty Trung Quốc sẽ được cung cấp sự hỗ trợ hợp pháp cần thiết trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và hoạt động ngân hàng bởi một ủy ban đặc biệt. Ủy ban này do Đại sứ quán Syria tại Trung Quốc và Hiệp hội trao đổi Trung Quốc-Arab cùng với hãng luật Shijing trụ sở tại Bắc Kinh sáng lập.
Tuy nhiên, Chen Fengying, nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, lại tin rằng mục đích hàng đầu là chấm dứt chiến tranh ở Syria. “Đối với Syria, vấn đề quan trọng nhất là chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề của lực lượng đối lập, và vị trí thứ hai là khôi phục lại cơ sở hạ tầng”, ông Chen cho biết.
“Tôi tin rằng vẫn còn quá sớm để nói đến việc lập ra một khu công nghiệp”, ông Chen nói, “Gần như mọi thứ ở Syria hiện nay cần phải khôi phục lại. Đường xá và nhà cửa ở đó đều bị phá hủy, và chỉ sau khi khôi phục cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề liên quan tới việc cung cấp cho người dân thực phẩm, chúng ta mới có thể nói về việc khôi phục sản xuất”.
Vì thế, chuyên gia này nhấn mạnh rằng rất khó để đánh giá những rủi ro liên quan tới dự án vừa được thông báo trên tại thời điểm hiện tại. “Syria nằm dọc Con đường tơ lụa”, ông Chen nhắc lại, “Nếu tình hình ở quốc gia này bình ổn, chúng ta sẽ có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Syria trong khung của dự án ‘Vành đai, Con đường’”.
Về phần mình, ông Vladimir Evseev, Vụ trưởng Vụ Hội nhập và Phát triển Âu-Á của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), nhận xét việc sẵn lòng đầu tư tại Syria của Trung Quốc mang ý nghĩa rằng ngày kết thúc xung đột ở đất nước Trung Đông này không còn xa.
Thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: AFP |
“Trung Quốc thực sự không muốn bị bỏ rơi ở phía sau – nước này muốn giữ một vai trò trọng yếu trong giải pháp của cuộc khủng hoảng Syria. Trung Quốc đã chờ đợi một thời gian dài: nước này không chắc chắn rằng các hành động của Nga có thể dẫn tới kết quả cuối cùng đạt được. Trung Quốc đang dần can dự nhiều hơn đến việc giải quyết vấn đề Syria nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh doanh”, ông Evseev giải thích.
Ông Evseev nhắc lại trước khủng hoảng nội chiến, Trung Quốc từng kiểm soát một phần đáng kể dầu và khí đốt của Syria. Hàng chục tỷ USD đã được Bắc Kinh đầu tư vào đây. Dễ đoán rằng Trung Quốc muốn tiếp tục giữ kiểm soát trong lĩnh vực năng lượng tại Syria.
“Có lẽ, chúng ta đang nói về những ‘hành lang ảnh hưởng kinh tế’. Trung Quốc đã đưa ra một quyết định có ý nghĩa quan trọng để tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, về cả mặt chính trị lẫn kinh tế. Điều này cũng có thể đi kèm với sự tham gia giới hạn trong lĩnh vực quân sự để thử nghiệm vũ khí”, chuyên gia Evseev gợi ý.
Năm ngoái, Trung Quốc đã bổ nhiệm một đặc phái viên tại Syria. Tiếp đến, Bắc Kinh đã kết hợp các nỗ lực ngoại giao với việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân nước Trung Đông này.
Chính sách về Syria vẫn giữ một vị trí ưu tiên trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Cụ thể, giới quan sát nhận thấy điều này thông qua việc vào ngày 18/1, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đã đề cao những đóng góp của Trung Quốc trong quá trình khôi phục Syria.